Hà Nội: Tạm giữ hơn 28.000 mỹ phẩm, đồ gia dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Hồng Ngọc
12:10 - 19/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện hàng nghìn mỹ phẩm, đồ gia dụng... có dấu hiệu vi phạm về hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ tại 1 kho hàng trên địa bàn Hà Nội.

Lô hàng hóa trị giá 1 tỉ đồng, nhiều sản phẩm không có hóa đơn chứng từ

Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 9 đã kiểm tra, phát hiện một kho chứa số lượng lớn hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ; không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Sau thời gian tiến hành các nghiệp vụ thẩm tra, xác minh, Đội Quản lý thị trường số 9 đã tiến hành khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với kho hàng hóa tại khu vực xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Hà Nội: Tạm giữ hơn 28.000 mỹ phẩm, đồ gia dụng không rõ nguồn gốc, xuất xứ - Ảnh 1.

Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 9 phát hiện tại cơ sở kinh doanh trên đang có hơn 28.000 sản phẩm (gồm mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ tiện ích cá nhân…), tổng giá trị hàng hóa ước tính hơn 1 tỉ đồng. Có nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ; nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ cơ sở khai nhận, đang thực hiện kinh doanh bằng hình thức online trên sàn thương mại điện tử.

Đội Quản lý thị trường số 9 đã ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa để tiến hành xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm với quy mô lớn, tính chất phức tạp, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao.

Tăng cường chống hàng giả trên sàn thương mại điện tử

Trong những năm qua, hoạt động thương mại điện tử ở nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, các hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến đã và đang đem lại những giá trị, lợi ích to lớn cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân mua hàng qua hoạt động thương mại điện tử tăng cao, các tổ chức, cá nhân đã triệt để lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, qua mạng Internet để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán các sản phẩm hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng không có hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, hàng kém chất lượng...

Trước tình trạng này, ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

Đề án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng; bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất.

Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.

Bình luận của bạn

Bình luận