Hà Nội: Người lao động được giải đáp chính sách mới và nhận diện tín dụng đen

Trang Linh
12:00 - 09/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 9/5, hơn 200 công nhân, viên chức, lao động huyện Thạch Thất (Hà Nội) tham gia đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen".

Nhằm trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động những kiến thức thiết thực liên quan tới các chế độ, chính sách mới, cách nhận diện những biểu hiện, hình thức của tín dụng đen, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen”.

Hơn 2 giờ đồng hồ diễn ra chương trình giao lưu, đã có trên 30 câu hỏi của công nhân lao động liên quan đến các chế độ, chính sách đối với người lao động như tiền lương, tiền thường, thu nhập, bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu, chế độ thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi.

Thông qua buổi giao lưu trực tuyến, người lao động được cung cấp kiến thức nhận diện, tránh xa cạm bẫy của “tín dụng đen”.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen - Ảnh 1.

Tọa đàm là kênh bổ trợ trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính quyền lợi và trách nhiệm của người lao động. Ảnh: Lao động Thủ đô

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đánh giá, những chính sách mới liên quan đến người lao động và việc nhận diện tín dụng đen là rất nóng.

Trên thực tế, nhiều người lao động "sập bẫy" tín dụng đen do chưa có nhận thức đúng đắn về pháp luật, việc không đủ khả năng trả nợ ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ và gia đình.

Ngoài ra, việc người lao động rút bảo hiểm một lần sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen - Ảnh 2.

Ông Lê Đình Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lao động Thủ đô

Trả lời thắc mắc của người lao động về cách nhận biết tín dụng đen, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông Công an nhân dân, Bộ Công an) cho biết, thực tế dù diễn biến phức tạp nhưng chúng ta chưa có định nghĩa cụ thể như thế nào là tín dụng đen. Tuy nhiên có thể hiểu đây là hình thức cho vay với mức lãi suất cao.

Hình thức cho vay là tín chấp, với cách thức giải ngân nhanh… về bản chất tín dụng đen là cho vay nặng lãi. Theo quy định Khoản 1, Điều 468, Bộ luật Dân sự, lãi suất tối đa là 20%/năm, tức 1.66%/tháng. Tuy nhiên với tín dụng đen, lãi suất có thể lên đến 1.000%. Trong đó, phổ biến nhất là vay qua mạng, qua các ứng dụng trên các thiết bị điện tử.

Ông Đào Trung Hiếu cũng nhận định, hiện nay có một hiện tượng, các đối tượng tín dụng đen yêu cầu đồng bộ hóa thông tin cá nhân trên điện thoại. Khi đến hạn, các đối tượng dùng thông tin này để đòi nợ. Nhiều người không liên quan cũng bị quấy rối. Lực lượng Công an đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm, tuy nhiên vẫn để lại nhiều hệ lụy cho người lao động.

Ở bình diện rộng, tín dụng đen gây ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia - ông Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Giải đáp những chính sách mới liên quan đến người lao động và nhận diện tín dụng đen - Ảnh 3.

Các chuyên gia trả lời câu hỏi của chủ doanh nghiệp và người lao động liên quan đến các chính sách mới liên quan đến người lao động và cách nhận diện tín dụng đen. Ảnh: Lao động Thủ đô

Trao đổi về quyền lợi của người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Luật sư Nguyễn Thị Yến cho biết, mức phụ cấp độc hại, nguy hiểm sẽ tùy theo sự thỏa thuận giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động khi ký kết hợp đồng. Người lao động sẽ được hưởng một số chế độ khuyến khích liên quan đến thời gian làm việc, chế độ ốm đau.

Và đặc biệt, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường.