Hà Nội tổng kiểm tra chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ từ ngày 15/9

Minh Châu
16:47 - 15/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hà Nội thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố từ ngày 15/9 đến trước ngày 30/10/2023.

Tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với 100% chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ trên địa bàn Thành phố

Thực hiện Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về vụ cháy nhà dân tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn Thành phố.

Hà Nội tổng kiểm tra chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ từ ngày 15/9 - Ảnh 1.

Vụ cháy chung cư mini xảy ra vào lúc 23 giờ 22 phút ngày 12/9/2023 tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Theo đó, tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn điện, an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với 100% chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn Thành phố quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Thời gian: Từ ngày 15/9/2023 đến trước ngày 30/10/2023.

Cụ thể, Cơ quan chức năng thành phố sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng; các nội dung liên quan đến an toàn điện; các nội dung liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình theo quy định Luật phòng cháy chữa cháy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy, Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020, Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ.

Kiểm tra, hướng dẫn về điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở theo quy định tại Điều 5 và Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

Kiểm tra, hướng dẫn, khuyến cáo người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia bổ sung biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong đó tập trung vào các nội dung sau:

+ Đảm bảo các yêu cầu về ngăn cháy lan theo chiều ngang, chiều dọc công trình như đóng kín buồng thang bộ, ngăn cháy các khu vực có công năng khác nhau...

+ Lối thoát nạn, lối thoát khẩn cấp: Thường xuyên duy trì đường, lối thoát nạn đảm bảo thông thoáng, tạo lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, logia, lối thoát nạn khẩn cấp lên mái, lối thoát sang nhà bên cạnh, bổ sung thang dây thoát nạn trên mái để phục vụ thoát nạn....

+ Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy của hệ thống, thiết bị điện, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, sạc điện xe máy điện, xe đạp điện, thắp hương thờ cúng...

+ Bố trí, sắp xếp vật dụng, phương tiện (ô tô, xe máy...), hàng hóa kinh doanh trong nhà đảm bảo gọn gàng, không cản trở lối thoát nạn, không gây cháy lan sang khu vực khác khi có sự cố.

+ Tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ trực để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh: Tổ chức tuyên truyền, huấn luyện các kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng thành thạo các phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ cho lực lượng thường trực, các hộ gia đình sinh sống tại công trình.

+ Hướng dẫn trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ... phù hợp với quy mô tòa nhà; khuyến cáo các hộ gia đình tự trang bị các trang thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn như thang dây hạ chậm, mặt nạ phòng độc, đèn pin, dụng cụ phá dỡ thông thường...

Kiểm tra, xử lý vi phạm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được cơ quan chức năng thành phố triển khai quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Quá trình kiểm tra phải đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Đồng thời, coi trọng vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân, các cơ quan thông tấn, báo chí đối với việc chấp hành pháp luật của chủ cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân và công tác kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Kiên quyết áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng thẩm quyền, quy định; chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Hà Nội tổng kiểm tra chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ từ ngày 15/9 - Ảnh 2.

Hà Nội tổng kiểm tra chung cư mini, cơ sở cho thuê trọ từ ngày 15/9/2023. Ảnh: VOV

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc tổng kiểm tra nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Đồng thời, nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng; ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân trong thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, kỹ năng thoát nạn đối với người dân đang sinh sống, làm việc tại các khu nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê để ở trên địa bàn Thành phố; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

Bình luận của bạn

Bình luận