Giáo viên hồi hộp dõi theo thảo luận Luật Nhà giáo trên nghị trường

Trần Văn Tâm
10:48 - 20/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dự thảo Luật Nhà giáo đang được thảo luận tại Hội trường Diên Hồng ngày 20/11. Là một giáo viên trung học phổ thông, tôi xin nêu vài ý kiến như sau:

Các nhà giáo tự hào kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Các nhà giáo tự hào kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

1. Từ "đặt hàng" nên thay thành từ khác hoặc cách diễn đạt khác

Ngày 28/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Luật Nhà giáo lần thứ 5. Trong đó, nội dung Tuyển dụng nhà giáo, có đoạn: "Người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo" (điểm c, khoản 3, Điều 16).

Từ góc nhìn của một nhà giáo, tôi có đôi điều góp ý về từ "đặt hàng" như sau:

Trong "Từ điển tiếng Việt", Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 2003, Hoàng Phê chủ biên, có viết: "đặt hàng" (động từ) có nghĩa là: "Đưa trước yêu cầu cho nơi sản xuất hoặc nơi bán biết để chuẩn bị mặt hàng mình muốn mua. Bán theo đơn đặt hàng. Dùng các hình thức gia công đặt hàng" (trang 296).

Theo "Giáo trình kỹ thuật nghiệp vụ ngoại thương", Nhà xuất bản Giáo dục năm 2007, PGS Vũ Hữu Tửu, trang 8: "Đặt hàng là một thuật ngữ kinh doanh, là lời đề nghị ký kết hợp đồng xuất phát từ phía người mua được đưa ra dưới hình thức đặt hàng. Trong đặt hàng, người mua nêu cụ thể về hàng hóa định mua và tất cả những nội dung cần thiết cho việc ký kết hợp đồng. 

Thực tế, người ta chỉ đặt hàng với các khách hàng có quan hệ thường xuyên. Nội dung của đơn đặt hàng chỉ bao gồm: tên hàng, quy cách, phẩm chất, số lượng, thời gian giao hàng... Về những điều kiện khác, hai bên sẽ áp dụng điều kiện chung đã thỏa thuận với nhau hoặc theo những điều kiện hợp đồng đã ký kết trong lần giao dịch trước đó". 

Theo đó, từ "đặt hàng" được dùng trong trường hợp yêu cầu một thứ gì đó, thường là một sản phẩm hoặc dịch vụ từ người khác (người bán, nơi sản xuất) theo thỏa thuận.

Vậy, từ "đặt hàng" trong Dự thảo Luật Nhà giáo dễ dẫn đến cách hiểu như sau: "người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên" như một mặt hàng mà chủ thể đặt hàng là "địa phương" và chủ thể nhận gia công mặt hàng là "cơ sở đào tạo giáo viên".

Để tránh cách hiểu theo hướng đó, nên thay từ "đặt hàng" thành "ký kết, thỏa thuận đào tạo": "Người tốt nghiệp ngành đào tạo giáo viên theo chế độ cử tuyển hoặc theo ký kết, thỏa thuận đào tạo giữa địa phương với cơ sở đào tạo".

Tóm lại, cần thiết thay thế từ "đặt hàng" thành một từ khác hoặc thay bằng cách diễn đạt khác đảm bảo tính khoa học, chuẩn xác và tường minh. Trong giáo dục và đào tạo con người, tốt nhất không nên dùng những từ ngữ ở lĩnh vực thương mại, kinh doanh để tránh hiểu lệch lạc trong người dân làm giảm uy tín, danh dự của ngành giáo dục, của nhà giáo.

2. Giáo viên mong muốn cơ quan quản lý giáo dục được trao quyền tuyển dụng

Tại điểm a, khoản 2, Điều 16, Thẩm quyền tuyển dụng (Dự thảo lần 5) có quy định: "Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền. Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng".

Cơ sở của đề xuất này là theo Nghị định số 85/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP. Trong đó có quy định:

"Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan quản lý viên chức phê duyệt để làm căn cứ tuyển dụng trước mỗi kỳ tuyển dụng".

"Đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này xây dựng và quyết định kế hoạch tuyển dụng theo quy định tại khoản này mà không phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt".

Theo dự thảo, Bộ Giáo dục đề xuất được trao thẩm quyền tuyển dụng giáo viên trong trường công lập cho cơ quan quản lý giáo dục (Sở/ Phòng Giáo dục) chủ trì; từ đó cơ quan quản lý giáo dục phân cấp, ủy quyền cho cơ sở giáo dục (nhà trường) mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập (hiệu trưởng) chịu trách nhiệm.

Là một giáo viên, tôi nhận thấy nội dung này thật sự cần thiết và cấp bách, vì ngành giáo dục có số lượng người học tập, viên chức trong ngành đông đảo, cơ sở giáo dục rất nhiều. Trong năm học 2024-2025, ngành giáo dục cả nước có 25.255.251 học sinh, sinh viên. Trong đó có 2.068.522 sinh viên. Học sinh sinh viên theo học tại 53.979 cơ sở giáo dục. Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động là 1.659.589. [3]

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, tính đến tháng 8/2024, cả nước thiếu hơn 110 nghìn giáo viên. Điều đó đồng nghĩa với chất lượng giáo dục đang bị ảnh hưởng, quyền lợi học tập của học viên chưa được đảm bảo. Đáng lo hơn, mới đây, nhiều trường học ở Thanh Hóa đã dừng dạy một số môn vì thiếu giáo viên mà chưa tuyển dụng được, đây là câu hỏi lớn dành cho ngành giáo dục.

Giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên mà các địa phương đang làm trước mắt là chế độ thu hút giáo viên mới vào ngành và lâu dài là cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, một số địa phương đã trao thẩm quyền tuyển dụng cho Sở Giáo dục và Đào tạo, hoặc Sở Giáo dục phân quyền cho hiệu trưởng trường công lập tuyển dụng theo quy định như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ.

Nếu ngành giáo dục được chủ động tuyển dụng thì có thể tổ chức nhiều đợt trong năm để bổ sung nhân sự cho các cơ sở giáo dục, tránh được tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay. Nếu phân quyền cho nhà trường tuyển dụng thì sẽ tuyển được đúng giáo viên vào đúng vị trí công việc yêu cầu và tự chịu trách nhiệm về chất lượng nhân sự tuyển dụng theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có như vậy thì chất lượng dạy và học mới được cải thiện, "bài toán" nhân sự mới được giải quyết.

Ở một số địa phương, số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển ít hơn nhu cầu thì cũng nên tính đến phương thức xét tuyển trong gian đoạn tuyển dụng nguồn nhân lực khó khăn như hiện nay.

Tóm lại, không có một nền giáo dục tiên tiến nếu không có đủ giáo viên để thực hiện chương trình. Việc tuyển dụng nhà giáo cho ngành đặc thù - giáo dục và đào tạo con người - nên trao quyền cho ngành giáo dục chủ trì, chủ động. Có như thế, ngành giáo dục mới có đủ thẩm quyền để bố trí, điều chuyển nhà giáo từ cơ sở giáo dục công này sang cơ sở giáo dục công khác, điều phối được tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.

Bình luận của bạn

Bình luận