Hàn Quốc có khả năng trở thành một xã hội siêu già vào năm 2025

PV
16:48 - 29/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chỉ trong vòng 17 năm, Hàn Quốc đi từ một xã hội già hóa trở thành một xã hội dân số già, và, sau 7 năm trở thành một xã hội dân số siêu già.

Hàn Quốc có khả năng trở thành một xã hội siêu già vào năm 2025 - Ảnh 1.

Năm 2018, Hàn Quốc chính thức trở thành một xã hội dân số già khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 14,4%.
Ảnh: gettyimagesbank/ The Korea Times

Xã hội siêu già

Trong báo cáo đánh giá việc Hàn Quốc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc nhằm xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng bền vững vào năm 2030, cơ quan thống kê của nước này cho biết, tỷ lệ nghèo tương đối của người cao tuổi ở Hàn Quốc cao gấp 3,7 lần so với người trong độ tuổi 18-65. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số 38 quốc gia thành viên của OECD tính đến năm 2018.

Năm 1982, lần đầu tiên Liên hợp quốc tổ chức Đại hội thế giới về người cao tuổi tại Áo. Hội nghị đã thông qua chương trình hoạt động quốc tế về tuổi già; khuyến nghị chính phủ và nhân dân các nước quan tâm giải quyết từng bước những vấn đề về người cao tuổi, tập trung vào 6 lĩnh vực: Sức khoẻ và ăn uống; Nhà ở và môi trường; Gia đình; Dịch vụ và bảo trợ xã hội; Việc làm; Nâng cao sự hiểu biết của người cao tuổi về cuộc sống.

Đến năm 1990, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm làm ngày Quốc tế Người cao tuổi, bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 năm 1991.

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, dân số cao tuổi dùng để chỉ những người trên 65 tuổi. Khi tỷ lệ dân số cao tuổi trong tổng dân số của khu vực vượt quá 7% là xã hội già hóa. Nếu tỷ lệ này từ 14% trở lên đó là một xã hội dân số già, và khi chạm mức 20% thì quốc gia đó  bước vào xã hội siêu già.

Hàn Quốc đã bước vào xã hội già hóa từ năm 2001 khi số người cao tuổi chiếm 7,2% toàn xã hội. Năm 2018, Hàn Quốc chính thức trở thành một xã hội dân số già khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 14,4%.

Với xu hướng sinh thấp kỷ lục, Hàn Quốc được dự báo có thể sẽ trở thành một xã hội siêu già vào năm 2025, khi tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm 20% dân số.

Như vậy, chỉ trong vòng 17 năm, Hàn Quốc đi từ một xã hội già hóa trở thành một xã hội dân số già, và, sau 7 năm trở thành một xã hội dân số siêu già.

Trong bối cảnh già hóa nhanh chóng, ngày càng nhiều người cao tuổi đang gặp những khó khăn về kinh tế vì khó có được công việc chất lượng sau khi nghỉ hưu và chỉ sống bằng lương hưu.

Phá kỷ lục của chính mình về tổng tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vào năm 2021

Sau khi giảm đều đặn từ mức 4,53 trẻ vào năm 1970 - năm đầu tiên Chính phủ bắt đầu tổng hợp dữ liệu - tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc bắt đầu giảm nhanh hơn vào những năm 2000 trong cuộc khủng hoảng tài chính, giảm xuống dưới 1 trẻ vào năm 2018 do chi phí nhà ở, chăm sóc trẻ em và giáo dục tăng lên, việc làm trở nên khan hiếm hơn và những người trẻ tuổi ngày càng lo lắng về tương lai của họ.

Theo Cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc, tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã giảm trong năm thứ 6 liên tiếp xuống 0,81 trẻ vào năm 2021.

Hàn Quốc đã phá kỷ lục của chính nước này về tổng tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới vào năm 2021. Dữ liệu điều tra dân số dự báo tỷ lệ này sẽ còn giảm hơn nữa trong năm 2022 làm tăng thêm lo ngại về dân số đang ngày càng thu hẹp và già hóa của đất nước.

Các chuyên gia dự báo tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 0,8 trẻ trong năm nay, do giá nhà ở tăng cao hơn nữa. Trong khi đó, tỷ suất sinh ở Mỹ là 1,66 trẻ và ở Nhật Bản là 1,37 trẻ.

Nghiên cứu cho biết tỷ suất sinh ở mức 2,1 trẻ là cần thiết để một quần thể giữ nguyên quy mô mà không phải di cư.

Hệ quả của tỷ lệ sinh thấp khiến dân số Hàn Quốc đang bị giảm sút trong 2 năm qua. Các trường học đã phải đối mặt với tình trạng thiếu sinh viên, quân đội đã mở rộng các yêu cầu về tính đủ điều kiện cho lính nghĩa vụ và số lượng người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm khiến lương hưu của những người về hưu ngày càng giảm.

Trong cuộc họp Nội các hôm 27/9 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chủ trì để thảo luận vấn đề nâng cao tỷ lệ sinh nhằm đối phó với khủng hoảng dân số. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát các chính sách hiện hành, xúc tiến một cách hiệu quả chính sách mới nhằm tăng tỷ lệ sinh dựa trên dữ liệu và khoa học.

Trong vòng 16 năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã chi 280.000 tỉ won (khoảng 196,2 tỉ USD) để giải quyết vấn đề dân số. Tuy nhiên, tổng tỷ suất sinh (dự đoán số trẻ bình quân một phụ nữ sinh ra trong suốt thời kỳ sinh đẻ) quý II năm nay đã rơi xuống 0,75 trẻ - mức thấp nhất trong lịch sử. Ông Yoon Suk-yeol nhấn mạnh cần phải cải cách toàn diện các chính sách, để Ủy ban đặc biệt về đối phó tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa trực tiếp dưới quyền Tổng thống có thể thực thi vai trò "tháp điều khiển", tìm ra giải pháp cho hiện tượng giảm dân số và chuẩn bị cho thời kỳ tuổi thọ người dân lên tới 100 tuổi.

Ông Yoon Suk-yeol cũng chỉ ra rằng để giải quyết một cách căn bản vấn đề tỷ lệ sinh thấp, xã hội già hóa, mỗi địa phương phải chủ động tìm kiếm động lực và phát triển cân bằng cho các khu vực.