Phương pháp đơn giản giúp dự đoán chứng sa sút trí tuệ khi về già

18:13 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện mối liên quan giữa sức khỏe mạch máu và chứng sa sút trí tuệ của con người khi về già và có thể nhận biết mối liên quan này bằng một phương pháp phổ biến.

Phương pháp đơn giản giúp dự đoán chứng sa sút trí tuệ khi về già - Ảnh 1.

Chứng sa sút trí tuệ phát triển khi các tế bào não bị tổn thương do nhiều bệnh khác nhau. Ảnh: Medlatec

Nghiên cứu trên được tiến hành trong suốt 15 năm. Kết quả cho thấy chứng sa sút trí tuệ phát triển khi các tế bào não bị tổn thương do nhiều bệnh khác nhau, trong đó có các nguyên nhân gây hẹp mạch máu não.

Giáo sư Simon Law, Giám đốc Trung tâm Y tế Chính xác thuộc trường Đại học Edith Cowan (ECU) của Australia, cho biết rối loạn nêu trên có thể do sự xơ cứng, hoặc vôi hóa của động mạch chủ bụng - động mạch lớn nhất của cơ thể, chịu trách nhiệm cung cấp máu mang oxy từ tim đến các cơ quan và chi dưới.

Các chuyên gia tim mạch từ lâu đã biết rằng sự tích tụ canxi, được gọi là vôi hóa động mạch chủ bụng (AAC), có thể dẫn đến các nguy cơ tim mạch như đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, nghiên cứu mới còn cho thấy mối liên quan của hiện tượng này với sự khởi đầu của chứng sa sút trí tuệ ở bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên.

Các nhà khoa học đã tập hợp các dữ liệu AAC ở 968 phụ nữ vào cuối những năm 1990 và theo dõi sức khỏe của những người này trong hơn 15 năm sau đó. 

Họ phát hiện ra rằng có tới 50% số phụ nữ lớn tuổi trong nhóm được nghiên cứu có mức AAC từ trung bình đến cao. Và những phụ nữ này có nguy cơ nhập viện, hoặc tử vong do sa sút trí tuệ cao gấp đôi so với nhóm còn lại - không phụ thuộc vào các yếu tố tim mạch, hoặc yếu tố di truyền khác.

Theo Giáo sư Laws, trong nghiên cứu về chứng mất trí nhớ có luận điểm: Những gì tốt cho tim sẽ tốt cho não. Nghiên cứu trên đã khẳng định lại mối liên quan đó và củng cố thêm hiểu biết về nguy cơ sa sút trí tuệ khi về già và các chiến lược phòng ngừa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống và hoạt động thể chất trong việc ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ.

Các nhà nghiên cứu cho biết có thể phát hiện AAC dễ dàng bằng cách quét (scan) hình ảnh các bên của cột sống, thường được sử dụng để tầm soát loãng xương.

Theo Phó Giáo sư Joshua Lewis thuộc ECU, nên bổ sung thao tác quét hình ảnh cột sống bên khi thực hiện các kiểm tra mật độ xương tiêu chuẩn. Ông Lewis nêu rõ: "Biện pháp quét hình ảnh này ít xâm lấn hơn, chi phí thấp hơn và mức độ phơi nhiễm phóng xạ nhỏ hơn rất nhiều so với chụp X-quang hoặc CT". 

Ông cũng cho biết các nhà nghiên cứu ECU đang làm việc cùng các nhà khoa học máy tính để tự động hóa những đánh giá AAC, theo đó "giúp cho quá trình này được triển khai nhanh hơn và dễ dàng hơn, thay vì cần một chuyên gia hình ảnh được đào tạo để đọc hình ảnh bản scan".

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sa sút trí tuệ là một hội chứng có diễn tiến mạn tính và tiến triển, trong đó có sự suy giảm chức năng nhận thức (tức là khả năng tư duy) so với người bình thường ở cùng độ tuổi.

Hội chứng này ảnh hưởng đến trí nhớ, suy nghĩ, định hướng, hiểu, tính toán, năng lực học tập, ngôn ngữ và phán đoán. Sự giảm chức năng nhận thức thường đi kèm, hoặc đôi khi xảy ra trước đó, với sự suy giảm khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi xã hội, hoặc động lực.

Mặc dù tuổi tác là yếu tố nguy cơ mạnh nhất đối với chứng sa sút trí tuệ, nhưng đó không phải là hậu quả tất yếu của lão hóa. Các triệu chứng khởi phát của chứng bệnh này xuất hiện ở người trước 65 tuổi được gọi là sa sút trí tuệ ở người trẻ, chiếm tới 9% các trường hợp.

Các triệu chứng sa sút trí tuệ sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:

Thay đổi nhận thức;

Mất trí nhớ, thường được ghi nhận bởi người khác;

Khó giao tiếp hoặc tìm từ để giao tiếp;

Suy giảm chức năng thị giác-không gian, chẳng hạn như bị lạc trong khi lái xe;

Khó khăn biện luận hoặc giải quyết vấn đề;

Khó xử lý các nhiệm vụ phức tạp; Khó khăn với việc lập kế hoạch và tổ chức;

Khó khăn với sự phối hợp chức năng vận động;

Nhầm lẫn và mất phương hướng;

Thay đổi tâm lý;

Thay đổi tính cách;

Phiền muộn;

Lo âu;

Có các hành vi không phù hợp, không như bình thường;

Chứng hoang tưởng;

Kích động;

Ảo giác.

Nguồn: PV (Tổng hợp)
Bình luận của bạn

Bình luận