Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc"

00:26 - 29/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với công nghệ AI, chân dung 10 nữ thanh niên xung phong anh dũng hi sinh tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) cách đây 55 năm đã được tái hiện lại và ra mắt đầy cảm động đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).

Khởi động giai đoạn 2 của dự án di sản số về các liệt sĩ bằng việc phục dựng chân dung "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" từ công nghệ AI

Báo Nhân dân thông tin, sau 11 năm phát triển, website lietsi.com – dự án số hóa thông tin về liệt sĩ lớn nhất nhì Việt Nam của Lê Công Thành và các cộng sự thực hiện 11 năm về trước đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới, đó là phục dựng hình ảnh của những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Việc phục dựng chân dung 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) nằm trong giai đoạn 2 của dự án số hóa "di sản số" về các liệt sĩ do nhóm các chuyên gia công nghệ thông tin bắt tay thực hiện từ khoảng tháng 3/2023. 

Dựa trên các bức ảnh còn sót lại, các chuyên gia sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục dựng từng phần chân dung, trước khi đưa nhân vật vào bối cảnh cụ thể.

Các chuyên gia cho hay, trí tuệ nhân tạo sẽ dựa trên những nét cơ bản trong ảnh gốc, từ đó "điền" vào các chi tiết còn thiếu. Điểm nổi bật của công nghệ này là giúp giữ nguyên các nét biểu cảm của nhân vật như khi còn sống.

Tuy nhiên, ảnh chụp về họ thật hiếm hoi, chỉ còn lại bức ảnh nhòe mờ. Để tri ân, tưởng nhớ 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc, cũng là lòng biết ơn dành cho biết bao liệt sĩ đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc hôm nay, Nguyễn Công Cường, Nguyễn Văn Khánh và Lê Công Thành – 3 chàng trai trẻ của Hà Nội đã tiến hành việc phục dựng chân dung của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc bằng AI.

Theo Tri thức và Cuộc sống, công đoạn khó nhất là làm thế nào tìm được trang phục phù hợp và các hoạt cảnh sống động để tạo sinh hình ảnh của các liệt sĩ trong các hoạt động sống. Các bức ảnh này không có thật nhưng mang thần thái khuôn mặt của các liệt sĩ. Việc ứng dụng AI hiện đại như Midjourney, Stable Diffusion giúp ích rất nhiều cho các công đoạn kĩ thuật này.

Các chuyên gia cho hay, trí tuệ nhân tạo sẽ dựa trên những nét cơ bản trong ảnh gốc, từ đó "điền" vào các chi tiết còn thiếu. Điểm nổi bật của công nghệ này là giúp giữ nguyên các nét biểu cảm của nhân vật như khi còn sống.

Được biết, sau 11 năm, dự án đã số hóa được 95% số bia mộ liệt sĩ trên toàn quốc, giúp nhiều gia đình tìm được người thân của mình. Từ tháng 7/2023, dự án lietsi.com hợp tác với AIcomic để hướng dẫn tình nguyện viên viết văn, viết hồi ký (với ChatGPT, Bard...), vẽ tranh, vẽ truyền thần (với Midjourney, Stable Diffusion...) và giúp các gia đình thân nhân phục dựng, bảo tồn "Di sản số" của các liệt sĩ.

Anh Lê Công Thành cho biết, Dự án phục dựng "di sản số" của các liệt sĩ, hợp tác giữa lietsi.com và AIComic ngoài việc giúp ích cho các gia đình thân nhân liệt sĩ còn là một nỗ lực vận động các bạn trẻ trong xã hội học các kĩ năng mới về điều khiển AI và khai thác dữ liệu.

Trong tương lai, dự án lietsi.com không chỉ dừng ở việc phục dựng hình ảnh mà sẽ làm cả giọng nói, văn bản (sáng tác truyện, thơ, hồi kí…).

Cách đây 55 năm, Ngã ba Đồng Lộc được gọi là "Tọa độ lửa". Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, nơi đây phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom, mặt đất bị biến dạng, cày xới.

Chiều ngày 24/7/1968, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm chữ A, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đang trú ẩn. Hầm sập khiến tất cả 10 cô gái hi sinh trong độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, người trẻ nhất mới 17 tuổi.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những câu chuyện về sự hi sinh anh dũng của các nữ thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc đã lay động biết bao trái tim của người dân Việt Nam, về một thế hệ sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân để bảo vệ từng tấc đất của non sông, Tổ quốc.

Công dân và Khuyến học xin đăng tải Chân dung 10 nữ thanh niên xung phong hi sinh tại ngã ba Đồng Lộc được phục dựng bằng công nghệ AI:

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 3.

Liệt sĩ Võ Thị Hà là người đầu tiên được nhóm chuyên gia phục dựng trong dự án của mình. Chị Hà được coi là "em út" trong Tiểu đội, chị hi sinh khi mới chỉ 17 tuổi.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 4.

Liệt sĩ Võ Thị Tần (sinh năm 1944), người "chị cả" của Tiểu đội 4 anh hùng.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 5.

Chân dung liệt sĩ Dương Thị Xuân. Chị Xuân nhập ngũ năm 1967.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 6.

Chân dung liệt sĩ Hà Thị Xanh. Theo lời kể lại, làm việc gì cũng xốc vác, chị Xanh hay nhận việc khó về mình. Một lần được nghỉ phép, chị Xanh đã rủ bạn cùng đơn vị về nhà mình chơi.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 7.

Chân dung liệt sĩ Hồ Thị Cúc. Chị Cúc là Tiểu đội phó Tiểu đội 4 anh hùng. Tháng 7/1965, chị Cúc tình nguyện lên đường gia nhập Thanh niên ba sẵn sàng. Chị và chị Võ Thị Tần cùng ở chung đơn vị suốt 3 năm, cùng được kết nạp Đảng ngày 3/2/1967. Lúc hi sinh, chị Cúc nấp vào hố cá nhân nên mọi người chỉ tìm được 9 cô gái trong hầm, phải 3 ngày sau mới tìm được thi hài chị ở cách chỗ 9 cô gái kia hi sinh vài chục mét.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 8.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thị Nhỏ. Bố mẹ chị mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em gái: chị Miên và Nhỏ. Chị Miên thay bố mẹ nuôi chị Nhỏ từ bé. Khi chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày một ác liệt, chị Nhỏ xin vào Thanh niên xung phong. Chị hi sinh năm 24 tuổi, khi chưa lập gia đình.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 9.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân. Chị nhập ngũ năm năm 1967.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 10.

Chân dung liệt sĩ Trần Thị Hường. Chị Hường là con của một liệt sĩ chống Pháp. Cha chị hi sinh năm 1953 ở mặt trận, khi Hường mới 4 tuổi. Hai năm sau, mẹ đi lấy chồng, Hường ở với bà ngoại và cậu mợ tại xóm Đông Quế, thị xã Hà Tĩnh. Chị có giọng hát hay, được mệnh danh là “chim sơn ca” của tiểu đội và của cả Đại đội 522.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 11.

Chân dung liệt sĩ Trần Thị Rạng. Chị sinh ra tại xóm chài Thọ Thủy, Đức Vĩnh, Đức Thọ (Hà Tĩnh). Thời thơ ấu theo cha mẹ làm nghề chèo lái trên sông La. Ngày 3/11/1967, chị vào Thanh niên xung phong. Ngoài giờ ra trận địa, Rạng cùng chị em làm toán, làm văn, tập hát, lúc nghỉ giải lao lại trêu đùa đại đội trưởng và mấy anh lái xe ủi. Chị hi sinh khi 18 tuổi.

Công nghệ AI phục dựng chân dung sống động của "10 cô gái ngã ba Đồng Lộc" - Ảnh 12.

Chân dung liệt sĩ Võ Thị Hợi. Chị sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở xã Thiên Lộc - Can Lộc, Hà Tĩnh, là con thứ 5 trong gia đình. Năm 1965, học xong lớp 7, Hợi xung phong đi “Ba sẵn sàng”. Thi thoảng Hợi mới có dịp về thăm nhà, chị kể: "Bom đạn dội xuống ghê gớm lắm mẹ ạ! Tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm xé suốt đêm ngày, đất đá bụi tung mù mịt. Nhưng tất cả bọn con đều không sợ. Cứ đợi dứt đợt bom là chúng con ra đường ngay, để xe khỏi bị tắc trên đường vào Nam mẹ ạ!”.

 

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận