Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT không hiệu quả do đâu?

Thế Bằng
10:28 - 15/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau 6 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa thường xuyên vắng khách, kể cả giờ cao điểm. Được bố trí làn đường riêng, nhưng BRT cũng không giải quyết được vấn đề kẹt xe trên tuyến giao thông trọng yếu này.

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT bị nhiều phương tiện lấn làn, nhà chờ đìu hiu - Ảnh 1.

Tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được phê duyệt đầu tư năm 2007 và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 2017, với tổng chiều dài toàn tuyến 14,77 km, qua Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã và chạy trên làn đường riêng biệt. Theo tính toán, người dân di chuyển toàn tuyến dài 14,77 km sẽ mất khoảng 45 phút.

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT bị nhiều phương tiện lấn làn, nhà chờ đìu hiu - Ảnh 2.

Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng vốn đầu tư khoảng 55 triệu USD, tương đương 1.100 tỷ đồng. Mục tiêu vận hành tuyến BRT là thu hút người dân đi xe buýt, từ đó giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường. Hiện tại, tuyến xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội chưa thực sự đạt được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.

Trong khung giờ cao điểm giao thông tại Hà Nội, nhiều nhà chờ đìu hiu, lác đác một vài khách. 
"Vào một vài trường hợp bất đắc dĩ tôi mới lựa chọn BRT làm phương tiện di chuyển. Hiện tại làn của BRT bị các phương tiện khác lấn rất nhiều, ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển, thậm chí vào giờ cao điểm thì giữa buýt nhanh BRT và buýt thường không còn nhiều sự khác biệt, chỉ có chất lượng phục vụ trên buýt BRT là tốt hơn thôi", anh Dương Hải Hà, làm việc tại đường Láng Hạ, quận Đống Đa chia sẻ.

Nhà chờ rộng vắng vẻ, trên các xe  BRT 01 hiện tại có 20 xe cũng không đạt tối đa công suất. 
"Tôi làm Việc ở Hà Đông nhưng rất ít khi chọn BRT làm phương tiện di chuyển. Giờ tôi đi làm và đi về đều vào giờ cao điểm thì buýt nhanh BRT cũng như buýt thường. Xe BRT di chuyển trong giờ cao điểm không đảm bảo được tốc độ, nguy cơ bị trễ giờ là rất cao", chị Lê Thị Ngọc Ánh, quận Cầu Giấy cho biết.
Trong khi đó, thường xuyên di chuyển bằng xe buýt nhanh BRT, anh Phùng Quốc Hưng, quận Hà Đông chia sẻ: "Tôi lựa chọn buýt nhanh BRT làm phương tiện đi làm hằng ngày, lý do lớn nhất là nhà nằm ngay bên trục đường mà BRT chạy qua. Thường thì giờ cao điểm sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều người đi vào làn BRT, còn khoảng thời gian còn lại trong ngày xe chạy rất nhanh và chi phí cũng hợp lý. Tại Nhà chờ và trong xe thì cũng không phải chịu cảnh chen chúc".

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT bị nhiều phương tiện lấn làn, nhà chờ đìu hiu - Ảnh 5.

Không khó để bắt gặp hình ảnh các loại phương tiện đi vào làn đường ưu tiên của buýt nhanh BRT vào tất cả thời điểm nào trong ngày

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT bị nhiều phương tiện lấn làn, nhà chờ đìu hiu - Ảnh 6.

Đặc biệt vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện tăng cao, làn BRT thường xuyên bị lấn bởi các loại phương tiện khác, khiến cho tốc độ của tuyến buýt nhanh không còn đảm bảo.

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT bị nhiều phương tiện lấn làn, nhà chờ đìu hiu - Ảnh 7.

Không chỉ lấn làn, nhiều phương tiện còn tạt ẩu vào làn BRT ngay trước đầu xe buýt nhanh, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Theo đúng thiết kế, tuyến buýt nhanh BRT có làn đường ưu tiên riêng, sát với dải phân cách giữa và có dải phân cách cứng phía ngoài, tách biệt với làn các loại phương tiện khác, xe được sơn màu xanh lá.
Trên thực tế, hiện nay chỉ có các điểm dừng đón trả khách mới có dải phân cách cứng phía ngoài, tách biệt với làn các phương tiện khác.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 7.2021, dự án buýt nhanh BRT chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Hà Nội: Tuyến buýt nhanh BRT bị nhiều phương tiện lấn làn, nhà chờ đìu hiu - Ảnh 8.

Tuyến đường xe BRT hoạt động thể hiện trên Google maps.

Ngày 23/6, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất xe khách từ 24 chỗ trở lên, xe công vụ, xe cứu nạn, cứu thương được chạy trên đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Lý do tuyến buýt nhanh BRT là trục xuyên tâm, nhưng hiệu quả hoạt động giảm, trong khi lưu lượng phương tiện cao, đặc biệt vào giờ cao điểm, gây tình trạng ùn ứ. Việc cho các loại xe khác đi vào làn BRT nhằm giảm thiểu ùn tắc, tăng hiệu quả khai thác hạ tầng giao thông.