Góp ý dự thảo Thông tư bổ nhiệm, xếp lương viên chức tư vấn học sinh

Phan Anh
06:05 - 25/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Viên chức tư vấn viên học sinh phải hiểu đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khoẻ học sinh, biết bảo mật thông tin cá nhân và bảo vệ lợi ích của học sinh.

Tháng 12/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo phổ thông.
Góp ý dự thảo Thông tư bổ nhiệm, xếp lương viên chức tư vấn học sinh- Ảnh 1.

Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt đang được xây dựng.

Theo đó, lần đầu tiên ngành giáo dục được bố trí 1 người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh trong mỗi trường học, từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Trường hợp không bố trí được biên chế thì trường ký hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa nhân viên tư vấn học sinh vào danh sách vị trí việc làm được kỳ vọng sẽ giúp học sinh có kênh hỗ trợ tâm lý, giảm bớt các vấn đề tiêu cực trong trường học

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt.

Dự thảo cũng quy định nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho viên chức tư vấn học sinh hạng III, hạng II và hạng I.

Tuy nhiên, dự thảo Thông tư này cần bổ sung Điều khoản áp dụng để có sự thống nhất với Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Cụ thể, trường hợp viên chức tư vấn học sinh xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nếu đã có bằng thạc sĩ, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của viên chức hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng.

Nếu viên chức tư vấn học sinh có bằng thạc sĩ (trước khi được tuyển dụng) nhưng không được giảm thời gian giữ hạng (giảm từ 9 năm xuống 6 năm) khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II là thiệt thòi so với quy định của giáo viên phổ thông.

Ngoài ra, điều băn khoăn, quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của viên chức tư vấn học sinh hạng I – Mã số V.07.07.22 là: "Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc một trong những ngành: Tâm lý học, Công tác xã hội, Xã hội học, Đào tạo giáo viên theo chuyên ngành tương ứng với cấp học được tuyển dụng".

Trong khi đó, văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông hạng I như sau:

"Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên".

Ví dụ, viên chức tư vấn học sinh hạng I và giáo viên trung học phổ thông hạng I cùng làm việc trong một đơn vị, hưởng lương như nhau, nhưng quy định về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng lại khác nhau (cử nhân và thạc sĩ), liệu có công bằng?