Hợp đồng dạy học của giáo viên theo dự thảo Luật Nhà giáo có gì mới?
Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3 đã có nhiều sự điều chỉnh so với dự thảo Luật Nhà giáo lần 2, trong đó có nội dung đề xuất mới về hợp đồng dạy học của giáo viên.
Quy định cụ thể hợp đồng dạy học xác định thời hạn, không xác định thời hạn
Tại khoản 1 Điều 27 dự thảo 3 Luật Nhà giáo quy định về hợp đồng dạy học. Cụ thể:
1. Hợp đồng dạy học được ký bằng văn bản giữa hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục và nhà giáo. Hợp đồng dạy học bao gồm hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn.
Điều luật này cũng đề xuất quy định cụ thể về hợp đồng dạy học xác định thời hạn và không xác định thời hạn, cụ thể như sau:
Loại hợp đồng | Hợp đồng dạy học không xác định thời hạn | Hợp đồng dạy học xác định thời hạn |
Khái niệm | Hợp đồng dạy học không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng | Hợp đồng dạy học xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng |
Tính chất | Hợp đồng dạy học không xác định thời hạn được áp dụng đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập sau khi được tuyển dụng; nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có thỏa thuận ký hợp đồng dạy học không xác định thời hạn hoặc sau 02 lần đã thực hiện hợp đồng dạy học xác định thời hạn. | Hợp đồng dạy học xác định thời hạn chỉ được ký không quá 02 lần với cùng 01 cơ sở giáo dục; sau đó cơ sở giáo dục phải ký hợp đồng dạy học không xác định thời hạn nếu nhà giáo vẫn tiếp tục làm việc; |
Bên cạnh đó, Điều luật này của dự thảo còn quy định Nhà giáo đang ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn trước khi dự thảo Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Nhà giáo đang ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn trước khi dự thảo Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký cho đến khi phải thay đổi theo các trường hợp hợp đồng xác định thời hạn/không xác định thời hạn.
Hiện nay, căn cứ khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019, số 52/2019/QH14 giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ là viên chức.
Như vậy, bên cạnh giáo viên là viên chức (thường gọi là giáo viên biên chế) làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thì còn có giáo viên thực hiện hợp đồng lao động với đơn vị sự nghiệp công lập (thường gọi là giáo viên hợp đồng).
Trong đó, quan hệ lao động ở đây gồm các bên: đơn vị sự nghiệp công lập là người sử dụng lao động; giáo viên là người lao động.
Đây là quan hệ lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động và không thuộc trường hợp quy định của Luật Viên chức. Do đó, trường hợp này giáo viên hợp đồng là người lao động, không phải viên chức.
Hiện hành tại Điều 25 Luật Viên chức 2010, số 58/2010/QH12 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 cũng có quy định về các loại hợp đồng làm việc đối với viên chức. Cụ thể:
- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Áp dụng đối với người được tuyển dụng làm viên chức kể từ ngày 01/7/2020.
- Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với các trường hợp: viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang làm viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Quy định về nội dung hợp đồng dạy học theo dự thảo Luật Nhà giáo
Hiện nay, Điều 26 Luật Viên chức quy định hợp đồng làm việc của viên chức có những nội dung như:
- Tên, địa chỉ của đơn vị sự nghiệp công lập và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; Họ tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm sinh của người được tuyển dụng.
- Công việc hoặc nhiệm vụ, vị trí việc làm và địa điểm làm việc; Quyền và nghĩa vụ của các bên;
- Loại hợp đồng, thời hạn và điều kiện chấm dứt của hợp đồng làm việc; Tiền lương, tiền thưởng và chế độ đãi ngộ khác (nếu có);
- Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; chế độ tập sự (nếu có); điều kiện làm việc và các vấn đề liên quan đến bảo hộ lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hiệu lực của hợp đồng làm việc;…
Đối với giáo viên hợp đồng, tùy từng cơ sở giáo dục mà quy định mẫu hợp đồng khác nhau, tuy nhiên phải đảm bảo nội dung hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động.
Như vậy, hiện nay chưa có quy định cụ thể về nội dung hợp đồng dạy học. Tại Điều 28 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về nội dung cơ bản trong hợp đồng dạy học, gồm:
- Thông tin của cơ sở giáo dục và thông tin của nhà giáo;
- Công việc, địa điểm làm việc; chế độ, chính sách nhà giáo được hưởng;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia ký hợp đồng;
- Thời gian, hiệu lực của hợp đồng và các nội dung khác được quy định trong hợp đồng.
- Ngoài ra, Chính phủ quy định chi tiết các nội dung liên quan đến hợp đồng dạy học.
Hiện nay, nhiều giáo viên không phải viên chức nên tiền lương được tính theo hợp đồng, thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hiện hành.
Hi vọng sau khi Luật Nhà giáo được thông qua thì giáo viên hợp đồng sẽ được hưởng thêm các chế độ theo quy định.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google