Hai bảo mẫu đối diện án "giết người": một sự việc đau lòng!
Những bảo mẫu mang tên "An, Lành" nhưng lại không mang trong mình tình thương yêu và trách nhiệm - những phẩm chất cần có của nghề bảo mẫu. Sự việc đau lòng về bé trái 17 tháng tuổi tử vong khiến cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ về trách nhiệm phải bảo vệ con trẻ thế nào trước vấn nạn bạo hành ở lứa tuổi mầm non.
Hai bảo mẫu Nguyễn Thị Lành (SN 1992) và Nguyễn Thị An (SN 1993). Ảnh: CACC.
Vụ việc bé trai 17 tháng tuổi bị bạo hành tử vong, do hai bảo mẫu trông giữ trẻ trái phép tại huyện Thường Tín, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.
Không chỉ các bậc phụ huynh, những người yêu trẻ mà toàn xã hội đang lên án những hành động dã man, tàn bạo của những người được gọi là "bảo mẫu" không có chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn này!
Rất có thể, họ không chỉ có 2, mà còn có nhiều hơn nếu xã hội vẫn tồn tại những hình thức kinh doanh trông giữ trẻ vụ lợi, không lấy tình người làm tương quan, không đặt trách nhiệm và tâm huyết giáo dục lên hàng đầu. Thì sẽ còn nhiều nữa, những nỗi đau xé lòng!
Xảy ra sự việc đau lòng, trách nhiệm thuộc về ai?
Thực tế hiện nay, ngành giáo dục còn tồn tại khá nhiều những khó khăn, thách thức khi phải đối diện với những bài toán thiếu hụt nhân sự, thiếu trang bị tại các cơ sở giáo dục, nhiều nơi còn chưa có đủ điều kiện mở các cơ sở giáo dục mầm non một cách bài bản, chuyên nghiệp có chất lượng. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ các cơ sở tự phát, các nhóm trông trẻ "chui"... đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, dẫn tới tình trạng mất an toàn đối với trẻ...
Khác với tiểu học, trẻ mầm non có thể đi học trên tinh thần tự nguyện, ai có nhu cầu thì đi, ai sắp xếp được thì cứ cho con ở nhà, vậy nên, các cơ sở trông trẻ tự phát cũng theo đó mà mọc lên như nấm. Đặc biệt, ở những khu dân cư đông đúc, các gia đình không có nhiều điều kiện gửi con tới các cơ sở chất lượng cao.
Trong đó, không ít các gia đình là nông dân, công nhân nghèo tại các khu công nghiệp. Khi bố mẹ là công nhân đi làm cả ngày ở các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, thì họ bắt buộc phải gửi con tới các cơ sở trông trẻ với mức chi phí vừa phải, làm sao chỉ có thể gửi con mà không phải trông nom, chăm sóc.
Có thể nói, phụ huynh học sinh trong độ tuổi mầm non là lực lượng lao động trẻ đông đảo, quan trọng bậc nhất của xã hội, họ cũng cần được giải phóng sức lao động và có nơi gửi con.
Câu chuyện tiếp theo, sẽ là việc chăm sóc các con thế nào? Khi giao con vào tay các "bảo mẫu" tay ngang, các bậc làm cha mẹ nghèo chắc chắn không thể có lựa chọn nào khác ngoài những cơ sở tư nhân, tính pháp lý không có, điều kiện cơ sở vật chất và trình độ tay nghề bảo mẫu không chắc chắn.
Tuy nhiên, để các cơ sở giáo dục thiếu tính pháp lý tồn tại, một phần trách nhiệm rất lớn thuộc về các cơ quan quản lý địa phương, chính quyền sở tại, ngành giáo dục cũng cần xem lại việc cấp phép, quản lý và kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non để có thể kịp thời vào cuộc tháo gỡ những khó khăn cho họ, kịp thời chấn chỉnh những hành vi vi phạm, cảnh báo những tình huống vi phạm đạo đức trong khi hành nghề của đội ngũ bảo mẫu, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn mình quản lý.
Đừng giao trứng cho ác
Tỉnh táo lựa chọn các nhóm trẻ độc lập, cơ sở giáo dục mầm non có đầy đủ tính pháp lý là một đòi hỏi tất yếu của các bậc cha mẹ trước sự việc đau lòng này: Đừng giao trứng cho ác!
Trẻ mầm non là lứa tuổi còn rất nhỏ, chưa hiểu biết nhiều điều, kỹ năng của các con gần như chưa có gì. Chập chững làm quen với môi trường lớp học, các con không thể tự bảo vệ bản thân, tất cả cuộc sống, ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi đặt cả vào tay người lớn.
Với lứa tuổi này, các con cần có những người chăm sóc thực sự có kinh nghiệm, có kiến thức lại có đủ kỹ năng xử lý tất cả các vấn đề. Biết là mệt mỏi, biết là khó khăn, ... nhưng không phải vì lý do đó, mà các bậc phụ huynh hay các cô nuôi dạy trẻ có thể bừa bãi, quát nạt, xử lý, rồi dẫn tới bạo hành các em... Tất cả những sự việc đau lòng đã từng xảy ra đều có chung một nguyên nhân là không thể kiềm chế cảm xúc, dẫn tới những hành vi thiếu trách nhiệm, những sai lầm đáng tiếc, mà sau đó, sẽ chẳng bao giờ họ có thể xóa tội.
Việc bạo hành trẻ em là một điều không thể tha thứ. Khi chứng kiến sự việc đau lòng về vụ bạo hành cháu bé 17 tháng tuổi dẫn tới tử vong, cả xã hội đều lên án những hành vi tàn bạo của những người được gọi là "cô giáo", nhưng không mang trong trái tim tình yêu thương và trách nhiệm. Đáng buồn thay, họ cũng có thể là những người vợ, người mẹ ở hiện tại hay trong tương lai, nhưng ẩn đâu rồi những trái tim của người phụ nữ Việt Nam ấm áp, hiền hậu, đảm đang và luôn yêu thương con trẻ?
Ở một góc khác, chúng ta trân trọng đội ngũ giáo viện mầm non, những lực lượng làm công tác chuyên môn có tính đặc thù cao dành cho lứa tuổi mầm non. Các cô ngoài kiến thức sách vở cần trau dồi, còn phải có tố chất đảm đang, tháo vát, năng lực đặc biệt... mới có thể làm cô giáo mầm non được. Vì lứa tuổi này, học ít - chơi nhiều. Để làm bạn được với các con, chắc chắn các cô phải đổ rất nhiều mồ hôi và công sức.
Tạm quên câu chuyện đau lòng về hai bảo mẫu đã bạo hành con trẻ, chỉ mong xã hội sẽ không còn những bảo mẫu "mất nhân tính" như vậy, và sẽ không còn những tình huống đau lòng như vậy xảy ra.
Ở một góc nhìn khác, chúng ta cùng chia sẻ những khó khăn của đội ngũ giáo viên và chủ trường mầm non. Ở thời điểm dịch COVID-19 khó khăn, nhiều cơ sở cũng đã lâm vào tình trạng phải đóng cửa, phá sản, đây là cơ hội cho các nhóm trẻ chui mọc lên đầy rẫy, cơ quan quản lý dường như bỏ lại họ sau cùng. Chưa kể, thủ tục mở trường, nhóm lớp mầm non rất phức tạp, khắt khe, phải vượt qua các điều kiện nghiêm ngặt về PCCC, bếp ăn, vệ sinh, cơ sở vật chất. Mở một trường mầm non chi phí ban đầu rất lớn và tốn thời gian, thu hồi chậm nên chỉ ai tâm huyết mới dám làm...
Có lẽ cũng còn nhiều vấn đề phải bàn nữa dành cho chủ đề giáo dục mầm non. Nhưng việc đó, cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, các chuyên gia, và chính các bậc phụ huynh - những người đã, đang và sẽ gửi con em mình vào các cơ sở giáo dục mầm non: Hãy để những bước đi chập chững đầu đời của các con được đảm bảo an toàn nhất, trong tình yêu thương và trách nhiệm của tất cả người lớn xung quanh!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google