Hà Nội công khai gần 60.000 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm

PV
06:05 - 16/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội vừa công khai gần 60.000 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tính đến hết tháng 1/2023.

Chậm đóng bảo hiểm xã hội hơn 1.500 tỷ đồng

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, các doanh nghiệp nêu trên chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội từ 1 tháng đến 182 tháng. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 1/2023, số tiền chậm đóng bảo hiểm của các đơn vị, doanh nghiệp trên toàn địa bàn là hơn 1.500 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, đòi hỏi cơ quan Bảo hiểm xã hội thành phố và các ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Hà Nội công khai gần 60.000 doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm - Ảnh 1.

Việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa

Một trong các giải pháp đó là Bảo hiểm xã hội thành phố sẽ công khai danh sách các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội, việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu không sớm khắc phục, tùy theo mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm. Một số trường hợp sẽ bị xử lý với khung hình phạt rất nặng.

Trước khi chuyển danh sách sang Cơ quan điều tra đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn, chậm đóng tiền bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra đột xuất; triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp....

Trước đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng cũng công khai 152 doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trên địa bàn tính đến hết tháng 1/2023. Tổng số tiền nợ lên đến hơn 86 tỷ đồng.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện đang có khoảng 200.000 lao động đang bị chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, không được hưởng các chế độ, cả lương hưu va bảo hiểm xã hội.

Trong đó, giao thông vận tải và xây dựng là 2 ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm nhiều nhất. Các công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đồng bảo hiểm xã hội; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đồng bảo hiểm xã hội.

Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu; tình trạng chủ doanh nghiệp "bỏ trốn" để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với cơ quan này rà soát, tổng hợp báo cáo tình hình doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và trình Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền và trình Quốc hội phương án giải quyết.

Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định rõ, người có hành vi vi phạm:

Khung 1, phạt tiền từ 50.000.000 - 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm đối với người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên 1 trong những trường hợp sau:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, mà còn vi phạm trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

- Trốn đóng bảo hiểm xã hội cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Khung 2, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

- Phạm tội 2 lần trở lên;

- Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Trốn đóng bảo cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động.

Khung 3, phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

-  Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

- Người phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho 200 người lao động trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Nguồn: TTXVN/BHXH