Ngành hàng không thế giới vừa mừng vừa lo sau hai năm đình trệ

T.A (tổng hợp)
12:37 - 03/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các hãng Hàng không thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, trong khi quy trình tuyển dụng lại nghiêm ngặt và mất nhiều thời gian để tuyển được nhân viên mới.

Thiếu nhân lực hàng không trầm trọng

Nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế tăng nhanh mang lại cho ngành hàng không cơ hội phục hồi và phát triển sau hai năm đình trệ vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, gồm cả phi công, tiếp viên, nhân viên hậu cần… của nhiều hãng hàng không cả ở châu Âu và châu Á khiến cho nhiều hãng hàng không chưa thể khai thác hết công suất, đáp ứng nhu cầu đi lại của mọi người.

Tại Hàn Quốc, ngành công nghiệp này đã mất rất nhiều nhân lực trong hai năm qua và cần có thời gian để phục hồi.

Các hãng phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng, trong khi quy trình tuyển dụng lại nghiêm ngặt và mất nhiều thời gian để tuyển được nhân viên mới.

Báo Donga Ilbo cho biết, thời gian gần đây có rất nhiều khách hàng phàn nàn rằng phải đợi quá lâu để kết nối với tư vấn của các hãng hàng không.

Số lượng nhân viên tư vấn dịch vụ đã giảm từ 50- 60% trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 song chưa được bổ sung trở lại.

Một cán bộ trong ngành cho biết: "Rất khó tìm được người lao động ngay cả khi các hãng chấp nhận chi trả nhiều tiền hơn và cung cấp các ưu đãi hơn trước."

Theo thống kê của ngành hàng không, năm 2021, số lượng nhân viên của 6 hãng hàng không nội địa Hàn Quốc, bao gồm Korean Air, Asiana Airlines và Jeju Air, đã giảm 2.300 người so với năm 2019.

Nếu tính trên tổng số nhân viên hàng không của cả 6 hãng vào khoảng 35.000 người, mức giảm là hơn 6,5%. Việc cắt giảm nhân lực ở các đơn vị xử lý mặt đất và và dịch vụ liên quan còn lớn hơn.

Số lượng nhân viên tại các công ty xử lý mặt đất lớn như Korea Airport, Asiana Airport, JS là khoảng 5.800 người, giảm khoảng 25% so với trước thời điểm bùng phát dịch.

Vấn đề thiếu hụt nhân lực ngành hàng không không chỉ diễn ra ở Hàn Quốc.

Các hãng hàng không và sân bay của các nước cũng phải tiến hành cắt giảm nhân lực và tái cơ cấu quy mô lớn trong suốt hơn 2 năm dịch bệnh bùng phát giờ đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy.

Nhiều hãng hàng không phải hủy hoặc hoãn các chuyến bay vì thiếu nhân lực, hoạt động của sân bay bị tê liệt và buộc phải giảm các dịch vụ khác nhau.

Tại sân bay Schiphol, Hà Lan, hành khách thường phải đợi hàng giờ đồng hồ mới được lên máy bay. Điều này cũng đang diễn ra tại các sân bay lớn ở Anh, Bỉ và Đức.

Hãng hàng không EasyJet của Anh gần đây đã buộc phải bớt một số ghế và giới hạn số lượng hành khách trên một chuyến bay xuống còn 150.

Theo quy định, cứ 50 hành khách phải có một tiếp viên hàng không phải làm việc và với cách hạn chế số ghế và hành khách nói trên, hãng hàng không sẽ giảm được số lượng tiếp viên từ 4 xuống còn 3 người.

Hãng hàng không TUI đã đình chỉ dịch vụ cung cấp bữa ăn trên chuyến bay trên các chặng bay ngắn do thiếu nhân lực.

Hiệp hội các sân bay quốc tế (ACI) dự báo "các vấn đề về sự chậm trễ và gián đoạn hoạt động sẽ tiếp diễn tại 2/3 các sân bay châu Âu do thiếu hụt nhân lực". ACI thậm chí còn cảnh báo về mùa hè sẽ căng thẳng hơn khi nhu cầu đi lại gia tăng.

JetBlue Airways đã quyết định cắt giảm 10% các chuyến bay trong mùa Thu.

Hãng cũng quyết định đưa ra khoản tiền thưởng đặc biệt 1.000 USD cho những tiếp viên hàng không hoàn thành tất cả các lịch trình làm việc.

Các phi công và thành viên phi hành đoàn của Delta Air Lines, American Airlines và Southwest Airlines đang phàn nàn rằng khối lượng công việc quá nhiều.

Ngành hàng không thế giới vừa mừng vừa lo sau hai năm đình trệ - Ảnh 1.

Mỹ đối diện với tình trạng thiếu hụt phi công tồi tệ nhất thời gian gần đây. Ảnh: Vietnamplus

Mỹ đối diện với tình trạng thiếu hụt phi công tồi tệ nhất thời gian gần đây, điều này buộc các hãng hàng không phải cắt giảm chuyến bay ngay khi du khách quay trở lại sau hơn hai năm xảy ra đại dịch COVID-19.

Tình trạng sân bay quá tải

Các sân bay trên khắp châu Âu đang chật vật để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao. Đặc biệt, các sân bay tại Anh đang trải qua một tuần cực kỳ khó khăn khi kỳ nghỉ giữa học kỳ trùng với dịp Đại lễ Bạch kim vào cuối tuần này.

Bộ trưởng Vận tải Anh Grant Shapps cho biết, các sân bay đã phải đối mặt với tình trạng quá tải trong dịp lễ Phục sinh vào tháng tư vừa qua. Dù một số biện pháp đã được đưa ra, tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.  

Ngày 8/4, Cơ quan Hàng không dân dụng của Anh cảnh báo tình trạng hủy chuyến và hàng dài hành khách đợi ở sân bay do thiếu nhân viên phục vụ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin và đà phục hồi của ngành hàng không.

Dù Chính phủ đã cảnh báo, các hãng hàng không vẫn bán số lượng vé máy bay nhiều hơn khả năng đáp ứng. Ông nhấn mạnh rằng, Chính phủ sẽ tăng cường triển khai các giải pháp để sớm khắc phục tình trạng này.

Do không nắm được thông tin các biện pháp hạn chế đi lại sẽ được dỡ bỏ vào đầu năm nay, các hãng hàng không đều bị động và chật vật tuyển người để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi nhanh chóng. Vấn đề này sẽ mất nhiều tháng mới có thể cải thiện.

Theo ước tính của Giám đốc điều hành United Airlines Scott Kirby, các hãng hàng không trong khu vực mà United Airlines hoạt động đang có khoảng 150 chiếc máy bay không hoạt động vì thiếu phi công.

Những đề xuất giải pháp

Cuộc khủng hoảng khiến ngành công nghiệp hàng không phải tìm kiếm các giải pháp. 

Hiện ở Mỹ có ý kiến cho rằng cần xem xét luật để nâng tuổi nghỉ hưu theo quy định liên bang với phi công từ 65 lên 67 tuổi.

Trong khi đó, một hãng hàng không đề xuất giảm yêu cầu giờ bay đối với các phi công được tuyển dụng và các hãng hàng không đang cân nhắc xem xét lại các chương trình đào tạo để giảm thiểu những trở ngại khi thuê tuyển các phi công. Đầu năm nay, hãng hàng không Delta Air Lines cùng các hãng hàng không lớn khác giảm thời gian bốn năm đối với yêu cầu tuyển dụng phi công.

Một số hãng hàng không khác của Mỹ, gồm có Frontier, đang tuyển dụng nhiều phi công từ Australia. Còn hãng hàng không American Airlines đang bán vé xe bus cho một số chặng đường bay ngắn.

Tuy nhiên, nhiều giám đốc điều hành hãng hàng không cảnh báo tình trạng thiếu hụt phi công có thể mất nhiều năm để giải quyết.

Ở Anh, Bộ trưởng Vận tải Anh Grant Shapps  cho biết, Chính phủ đã sửa đổi một số quy định nhằm đẩy nhanh quá trình tuyển nhân sự cho ngành hàng không, đồng thời cho biết thêm ông sẽ làm việc với các quan chức trong ngành này để hiểu rõ hơn nguyên nhân và tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng quá tải và thiếu hụt nhân lực ngành hàng không./.

Bình luận của bạn

Bình luận