Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học

Trần Vũ
14:23 - 01/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Từ Sydney (Australia) – Giáo sư Phạm Việt Hưng đã chia sẻ cảm tưởng khi đọc bài báo "Họa sĩ Ba Tỉnh: 'Tôi vẽ chân dung liệt sĩ'" trên Công dân & Khuyến học.

Giáo sư - Nhà toán học Phạm Việt Hưng sau khi đọc bài báo “Họa sĩ Ba Tỉnh: ‘Tôi vẽ chân dung liệt sĩ’” của tác giả Trần Vũ trên Công dân và Khuyến học ngày 27/07/2023 đã có một bức thư phản hồi cảm động dành cho họa sĩ Ba Tỉnh.
Chia sẻ bức thư này như một sự lan tỏa niềm vui trong ngày đầu năm mới 2024, họa sĩ Ba Tỉnh cho biết, nội dung bức thư chất chứa nhiều thông tin ý nghĩa, những tình cảm đẹp của một trí thức Việt sống xa quê nhưng luôn nặng tình quê.

Chia sẻ với tác giả Trần Vũ, họa sĩ Ba Tỉnh (Đinh Quang Tỉnh) cho biết: Giáo sư – Nhà toán học Phạm Việt Hưng là một giảng viên từng giảng dạy các môn: Toán kinh tế, Cơ học lý thuyết, Toán học cao cấp, Sức bền vật liệu, Toán luyện thi đại học. Ông cũng là tác giả, dịch giả các cuốn sách như: "Định lý cuối cùng của Fermat", "Phương trình của Chúa", "Từ Xác định đến Bất định", Thành viên của Kỷ yếu "Đại học Humboldt 200 năm, Kinh nghiệm Giáo dục Thế giới & Việt Nam", Thành viên của Kỷ yếu "Hạt Higgs và Mô hình Chuẩn, cuộc phiêu lưu kỳ thú của khoa học", Tác giả cuốn Louis Pasteur – Gregor Mendel & Cuộc cách mạng sinh học, y khoa", tác giả cuốn tự truyện "Tố Quyên – Mối tình đầu"…

Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 2.

Giáo sư - Nhà toán học Phạm Việt Hưng. Ảnh: NVCC

Cha của Giáo sư Phạm Việt Hưng là ông Phạm Đình Biều, một trong 40 kỹ sư đầu tiên của Đông Dương thuộc Pháp. Trong kỳ thi lấy bằng kỹ sư đầu tiên của Đông Dương, ông Phạm Đình Biều đạt điểm chuyên môn cao nhất. Trong những năm 1930, kỹ sư Phạm Đình Biều cùng kỹ sư Trần Đăng Khoa là 2 trong nhóm 4 kỹ sư Việt Nam làm việc dưới quyền một Tổng Công trình sư người Pháp (gốc Do Thái) trong công trình xây dựng những đường hầm (tunnels) xuyên núi ở khu vực Nam Trung Bộ Việt Nam. Vào những năm 1930, ông Phạm Đình Biều là một trong những người đầu tiên tham gia khai phá con đường xuyên Việt - là một phần quan trọng nằm trong dự án lớn của Việt Nam thời đó - Dự án Đường xe lửa Bắc Nam Việt Nam. Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam theo hiệp định Genève… Tuy nhiên, sau chiến tranh, việc tiếp quản thành phố Hà Nội gặp muôn vàn khó khăn, đặc biệt là các vấn đề về kiến thiết cơ bản và hạ tầng kỹ thuật của thủ đô. Trước tình hình đó, để thu hút đội ngũ trí thức cũ, nhà nước đã có chính sách đặc biệt ưu đãi gọi là "công chức lưu dung" với mức lương xấp xỉ lương công chức cũ, nhằm khuyến khích và trọng dụng các nhân sĩ, trí thức của chế độ bảo hộ tự nguyện giúp chính quyền non trẻ điều hành đất nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng… Ông Trần Duy Hưng - Chủ tịch đầu tiên của thành phố Hà Nội lúc bấy giờ đã trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh, và được Cụ Hồ đồng ý tiến cử kỹ sư Phạm Đình Biều tham gia quản lý công việc kiến thiết cơ bản của thành phố, hướng dẫn các Kiến trúc sư trẻ về kết cấu nền móng Hà Nội. Ông Phạm Đình Biều đảm nhận chức vụ phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nha Công chánh và Kiến thiết cơ bản thành phố Hà Nội (tiền thân của Sở xây dựng Hà Nội ngày nay. Đặc biệt, vào năm 1957, sự kiện vỡ đê Mai Lâm có thể ảnh hưởng tới sự an nguy của Hà Nội. Kỹ sư Phạm Đình Biều cùng các chuyên gia đã họp bàn, với sự có mặt của cụ Hồ Chí Minh. Kỹ sư Phạm Đình Biều nêu ý kiến làm các rọ lưới thép đựng đá, gọi là những "rồng đá" ném xuống dòng chảy đê Chèm để tránh vỡ hệ thống đê bao quanh Hà Nội. Kết quả ngoài mong đợi và Hà Nội vẫn được an toàn.

Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 3.

Bức chân dung trong cuốn tự truyện "Tố Quyên - mối tình đầu" - của Giáo sư Phạm Việt Hưng, do họa sĩ Ba Tỉnh sáng tác.

Cũng theo Họa sĩ Ba Tỉnh, Giáo sư Phạm Việt Hưng có mối tình đầu với Tố Quyên – một thiếu nữ Hà Nội xinh đẹp, hoa khôi của Trường phổ thông 3A trước đây (nay là Trường THPT Việt Đức). Tố Quyên - người con gái khiến Giáo sư Phạm Việt Hưng thời trẻ rớt nước mắt giữa các cung bậc cảm xúc của yêu – chia tay - tuyệt vọng - hy vọng - rồi lại tuyệt vọng. Ngày đó, sau hơn sau hai năm chia tay nhau, Tố Quyên đã trở thành một nữ văn công quân đội xinh đẹp, tài năng, nhưng cô đã quyết định vượt qua mọi rào cản, định kiến của xã hội để trở lại tìm người cũ. Nhưng rồi, họ vẫn rời xa nhau vì những lý do không đáng có…

Đó là những chia sẻ của họa sĩ Ba Tỉnh về các nhân vật được nhắc tới trong bức thư mà Giáo sư Phạm Việt Hưng vừa gửi cho ông. Bức thư mang những tình cảm trân quý, những thông tin mang ý nghĩa tích cực mà một bài báo trên Công dân và Khuyến học đã góp phần lan tỏa những giá trị đó.

Xin trân trọng giới thiệu bức thư của Giáo sư Phạm Việt Hưng gửi Họa sĩ Ba Tỉnh, xuất phát từ bài báo trên Công dân và Khuyến học

Tôi đã xem nhiều tranh của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, và tôi từng ngưỡng mộ thốt lên "Đẹp quá!".

Cái gì đẹp thì phải thấy ngay là đẹp! Ai muốn phân tích gì thì đó là việc của họ, còn tôi, tôi thưởng thức cái đẹp bằng trực cảm, một là thích ngay, hai là không thích.

Một người giàu cảm xúc bậc nhất là Charles Charlie Chaplin từng nói: "Tôi không đủ kiên nhẫn với một cái đẹp mà cần phải được giải thích mới hiểu" (I do not have much patience with a thing of beauty that must be explained to be understood).

Claude Monet cũng nói: "Mọi người thảo luận về nghệ thuật của tôi và làm ra bộ hiểu, như thể cần phải hiểu, trong khi đơn giản là chỉ cần yêu thích mà thôi" (Everyone discusses my art and pretends to understand, as if it were necessary to understand, when it is simply necessary to love).

Trong hơn 100 bức tranh "Bản diện kim cương" của Họa sĩ Ba Tỉnh, tôi thích nhất chân dung Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, chân dung Họa sĩ Thành Chương, chân dung nghệ sĩ Lê Vi, chân dung GS Trần Ngọc Vương,…

Được biết chân dung Họa sĩ Nguyễn Gia Trí được vẽ qua ảnh chụp, nhưng tôi có cảm tưởng như chân dung này được vẽ trực tiếp khi người mẫu ngồi trước mặt họa sĩ, vì thần thái của cụ Trí bộc lộ rõ ràng, ấn tượng quá. Về điểm này – khả năng miêu tả được cái hồn và thần thái của nhân vật – thì tôi phải nói lên lời thán phục và biết ơn Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh vô cùng vì ông đã dựng nên bức chân dung tuyệt vời của Tố Quyên (Bùi Tố Quyên) - mối tình đầu của tôi - qua lời tôi kể. Không phải ông vẽ một cái xong ngay. Ông phải dựng nhiều tranh, chỉnh sửa nhiều lần, mãi đến khi tôi thốt lên: "Đây rồi, Quyên đây rồi!" thì tác phẩm mới hoàn thành. Đúng dịp ấy, tôi xuất bản Tự truyện Tố Quyên, kể lại câu chuyện tình khá đặc biệt và khá kỳ lạ này nhân dịp tròn 60 năm chúng tôi gặp nhau và yêu thương nhau. Hiển nhiên là bức chân dung do Họa sĩ Ba Tỉnh tái tạo đã được dùng làm bìa sách. Khi tôi tặng sách này cho người thân và bạn bè, rất nhiều người sửng sốt thốt lên: "Đẹp quá!", cái đẹp được thốt lên ở đây vừa là Tố Quyên đẹp quá, vừa là bức tranh vẽ đẹp quá! Và tôi sung sướng nhất khi một người em tôi, từng biết rõ Tố Quyên, phải thốt lên: "Giống quá, giống nhất là vẻ đẹp trong sáng nhân hậu của chị ấy".

Sau này tôi đọc lời bình bức tranh này trên facebook của Họa sĩ Ba Tỉnh, tôi thấy những nhận xét tuyệt vời, chẳng hạn:

"Với tôi vẽ chân dung đã khó, vẽ bằng trực cảm tâm linh còn khó hơn nhiều. Nghe anh Ba Tỉnh nói mà tôi xin kính nể vô cùng. Tôi chỉ thấy bức chân dung này ở ánh mắt và đôi môi của tấm hình có cái gì đó thật sinh động như một người đang sống vậy, một chân dung có linh hồn!" (Văn Huy Lê).

"Đẹp quá! Rất kỳ diệu. Nhân vật rất có thần thái, khỏe mạnh, trong sáng, vui, nền nã". (Ngô Xuân Khôi).

Tôi đã mang sách Tố Quyên đến mộ của nàng để hóa trước mộ, tặng nàng tại chỗ, và tôi tin chắc rằng nàng cảm động lắm, không chỉ cảm động vì tình yêu tha thiết tôi dành cho nàng bất chấp thời gian, mà còn vì quà tặng rất bất ngờ, đó là bức chân dung rất giống nàng, được tái tạo sau 60 năm trời, nhờ bàn tay tài hoa của một nghệ sĩ tranh chân dung bậc nhất!

Vì thế, tôi hiểu được vì sao Họa sĩ Ba Tỉnh cũng đã tái tạo được chân dung chính xác của các liệt sĩ qua lời kể của thân nhân. Điều này góp phần khẳng định một khía cạnh khác của sự nghiệp hội họa của Họa sĩ Ba Tỉnh. Đó là: Góp phần vẽ lại lịch sử, hoặc ghi chép lại một phần lịch sử qua các nhân vật tiêu biểu một thời.

Hình như đây là sứ mệnh của Họa sĩ Ba Tỉnh, vì ngoài việc vẽ lại tiểu sử các nhân vật mà ông yêu mến hoặc ngưỡng mộ, ông đồng thời còn là một nhà báo tên tuổi chuyên viết về tiểu sử các nhân vật có những đóng góp cho lịch sử.

Riêng tôi, tôi nợ ông một món nợ lớn không bao giờ trả được, đó là bài báo ông viết về thân phụ tôi: "Kỹ sư công chánh tài hoa Phạm Đình Biều và chuyện bốn lần bị ám sát hụt", đăng trên Thời Báo Văn học Nghệ thuật. Có lẽ những nhân vật từng được Họa sĩ Ba Tỉnh vẽ chân dung cũng có ý nghĩ giống tôi, rằng họ đều nợ họa sĩ. Nhưng tôi biết họa sĩ Ba Tỉnh không thích nghe tôi nói tôi nợ ông, bởi tôi biết tính cách rất nghệ sĩ của ông, là thích cho đi nhiều hơn là thích nhận. Tôi không có gì để trả nợ ông, ngoài câu nói của Chúa Jesus mà tôi thuộc lòng: "Cho thì có phúc hơn là nhận" (It is more blessed to give than to receive).

Phạm Việt Hưng, Sydney

"Cho thì có phúc hơn là nhận"

Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 4.

Họa sĩ Ba Tỉnh bên tác phẩm của mình. Ảnh: NVCC

Trong thời đại công nghệ số, những thông tin trên Tạp chí Công dân và Khuyến học đã đến với đông đảo độc giả khắp nơi, một sự kết nối không biên giới giữa những người có chung sự quan tâm, mối ràng buộc, hay đơn giản chỉ là chung một cảm xúc về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Câu chuyện của họa sĩ Ba Tỉnh và Giáo sư Phạm Việt Hưng – độc giả của Công dân và Khuyến học là một ví dụ như thế.

Họa sĩ Ba Tỉnh chia sẻ ông rất vui khi Giáo sư Phạm Việt Hưng là một trong những người đã cảm thấu được những giá trị và thông điệp từ tranh của ông. Bởi theo ông, tranh chân dung là một loại hình nghệ thuật thật sự khó, mà vẽ bằng sơn dầu càng khó gấp bội phần, nhưng trên thế giới có nhiều họa sĩ thành công, chuyên sống và vẽ loại tranh này. Ở Trung Quốc xưa (Thời Đường) có hai bức tranh nổi tiếng là "Bộ Liễn đồ" và "Lịch Đại đế vương đồ" - đây là hai tác phẩm quan trọng về vẽ tranh chân dung mang tính lịch sử Trung Quốc xưa của họa sỹ Diêm Lập Bản (Họa sĩ đời Đường). Các họa sĩ nổi tiếng thế giới như Van Gogh, Mary Cassatt, Pablo Picasso, và Gustav Klimt đều giỏi trong việc mô tả biểu cảm con người, mỗi bức tranh chân dung của họ là những "thông điệp số" chứa đựng nhiều ý nghĩa thời đại và truyền cảm hứng cho rất nhiều họa sĩ vẽ tranh chân dung ngày nay thúc đẩy sự phát triển của thể loại này trong chiều hướng mới. 

Dẫn lời của Lawrence Monsanto Ferlinghetti nhà thơ, họa sĩ, nhà hoạt động xã hội lỗi lạc người Mỹ: "Hội họa phải đạt được sự thấu hiểu qua tự thân nó, không cần tới giải thích, và thi ca cũng vậy. Nếu một bài thơ hay một bức họa cần phải được giải thích thì đó là thất bại trong giao tiếp" - họa sĩ Ba Tỉnh bày tỏ niềm vui khi tác phẩm của mình đã mang đến cho người xem những tình cảm, năng lượng tích cực.

Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 5.
Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 6.
Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 7.
Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 8.
Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 9.
Giáo sư Úc gửi tâm thư cho họa sĩ khi đọc bài viết trên Công dân và Khuyến học- Ảnh 10.

Tranh chân dung theo thứ tự từ trái qua phải, trên xuống dưới: Nhà giáo Văn Như Cương; Nhạc sỹ Phó Đức Phương; Nhà Thơ Nguyễn Quang Thiều; Nghệ sĩ nhân dân - Đạo diễn Trần Văn Thuỷ; Nghệ sỹ nhiếp ảnh Dương Minh Long; Nhà điêu khắc nhận giải thưởng Hồ Chí Minh Tạ Quang Bạo. Nguồn: họa sĩ Đinh Quang Tỉnh.

Nhân dịp đầu năm 2024, họa sĩ Ba Tỉnh giới thiệu cùng Công dân và Khuyến học một số tác phẩm ông sáng tác trong năm 2023, với cách thể hiện khác biệt, bằng bút sắt phủ màu dầu, sơn dầu truyền thống điểm nhấn bút sắt, hiệu ứng thẩm mĩ đầy bất ngờ.

Mỗi bức tranh là một nghĩa cử cao đẹp đối với những nhân vật mà người họa sĩ có tài, có tâm này trân trọng, quý mến.