Nhắc vụ Tân Hoàng Minh, Ủy ban Kinh tế cảnh báo thị trường trái phiếu tiềm ẩn rủi ro cao
Ủy ban Kinh tế cảnh báo vốn huy động qua phát hành trái phiếu riêng lẻ rồi dùng sai mục đích, chuyển "lòng vòng" qua các doanh nghiệp, nguy cơ mất vốn gốc, lãi của nhà đầu tư.
Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp gửi Quốc hội ngày 31/5, Ủy ban Kinh tế cảnh báo còn hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch. Việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu 'lòng vòng' qua các doanh nghiệp khác tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích.
Theo báo cáo, năm ngoái, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 637.000 tỉ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020. Ba tháng đầu năm nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt tới 144.100 tỉ đồng.
Đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng, nhưng Ủy ban Kinh tế cho rằng thị trường này tiềm ẩn rủi ro cao, mất cân đối về cơ cấu.
Tỉ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ gấp gần 18 lần lượng phát hành ra công chúng và chiếm gần 95% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt có tới 70% khối lượng phát hành là các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản, công ty chứng khoán. Riêng bất động sản chiếm từ 30-50% tổng khối lượng phát hành, tiềm ẩn những rủi ro cho thị trường gắn với rủi ro thị trường bất động sản.
Tại báo cáo, cơ quan của Quốc hội cũng cảnh báo hiện tượng sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
"Việc chuyển vốn huy động từ phát hành trái phiếu lòng vòng qua các doanh nghiệp khác tiềm ẩn rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc, lãi trái phiếu của nhà đầu tư, nhất là trong trường hợp dự án gặp khó khăn", cơ quan của Quốc hội nhận xét.
Hơn nữa, chất lượng trái phiếu riêng lẻ chưa cao, tài chính một số doanh nghiệp hạn chế, gây rủi ro thanh toán gốc và lãi cho các trái chủ và hệ thống ngân hàng.
Cơ quan này dẫn số liệu trên thị trường sơ cấp, thứ cấp năm 2021, tỷ lệ tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu chiếm 34-46%. Tức là, phần lớn các trái phiếu được các công ty chứng khoán mua trên thị trường sơ cấp và phân phối lại cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư cá nhân và các tổ chức khác.
Với quy mô thị trường hiện vẫn còn nhỏ, chiếm 15%/GDP, thấp hơn một số nước trong khu vực, Ủy ban Kinh tế đánh giá thị trường trái phiếu có thời điểm tăng trưởng nóng, thiếu tính ổn định. Khối lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ quý I năm nay tăng cao so với 2020, bất động sản và xây dựng là hai nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất, gần 51% và 19%; tiếp đến là các tổ chức tín dụng xấp xỉ 5%...
Nhưng sang tháng 4, cơ cấu chủ thể phát hành lại thay đổi đáng kể khi trái phiếu nhóm bất động sản sụt giảm mạnh, chỉ còn 12%, trong khi trái phiếu của các tổ chức tín dụng tăng lên tới hơn 63%.
Cơ cấu thay đổi này, theo Ủy ban Kinh tế, nguyên nhân là do tác động từ quyết định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khi hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Việc thị trường phát triển nhanh thời gian qua là do mức lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân cao nên thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có những nhà đầu tư không có kinh nghiệm, khả năng phân tích rủi ro, mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao. Họ không quan tâm đến tài sản bảo đảm, định mức tín nhiệm hay điều kiện bảo lãnh.
Các nhà đầu tư cá nhân tiếp cận trái phiếu doanh nghiệp dễ dàng với các lô tách nhỏ, thời hạn đầu tư linh hoạt. Trong khi đó, tổ chức tư vấn phát hành, phân phối trái phiếu không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư khiến họ nhầm lẫn rằng các tổ chức này trả nợ thay cho doanh nghiệp phát hành. Điều này gây rủi ro cho chính nhà đầu tư.
Phát hành trái phiếu tăng trưởng "nóng" hai năm qua, cộng với kỳ hạn phát hành bình quân gần 3,8 năm, nên dư nợ cần thanh toán trong 2 năm tới rất lớn, tạo áp lực trả nợ cho các doanh nghiệp phát hành.
Chẳng hạn, giá trị trái phiếu đáo hạn năm 2022 khoảng 144.500 tỉ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản đáo hạn chiếm hơn 43% (khoảng 62.470 tỉ). Còn trái phiếu đáo hạn của các tổ chức tín dụng khoảng 29.160 tỉ đồng, chiếm 20%.
Hai năm tới sẽ là thời điểm lượng trái phiếu đến hạn thanh toán tăng cao, lần lượt là 271.400 tỉ đồng cần thanh toán vào năm 2023 và năm 2024 là 329.500 tỉ đồng. Gần 77% trong số này là trái phiếu bất động sản. Nêu ra những con số này, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh việc cần phải làm rõ thêm về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp.
Để thị trường trái phiếu phát triển cân bằng, trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Lưu ý phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đảm bảo minh bạch, công khai, tăng cường chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, áp dụng chuẩn mực quốc tế về quản trị, hạch toán, kế toán và công bố thông tin trong hoạt động; đa dạng hóa mô hình, chiến lược kinh doanh.
Tăng cường thực hiện các biện pháp thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển cân bằng và hài hòa với thị trường tiền tệ và thị trường cổ phiếu, trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn quan trọng, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Trong đó, chú trọng hoàn thiện và phát triển thị trường trái phiếu niêm yết, thiết lập thị trường giao dịch cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp…
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google