Xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
Tính đến hết tháng 9/2022, doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội lên đến hơn 22 nghìn tỷ đồng. Câu chuyện doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã nhức nhối nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có "thuốc đặc trị".
Nhức nhối nhiều năm nhưng chưa có "thuốc đặc trị"
Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, hiện có hơn 200 nghìn người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn. Giải pháp nào để giải quyết quyền lợi cho hàng trăm nghìn lao động này? Biện pháp nào để xử lý dứt điểm tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội?
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lê Đình Quảng cho rằng: Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là tình trạng phức tạp, đã diễn ra nhiều năm.
Quy định của chúng ta tuân theo nguyên tắc đóng – hưởng, chính vì thế khi doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng thì tất cả các quyền lợi của người lao động liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong đó, số tiền chậm đóng, trốn đóng của các doanh nghiệp, đơn vị đã dừng hoạt động hoặc có chủ bỏ trốn (không có khả năng thu hồi) khoảng hơn 3.500 tỷ đồng. Tình trạng này đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hơn 206 nghìn người lao động. Những lao động này không chốt được sổ bảo hiểm xã hội.
Quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động bị ảnh hưởng
Theo ông Lê Đình Quảng, khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Nhưng với những trường hợp đặc biệt này, họ hết sức là khó khăn bởi họ không chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Coi như tất cả các chế độ trước đó họ đáng được hưởng đều bằng không.
Chính vì thế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và đã nhiều lần đề xuất các giải pháp để giải quyết quyền lợi cho họ nhưng cũng chưa giải quyết được.
"Chúng tôi đang rất trăn trở vấn đề này và mong các cơ quan có thẩm quyền quan tâm hơn nữa để sớm tìm được phương án xử lý", ông Lê Đình Quảng bày tỏ và nêu vấn đề: Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề an sinh xã hội thế nào khi người lao động về già? Không hề đơn giản. Kể cả trước mắt hay lâu dài, trước mắt thì họ không được hưởng các quyền lợi chính đáng từ quỹ bảo hiểm xã hội, lâu dài mà không xử lý dứt điểm thì là một câu chuyện an sinh xã hội lớn sau này.
Cần có quyết sách đặc thù
Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lê Đình Quảng cho biết: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để tìm giải pháp. Nhưng việc trước tiên, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phải rà soát rất cụ thể, chi tiết thời gian mà doanh nghiệp và người lao động nằm trong số này để có phương án giải quyết chế độ cho người lao động.
Trước mắt là giải quyết chế độ cho người lao động trong khoảng thời gian mà doanh nghiệp và người lao động đã tham gia Bảo hiểm xã hội trước đó.
Về mặt tổng thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vẫn sẽ kiến nghị như trước đây đã từng kiến nghị là chúng ta có cơ chế riêng để giải quyết vấn đề này. Bởi một khi các doanh nghiệp đã phá sản, có chủ bỏ trốn thì không thể thu hồi được phần nợ Bảo hiểm xã hội này nữa.
Theo ông Lê Đình Quảng, trước đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề xuất 1 phương án đặc thù là lấy phần tiền xử phạt các doanh nghiệp chậm đóng để giải quyết, chốt sổ Bảo hiểm xã hội cho những đối tượng này.
"Thời điểm ấy chúng tôi được biết phần tiền này cũng đủ để xử lý vào khoảng gần 3 nghìn tỷ mà các doanh nghiệp đã phá sản hoặc có chủ bỏ trốn đang nợ Bảo hiểm xã hội của người lao động. Thế nhưng, sau đó một số cơ quan cho rằng, trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm không có quy định về việc dùng tiền này để giải quyết nên không quyết định được", ông Lê Đình Quảng thông tin.
Thậm chí có phương án đề nghị lấy ngân sách nhà nước để xử lý với lập luận là khi các doanh nghiệp này làm ăn có lãi họ đóng thuế cũng đưa vào ngân sách thì giờ các doanh nghiệp này phá sản, giải thể thì lấy tiền ngân sách ra xử lý. Thế nhưng khi rà lại Luật Ngân sách cũng không có quy định nên phương án này cũng phải hủy bỏ.
"Tôi cho rằng để xử lý được vấn đề này, hiện nay chúng ta cần có những phương án xử lý đặc thù bởi nếu để sửa được hết các quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật Ngân sách thì sẽ rất khó", ông Lê Đình Quảng nêu quan điểm và bày tỏ: "Chúng tôi đang mong muốn Chính phủ trình lên Bộ Chính trị, để đưa ra Quốc hội cho một quyết sách đặc thù.
Những trường hợp thế này, Quốc hội cũng có thể cho phép để ra một chính sách đặc thù giải quyết quyền lợi cho khoảng hơn 200 nghìn người lao động này. Đây là hướng mà chúng tôi đang tiếp tục kiên trì theo đuổi".
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng chế tài đủ sức răn đe
Theo Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Lê Đình Quảng, những biện pháp mạnh tay nhất chúng ta đã quy định trong Bộ luật Hình sự về vấn đề trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội theo Điều 214, 215, 216.
Đây là chế tài rất mạnh, nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn. Như thế có nghĩa có nhiều vấn đề về cơ chế pháp luật chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện.
Ví dụ như việc hình sự hóa vấn đề này. Qua báo cáo của Bộ Công an, việc có đủ cơ sở khởi tố, truy tố các doanh nghiệp về tội trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động đang gặp không ít khó khăn.
Hoặc theo quy định tại khoản 1, Điều 10 (Luật Công đoàn), Điều 14 (Luật Bảo hiểm xã hội) cho phép tổ chức công đoàn được khởi kiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm về Luật Bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động cũng đang rất vướng.
Cái vướng ở đây chính là sự đồng bộ về mặt pháp luật. Cho nên giải pháp vẫn phải là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng chế tài đủ sức răn đe. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được tăng cường, xử lý kịp thời.
Giải pháp căn cơ, lâu dài là sửa Luật Bảo hiểm xã hội
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, sửa Luật Bảo hiểm xã hội là một giải pháp căn cơ, lâu dài để giảm thiểu tình trạng trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp.
Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Đây là giải pháp hết sức quan trọng. Khi sửa luật, chúng ta cần tăng cường tính răn đe và nghiêm trị đối với các hành vi vi phạm về Bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, chậm đóng.
Theo ông Quảng, việc ngày càng có nhiều người rời khỏi hệ thống Bảo hiểm xã hội (nhận Bảo hiểm xã hội một lần) là vấn đề cần phải được nhìn nhận kỹ lưỡng bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống an sinh xã hội.
Trong việc này cũng có một phần nguyên nhân từ việc các doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bởi thực tế hiện nay không ít người đang tham gia Bảo hiểm xã hội nhưng họ nhìn thấy rất nhiều người có tham gia Bảo hiểm xã hội mà bị ảnh hưởng quyền lợi, ví dụ như quyền lợi của hơn 200 nghìn người mà chúng ta nói ở trên.
Chính vì thế không ít người nảy sinh tâm lý thôi thì cái gì tính được trước mắt thì tính bởi biết đâu sau này lại rơi vào trường hợp vậy. Ở đây có thêm một ý nữa đó chính là người lao động vẫn thiếu sự tin tưởng vào chính sách Bảo hiểm xã hội, cho nên họ mới rút ra khỏi hệ thống.
Vì thế, nếu chúng ta sửa Luật Bảo hiểm xã hội mà hạn chế được tối đa tình trạng trốn đóng, chậm đóng Bảo hiểm xã hội thì sẽ tạo độ tin tưởng nhiều hơn vào chính sách Bảo hiểm xã hội.
Đồng thời, nếu chúng ta xây dựng được chính sách Bảo hiểm xã hội linh hoạt hơn thì sẽ thu hút được thêm người lao động tham gia vào hệ thống. Lúc ấy những người đang tham gia họ sẽ cân nhắc kỹ việc lựa chọn ở lại hệ thống để được hưởng quyền lợi lâu dài chứ không rút Bảo hiểm xã hội một lần nữa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google