Thống nhất quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục

PV
17:14 - 13/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hàng năm, các đơn vị pháp y trên cả nước giám định khoảng 2.000 trường hợp có dấu hiệu xâm hại tình dục và số lượng này tăng theo các năm.

Xây dựng quy trình giám định pháp y thống nhất cả nước

Bộ Y tế mới đây đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức buổi tập huấn hướng dẫn thực hiện Thông tư số 13/2022/TT-BYT về quy trình giám định đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi và xâm hại tình dục.

Thông tư số 13/2022/TT-BYT của Bộ Y tế được ban hành ngày 30/11/2022 nhằm hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về quá trình từ khi tiếp nhận trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục, khám giám định, hỗ trợ tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

Phát biểu tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, xâm hại tình dục trẻ em có thể gây nên hậu quả như tổn thương cơ thể, lây nhiễm các bệnh hoa liễu (từ kẻ dâm ô) như lậu, sùi mào gà. Nghiêm trọng hơn là gây ảnh hưởng tinh thần rất nhiều đối với đứa trẻ tại thời điểm đó và kéo dài về sau.

Thống nhất quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị ngược đãi, xâm hại tình dục - Ảnh 1.

Tiến sĩ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại buổi tập huấn Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 13/2022/TT-BYT. Ảnh: Lê Hảo/TTXVN

Hàng năm, các đơn vị pháp y trên cả nước giám định khoảng 2.000 trường hợp có dấu hiệu xâm hại tình dục và số lượng này tăng theo các năm. Vì vậy rất cần thiết cần phải xây dựng quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị ngược đãi và trẻ em bị xâm hại tình dục để sử dụng thống nhất toàn quốc.

Các quy định hỗ trợ trẻ bị ngược đãi, xâm hại

Trên cơ sở Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức xã hội đã xây dựng và phát triển các mô hình dịch vụ nhằm hỗ trợ cho những người bị bạo lực gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Thông tư 16/2009/TT-BYT và Thông tư 24/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đã ban hành để hướng dẫn khám, chữa bệnh và tư vấn hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Luật Trẻ em năm 2016 có quy định về Bảo vệ trẻ em có các điều khoản cụ thể về hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em ba cấp độ phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

Nghị định 56/2017/NĐ-CP năm 2017 của Chính phủ đã cụ thể hóa Quy trình hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em có nguy cơ và bị xâm hại, bóc lột. Quy trình hỗ trợ, can thiệp này quy định ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện và điều phối các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ.

Cán bộ ngành Y tế có vai trò quan trọng trong các bước thực hiện Quy trình hỗ trợ, can thiệp bao gồm phát hiện trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo hành, đánh giá trường hợp, cung cấp dịch vụ, chuyển gửi và tham gia giám sát, đánh giá.

Năm 2020, được sự hỗ trợ từ tổ chức UNICEF và Ban Quản lý Dự án Bảo vệ Quyền trẻ em, Bộ Y tế đã ra Quyết định số 5609/QĐ-BYT về việc “Ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập”.

Trên cơ sở Quyết định này, năm 2022 trong quá trình xây dự Thông tư thay thế Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 về “Ban hành Quy trình giám định pháp y”, Ban soạn thảo đã hoàn thiện 2 quy trình ban hành tại Quyết định này và đưa vào ban hành tại Thông tư số 13/2022/TT-BYT ngày 30/11/2022 của Bộ Y tế về “Ban hành Quy trình, biểu mẫu giám định pháp y, thời hạn, nhân lực thực hiện giám định pháp y” thay thế Thông tư số 47/2013/TT-BYT Thông tư số 13/2022/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1/3/2023.

Nội dung Thông tư 13/2022/TT-BYT

Thông tư 13/2022/TT-BYT gồm 9 điều với 37 quy trình và 54 biểu mẫu, dài 400 trang được đánh giá đồ sộ và chi tiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám định pháp y.

Thông tư cũng quy định rõ về thời hạn giám định pháp y. Theo đó, đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định Bộ luật Tố tụng hình sự.

Các trường hợp khác sẽ thực hiện trong không quá 9 ngày đối với các trường hợp giám định xâm hại tình dục, hành hạ ngược đãi, xác định giới tính, sự có thai, khả năng tình dục nam và không quá 18 ngày đối với trường hợp phải hội chẩn; không quá 20 ngày đối với các trường hợp giám định độc chất, mô bệnh học, ADN và không quá một tháng đối với trường hợp phải hội chẩn...

Theo các chuyên gia, dưới góc độ giám định pháp y, dấu vết của hành động dâm ô để lại trên người nạn nhân có thể là các tổn thương thường nhẹ, các vết xước không lớn, vết xuất huyết, vết rạn, sây sát da niêm mạc nhanh chóng biến mất và có thể không để lại dấu vết, một số cháu nhỏ 5 - 7 tuổi có thể bị những tổn thương nặng hơn.

Hiện nay, theo quy định, công tác giám định pháp y nói chung và công tác giám định pháp y các trường hợp trẻ em bị ngược đãi, trẻ em bị xâm hại tình dục được tiến hành bởi các tổ chức giám định pháp y trên cả nước, bao gồm: Viện Pháp y quốc gia, Phân Viện pháp y quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học hình sự, Viện Pháp y Quân đội và 63 Trung tâm pháp y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Kết luận giám định cung cấp những chứng cứ khoa học để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết các vụ việc đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Nguồn: tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận