3 chính sách nổi bật có hiệu lực ngày 5/5/2023

Trần Vũ
05:30 - 05/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ 5/5/2023, một số chính sách nổi bật có hiệu lực, cụ thể: Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa; Chi mua tin trong xử phạt vi phạm hành chính.

hanoimoi.com.vn

hanoimoi.com.vn

Chính sách về tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa

Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa (SGK) ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 05/5/2022.

Theo đó, người biên soạn SGK phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

- Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn;

- Am hiểu về khoa học giáo dục;

- Có ít nhất 03 (ba) năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn; (quy định mới)

- Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.

3 trường hợp không bị tính tiền chậm nộp phạt giao thông

Hiện nay, nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và phải nộp thêm tiền chậm nộp bằng 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Tuy nhiên, Thông tư 18/2023/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 05/5/2023) đã miễn việc tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính cho 03 trường hợp chậm nộp sau: 

- Trong thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. 

- Trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại. 

 - Trong thời gian cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

Chi mua tin trong xử phạt vi phạm hành chính tối đa 50 triệu đồng/vụ việc

Thông tư số 18/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 5/5/2023.

Theo đó, tại Điều 12 Nội dung chi và mức chi, có quy định về Các khoản chi đặc thù, trong đó có Chi phí mua tin (nếu có), cụ thể: Mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và tối đa không quá 5.000.000 đồng. Riêng đối với xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt và tiền bán tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước (nếu có) và tối đa không quá 50.000.000 đồng. Trong trường hợp mức chi mua tin vượt mức tối đa nêu trên, thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính quyết định mức chi cụ thể trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

Trường hợp trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính không ra quyết định xử phạt, không bán được tang vật tịch thu do tiêu hủy tang vật, chuyển tài sản cho các cơ quan Nhà nước quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và tối đa không quá 5.000.000 đồng; đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường, chi phí mua tin không quá 10% giá trị tang vật vi phạm hành chính và tối đa không quá 50.000.000 đồng. Cách xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, thủ quỹ, kế toán và Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả.