Đắk Lắk: Triệt xóa nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” với lãi suất 600%/năm

Hồng Ngọc
09:18 - 26/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Công an Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa bắt khẩn cấp nhóm đối tượng cho vay nặng lãi với quy mô rất lớn, lãi suất trên 600%/năm.

Công an Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, các đối tượng tổ chức hoạt động "tín dụng đen" bị bắt giữ gồm Lê Văn Khánh (32 tuổi), Nguyễn Văn Thành (28 tuổi) và Lê Văn Hoàng (32 tuổi) cùng trú tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. 

Đắk Lắk: Triệt xóa nhóm đối tượng hoạt động “tín dụng đen” với lãi suất 600%/năm - Ảnh 1.

Các đối tượng hoạt động tín dụng đen tại cơ quan điều tra. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào cuối tháng 2/2023, do nợ nần bài bạc, mất khả năng trả nợ nên 3 đối tượng này nảy sinh ý định cho người khác vay tiền với lãi suất cao và rủ nhau vào tỉnh Đắk Lắk để hoạt động cho vay.

Các đối tượng đã lập các trang Facebook: “Cho góp ngày Buôn Ma Thuột” và “Họ góp Buôn Ma Thuột” để đăng thông tin cho vay tiền với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. 

Khi người cần vay tiền liên hệ, các đối tượng đến tận nơi kiểm tra nhà cửa và giữ giấy tờ tuỳ thân của người này. Nhóm đối tượng cho vay theo 2 hình thức là "vay tiền góp" và "vay tiền đứng". Khi người vay chậm trả tiền gốc và lãi thì các đối tượng liên tục đến nhà gây sức ép.

Với thủ đoạn đó, từ tháng 2 đến tháng 4/2023, nhóm này đã cho khoảng 300 người vay với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng, lãi suất từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương từ 365% đến 600%/năm), thu lợi bất chính khoảng 2 tỉ đồng. 

Công an Thành phố Buôn Ma Thuột đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp cả 3 đối tượng trên để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tín dụng đen có thể hiểu là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước (còn gọi là cho vay nặng lãi).

Thời gian qua, tình hình tội phạm hoạt động tín dụng đen trong giao dịch dân sự ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp, tinh vi, kéo theo nhiều hệ lụy như: cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, tác động xấu đến an ninh trật tự tại địa phương.

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) , người phạm tội cho vay nặng lãi bị xử lý như sau: Cho vay trong giao dịch dân sự với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.