Hàng không tăng trưởng nóng: Vừa mừng, vừa lo
Ngành hàng không tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua là tín hiệu vui. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng này lại dẫn đến tình trạng quá tải cùng tỉ lệ chậm, hủy chuyến bay tăng cao, đòi hỏi sự thay đổi lớn để phát triển bền vững.
Hàng không tăng trưởng nóng
Khi dịch COVID-19 được kiểm soát, cả nước bước vào trạng thái bình thường mới, cũng là lúc ngành du lịch bắt đầu hồi phục trở lại. Từ đầu cao điểm Hè 2022 đến nay, các cảng hàng không không lúc nào vắng khách.
Tại sân bay Nội Bài, tính trung bình, sản lượng bay quốc nội tại Nội Bài tăng hơn 40% so với cao điểm Hè 2019. Trong đó, tháng 6 vừa qua là thời điểm ghi nhận được sự tăng trưởng mạnh nhất về lượng hành khách qua cảng hàng không Nội Bài.
Như ngày 24/6, sản lượng vận chuyển đạt 102.000 lượt khách, trong đó có 91.000 lượt khách nội địa. Đến ngày 25/6, con số này đã lên hơn 104.000 lượt khách với gần 93.000 lượt khách nội địa. Với tình hình tăng trưởng như hiện tại, đầu tháng 7/2022, cảng hàng không Nội Bài dự báo có thể đạt 110.000 lượt khách.
Tương tự, tại sân bay Tân Sơn Nhất, theo thống kê, từ đầu tháng 6đến nay, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón tới 719.154 lượt hành khách quốc nội. Trong đó khách đến đạt 370.361, khách đi đạt 348.793. Riêng tuần 25 (từ ngày 15 - 21/6) đã có 38.821 lượt khách, tăng gần 10.000 lượt so với tuần trước đó.
Bên cạnh đó, còn một tín hiệu vui khác là lượng khách quốc tế đang dần trở lại Tân Sơn Nhất với 119.086 lượt khách đã đến và con số này đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn.
Theo thống kê của Cảng hàng không Việt Nam, trong nửa đầu năm 2022, lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng ấn tượng 52,6%.
Dự kiến năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021. Riêng khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4% so với năm 2021.
Đáng chú ý, vé máy bay hiện ở mức khá cao, đặc biệt là tại các chặng “hot”. Vi dụ, vé bay chặng Hà Nội - Phú Quốc của Vietnam Airlines trong tháng 7 có giá từ 2,2 triệu đồng/chiều, còn của Vietjet Air cũng có giá cao không ré từ 2,1 - 2,7 triệu đồng/chiều.
...hạ tầng không bắt kịp
Sau thời gian 2 năm dịch bệnh hoành hành khiến ngành hàng không tê liệt, thì nay đà phục hồi của ngành rất đáng mừng, nhưng cũng đáng lo. Do sự tăng trưởng nóng này tiềm ẩn không ít bất cập và rủi ro.
Điểm dễ thấy nhất hiện nay chính là tình trạng quá tải tại các cảng hàng không khiến chất lượng dịch vụ, lẫn vấn đề an ninh trật tự khó kiểm soát.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, so với các cảng hàng không lớn của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, hay thậm chí là Thái Lan, Singapore, hạ tầng hàng không nước ta hiện nay nhìn chung vẫn còn hạn chế và thua kém nhiều so với các nước phát triển trên thế giới. Do đó, khi lượng khách tăng trưởng đột biến, tình trạng quá tải, ùn tắc là điều khó tránh.
Ngoài ra, cũng theo chuyên gia, hạn chế còn nằm ở tính kết nối của hạ tầng giao thông nước ta, nhất là kết nối giữa hạ tầng giao thông giữa đường bộ, đường sắt, cảng biển với hàng không cũng còn rất kém.
Thứ hai là tình trạng chậm, hủy chuyến diễn ra thường xuyên khiến khách hàng ngán ngẩm, hãng hàng không thiệt hại.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh: “Chậm, hủy chuyến bay sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho khách cả về thời gian và tiền bạc. Đối với khách làm ăn, chuyến bay muộn có thể ảnh hưởng xấu đến việc đàm phán, ký kết hợp đồng, hợp tác kinh doanh”.
Còn với hãng hàng không, khi chi phí xăng dầu tăng cao như hiện nay, theo các chuyên gia hàng không, nếu phải bay vòng 30 phút chờ hạ cánh thì mỗi tàu bay bị thiệt hại từ 60-90 triệu đồng. Mỗi ngày, các hãng bay có vài chục chuyến rơi vào trường hợp bay lòng vòng chờ hạ cánh thì phải mất thêm tiền tỉ.
Theo thống kê của Cục Hàng không, từ ngày 19/5 - 18/6, các hãng hàng không Việt Nam khai thác 30.800 chuyến bay. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 25.206 chuyến, còn số chuyến bay bị chậm giờ là hơn 5.600 chuyến, chiếm hơn 18% tổng số chuyến bay và tăng gần 16% so với cùng kỳ 2021, tăng 9,4% so với tháng 5/2022.
Trong tháng 6, có tới 65 chuyến bay bị hủy, chiếm 0,2% tổng số chuyến bay khai thác, tăng 4,8 điểm so với cùng kỳ 2021.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống đã chỉ rõ đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Theo chuyên gia, để giải quyết tình trạng trên, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng không, cần phải có các quy định, chế tài xử phạt nặng khi xác định được việc chậm, hủy, dồn chuyến bay là lỗi của các hãng hàng không.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google