Họa sĩ Ba Tỉnh: "Tôi vẽ chân dung liệt sĩ"
“Tôi vẽ chân dung liệt sĩ” là tựa đề một status của Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) trên trang cá nhân của ông. Hai liệt sĩ mà ông vẽ là Nhà văn-Liệt sĩ Nam Cao và một liệt sĩ hi sinh khi đang tuổi đôi mươi. Đặc biệt, cả hai bức vẽ đều được thể hiện bằng trí tưởng tượng qua mẫu là người thân của liệt sĩ.
Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (tên thường gọi là Ba Tỉnh) nhớ lại quá trình ông vẽ chân dung hai liệt sĩ là Nhà văn – Liệt sĩ Nam Cao và người em trai liệt sĩ của hoạ sĩ Cao Trọng Thiềm (nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam) rất khác biệt so với những chân dung khác mà ông từng vẽ, bởi cả hai nhân vật đặc biệt này người họa sĩ phải vẽ bằng trí tưởng tượng qua mẫu là người thân của liệt sĩ, nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí "lay động lòng người" vì giống nhân vật lúc sinh thời.
Bức tranh chân dung Nhà văn – Liệt sĩ Nam Cao
Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh nhớ lại, khi vẽ chân dung Nhà văn – Liệt sĩ Nam Cao, ông chỉ có tư liệu ảnh rất ít ỏi và ông đã lặn lội về tận ở thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam để tìm gặp người cháu nội của nhà văn và lấy khuôn mặt của người cháu ấy làm mẫu. Sau khi hoàn thành tác phẩm, những người cao tuổi trong dòng họ Trần và con cháu nhà văn Nam Cao ở Lý Nhân đều công nhận vẽ rất giống "ông Nam Cao ngày xưa" – lời khen này, với người họa sĩ, là vô giá.
Họa sĩ Ba Tỉnh kể, tác phẩm "Chân dung nhà Nhà văn – Liệt sĩ Nam Cao" của ông là 1 trong 2 tác phẩm (cùng với tác phẩm "Làng Vũ Đại ngày ấy") đã được trưng bày tại triển lãm "Nam Cao & tác phẩm qua nghệ thuật tạo hình" năm 2006 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Nam Cao. Khi đến tham dự triển lãm, gia đình nhà văn Nam Cao đã rất xúc động, người con trai của nhà văn là GS.TS Trần Mai Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) đã ôm lấy họa sĩ, khóc, và nói: "Anh vẽ bố tôi giống quá!", rồi tuyên bố với mọi người: "Bức tranh này phải thuộc sở hữu của gia đình tôi". Sau đó, gia đình nhà văn Nam Cao đã mua cả hai bức tranh của họa sĩ Ba Tỉnh tại triển lãm. Hiện các tác phẩm đang lưu giữ tại tư gia ở Canada.
Họa sĩ Ba Tỉnh kể chi tiết rất xúc động, đó là người cháu nội của nhà văn Nam Cao làm việc tại Canada, được bố mẹ (là con trai của nhà văn) bày tỏ sẽ bán căn nhà ở Việt Nam cho con làm vốn lập nghiệp, nhưng người cháu đã từ chối, và xin phép bố mẹ cho mang bức tranh chân dung của ông nội theo - như một tài sản vô giá về tinh thần ở nơi xứ người.
Nam Cao (tên Trần Hữu Tri 1915-1951) là nhà văn và cũng là một chiến sĩ, liệt sĩ. Ông là nhà văn hiện thực lớn trước Cách mạng tháng 8, một nhà báo kháng chiến ưu tú, một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện phong cách truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20.
Nhà văn Nam Cao được tôn vinh: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996. Tên nhà văn Nam Cao được đặt cho Đường phố tại thành phố Hà Nội; Thành phố Hồ Chí Minh; Thành phố Đà Nẵng; Thành phố Biên Hòa; Thành phố Rạch Giá và một số địa phương khác. Tên ông cũng được đặt cho một số trường học phổ thông ở quê hương…
Bức tranh chân dung người em liệt sĩ của họa sĩ Cao Trọng Thiềm
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm, nguyên giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam có người em ruột tên là Cao Văn Hoan đã anh dũng hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chính bản thân họa sĩ Thiềm đã nhờ một số người bạn trong giới họa sĩ vẽ chân dung người em trai liệt sĩ của mình, nhưng cuối cùng ông và gia đình đã mời họa sĩ Ba Tỉnh - vốn nổi tiếng vẽ chân dung "bằng trí nhớ, trí tưởng tượng", và được hoạ sĩ Ba Tỉnh nhận lời.
Với họa sĩ Ba Tỉnh, đây là một "ca" vô cùng khó, bởi nhân vật không có di ảnh. Chỉ căn cứ vào lời dặn lại của thân mẫu họa sĩ Cao Trọng Thiềm là: "Em nó rất giống thằng cháu cả" - là con trai lớn của họa sĩ Cao Trong Thiềm. Để vẽ chân dung người bộ đội hy sinh ở tuổi 18 – 20 chỉ căn cứ vào gương mặt người cháu gọi liệt sĩ bằng chú, mà người cháu ấy tuổi đã 50 là một thách thức không nhỏ.
"Tôi phác thảo nhiều lần bằng sơn dầu, căn cứ vào những lời "góp ý" của họạ sĩ Cao Trọng Thiềm và gia đình. Cứ mỗi lần phác thảo xong, tôi lại chụp gửi cho gia đình họa sĩ Thiềm, rồi thì người này góp ý một chi tiết về đôi mắt, người kia góp ý chi tiết về đôi tai… Có quá nhiều góp ý. Đến khi, dường như tôi đã thuộc và tưởng tượng ra gương mặt liệt sĩ, thì tôi bắt đầu "đóng cửa" để tập trung vẽ - không trao đổi với gia đình nữa để tránh phân tâm, tôi tập trung vẽ theo tâm tưởng của mình".
Bức chân dung người liệt sĩ Cao Văn Hoan trong trí tưởng tượng của họa sĩ Ba Tỉnh bằng sơn dầu trên toan, gam màu đen và trắng, kích thước 25x35cm, vừa hoàn thành và được họa sĩ Ba Tỉnh kính tặng gia đình hoạ sỹ Cao Trọng Thiềm trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2023).
Hai bức chân dung hai liệt sĩ được họa sĩ Ba Tỉnh vẽ chủ yếu bằng trí nhớ, bằng sự tưởng tưởng sau khi chắp nối những dữ liệu ít ỏi và thông tin mà người thân và gia đình cung cấp. Họa sĩ Ba Tỉnh nhớ lại: "Tôi vẽ thì nhanh, nhưng khâu chuẩn bị nhập tâm để ký họa thì lâu. Như bức "Chân dung Nhà văn - Liệt sĩ Nam Cao", tôi vẽ trong 4 ngày nhưng chuẩn bị 20 ngày. Còn bức chân dung liệt sĩ Cao Văn Hoan - em trai của họa sĩ Cao Trọng Thiềm thì vẽ có 2 tiếng nhưng chuẩn bị trong 30 ngày".
Chia sẻ về quá trình vẽ hai bức tranh chân dung ý nghĩa này, họa sĩ Ba Tỉnh trầm ngâm: "Tôi cũng là con liệt sĩ, nên luôn thấy vinh dự tự hào được làm điều gì đó để xoa dịu nỗi đau mất mát của những gia đình cùng cảnh ngộ mất người thân như gia đình chúng tôi".
Đó cũng là lí do để người họa sĩ tài hoa này có một ngày 27/7 ấm lòng.
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh), quê quán: Xã Xuân Thành, Huyện Xuân Trường, Tỉnh Nam Định, là con thứ trong một gia đình có truyền thống hiếu học, thành đạt. 3 anh em trai ông đều có năng khiếu hội họa, còn người em gái lại là Tiến sỹ vật lý.
Trong sự nghiệp vẽ tranh của mình, họa sỹ Đinh Quang Tỉnh đã hoàn thành một khối lượng lớn tranh chân dung văn nghệ sỹ. Triển lãm "Bản diện kim cương bất hoại" của ông được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, đã lựa chọn để trưng bày 70 trong số 108 tác phẩm; 2 trong 40 tranh vui, tranh châm biếm đã đăng báo và một số ký họa. 108 bức chân dung của ông mang đến cho người thưởng tranh những gương mặt quen thuộc: nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Trần Dần, Phùng Quán, Trịnh Công Sơn, họa sĩ Nguyễn Gia Trí, giáo sư Trần Văn Khê, nhà văn Tô Hoài, Tế Hanh, Bùi Giáng…
Tranh của ông hầu hết vẽ bằng chất liệu màu dầu. Tuy nhiên, mảng tranh vẽ bằng bút sắt, bút dạ cũng có những thành công nhất định như: Chân dung Họa sỹ Đặng Xuân Hòa, NSND Nguyễn Trọng Khôi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trần Hiếu, Nhà văn Sơn Nam, Nhà văn Phùng Quán…
Nhận xét về tác phẩm hội họa của Đinh Quang Tỉnh, họa sĩ Thành Chương trân trọng: "Các tác phẩm chân dung của họa sĩ Đinh Quang Tỉnh đúng với nghĩa truyền thần, mà rất ít người chạm tới được, khi nó lột tả được cái thần của nhân vật được thể hiện. Niềm đam mê cùng với lao động nghệ thuật miệt mài và sự sẻ chia sâu sắc với các nhân vật, đã giúp cho Đinh Quang Tỉnh có được những tinh lõi nhất trong tranh của mình".
Được biết, hoạ sỹ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh) đang chuẩn bị cho triển lãm cá nhân lần 2 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào mùa thu 2024 với gần 100 chân dung Văn nghệ sĩ và người nổi tiếng mang tên Bản diện Kim Cương 2.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google