Hỗ trợ thêm nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm
Dự án "Chúng tôi có thể" tiếp tục được triển khai giai đoạn II tại các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận với mục tiêu tiếp tục trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái và nữ thanh niên nhằm để vượt qua định kiến, lên tiếng và hành động vì ước mơ, hy vọng và nguyện vọng trong giáo dục.
Nhân rộng mộ hình hỗ trợ phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, tạo việc làm (Ảnh: phunuvietnam.vn)
Tại Việt Nam, các vùng dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái vẫn có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác.
Dự án Chúng tôi có thể (We are ABLE) được khởi xướng nhằm góp phần giải quyết vấn đề này. Với khẩu hiệu "Hướng đến mức sống và giáo dục tốt hơn" viết tắt là "ABLE" (có thể) khẳng định niềm tin vào năng lực vượt qua thử thách, khó khăn của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.
Hàng chục nghìn trẻ em gái, phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận giáo dục và có cơ hội việc làm
Theo UNESCO, giai đoạn I của Dự án do UNESCO thực hiện từ năm 2019 - 2022, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, được tài trợ bởi Quỹ Malala UNESCO về Quyền giáo dục cho trẻ em gái với hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Tập đoàn CJ.
Dự án tập trung triển khai tại 12 huyện ở 3 tỉnh: Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng, đạt được thành công trong việc đáp ứng được các đầu ra mong đợi nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục và duy trì việc học của trẻ em gái, đặc biệt là trẻ em gái dân tộc thiểu số, tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Theo đó, Dự án Giai đoạn I đã tiếp cận được 16.296 học sinh (trong đó có 8.021 nữ sinh). Ttrong số học sinh dân tộc thiểu số tại 24 trường triển khai dự án, tỷ lệ nhập học tăng từ 62% lên 67%, tỷ lệ bỏ học giảm từ 3,8% xuống 2,9% và tỷ lệ chuyển tiếp lên THCS tăng từ 69,7% lên 76,7%.
Cùng với đó, 2.136 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được đào tạo về tư vấn trường học có nhạy cảm giới và hàng nghìn người khác sẽ được tiếp cận thông qua việc triển khai khóa học trực tuyến trên toàn quốc. 120 phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số đã được đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp và tiếp tục được hỗ trợ thông qua Hội Phụ nữ xã.
Dự án cũng góp phần xây dựng được một Hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp, tạo việc làm với hơn 130 chị em phụ nữ của 5 huyện thuộc tỉnh Hà Giang, được tập huấn, tăng cường năng lực, tự tin vươn lên để khởi nghiệp. Mô hình được tiếp tục duy trì bởi chính quyền địa phương và sẽ có kế hoạch nhân rộng ra các huyện nằm ngoài Dự án.
Qua hơn 2 năm thực hiện, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khốc liệt trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, các hoạt động Dự án "Chúng tôi có thể" do Ủy ban Dân tộc thực hiện đã triển khai thành công và được đánh giá cao, giúp Ủy ban Dân tộc cũng như các địa phương có những bài học kinh nghiệm hữu ích cho việc triển khai thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Tiếp tục trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số hành động vì nguyện vọng trong giáo dục
Giai đoạn II của dự án "Chúng tôi có thể" tiếp tục được triển khai tại các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận với mục tiêu tiếp tục trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái và nữ thanh niên tại các trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS và các vùng lân cận, để vượt qua định kiến, lên tiếng và hành động vì ước mơ, hy vọng và nguyện vọng trong giáo dục.
Giai đoạn II, sẽ xây dựng các kỹ năng và nền tảng, thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các hoạt động truyền thông và vận động cho học sinh khởi xướng và tăng cường cam kết của Chính phủ về giáo dục cho trẻ em và thanh niên dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục là đối tác chính để triển khai dự án cùng với UNESCO, bên cạnh đó Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - một đối tác mới của Dự án, sẽ hỗ trợ các hoạt động truyền thông và vận động do học sinh khỏi xướng và thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái thông qua tiếp cận cộng đồng, các diễn đàn địa phương và Trung ương.
Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào Kế hoạch Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ Việt Nam. Chiến lược công tác dân tộc và cam kết quốc gia trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 4 về giáo dục và Mục tiêu 5 về bình đẳng giới.
Trần Vũ (tổng hợp)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google