Giáo dục Mường Lát, sự thật cay đắng kéo lùi sự học

19:01 - 23/08/2024
Công dân & Khuyến học trên

Tạp chí Công dân và Khuyến học từng đăng tải bài viết "Tuyển sinh dân tộc nội trú sai đối tượng tại Mường Lát: Có hay không việc tham nhũng chính sách?" phản ánh việc con em các cán bộ ở địa phương này "ngồi nhầm" vào chỗ dành cho học sinh miền núi, hưởng các ưu đãi chính sách của Nhà nước.

Tạp chí Công dân và Khuyến học đã đăng tải bài viết "Tuyển sinh dân tộc nội trú sai đối tượng tại Mường Lát: Có hay không việc tham nhũng chính sách?" phản ánh việc con em các cán bộ ở địa phương này "ngồi nhầm" vào chỗ dành cho học sinh miền núi, hưởng các ưu đãi chính sách của Nhà nước.
Cùng với đó Báo Bảo vệ Pháp luật đã đăng tải nhiều bài viết nhằm để làm rõ vấn đề này. Tạp chí Công dân và Khuyến học xin đăng tải lại các bài viết này dưới góc độ giáo dục và khuyến học, nhằm bảo vệ quyền học tập chính đáng của đối tượng chính sách, và trợ lực cho giáo dục miền núi trong giai đoạn còn phải tiến hành nhiều cải cách phù hợp.
Giáo dục Mường Lát, sự thật cay đắng kéo lùi sự học - Ảnh 1.

Trường Tiểu học Tén Tằn, Mường Lát, Thanh Hoá hiện nay. Ảnh: Báo Bảo vệ pháp luật

Bài 1: Cán bộ, Hiệu trưởng, giáo viên "lách luật" cho con em vào trường nội trú (nguồn: Bảo vệ pháp luật)

Phụ huynh học sinh trú tại huyện Mường Lát (Thanh Hoá) vừa có đơn gửi tới Báo Bảo vệ pháp luật tố Hội đồng tuyển sinh của huyện này xét tuyển trái quy định đối với hàng loạt đối tượng vào học tại trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung học cơ sở Mường Lát. Các trường hợp này hầu như đều "lách luật" làm thêm hộ khẩu ở vùng đặc biệt khó khăn để hợp lý hoá hồ sơ xét tuyển. Đáng nói là, hầu hết trong số đó là lãnh đạo cấp phòng, hiệu trưởng, giáo viên... trên địa bàn.

Tuyển sinh hàng loạt trường hợp trái quy định

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024, nhiều học sinh là con của cán bộ, công chức, giáo viên... được xét tuyển vào trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát không đúng quy định tại Thông tư số 01/2016, Thông tư số 04/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá.

Cán bộ "lách luật" để đưa con vào trường nội trú như thế nào?

Theo Thông tư 01/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ, đối tượng tuyển sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú, bao gồm: Thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành. Dựa vào quy định trên, nhiều cán bộ, đảng viên, người có tri thức tại Mường Lát đã tìm cách "đẻ" thêm sổ hộ khẩu ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để hợp lý hoá cho con em mình được tuyển sinh vào trường nội trú huyện.

Theo tìm hiểu, ông Phạm Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tam Chung, huyện Mường Lát, hiện đang sinh sống với vợ, con tại nhà riêng ở khu 3, thị trấn Mường Lát. Từ ngày 16/4/2014, gia đình ông Kiên có hộ khẩu tại địa chỉ này. Nhưng đến ngày 14/2/2020, ông Kiên chuyển khẩu của ông và 3 người con đến thường trú tại bản Lát, xã Tam Chung thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, trong sổ hộ khẩu không ghi cụ thể địa chỉ nhà ở.

Đáng nói, từ khi làm hộ khẩu ở Tam Chung đến nay, ông Kiên và các con của ông vẫn định cư tại thị trấn. Nhưng đến tháng 5/2021, ông Kiên làm hồ sơ cho con trai mình là P.Đ.A. học tại Trường tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mường Lát, lấy hộ khẩu tại bản Lát để xét và trúng tuyển vào lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát.

Đối với trường hợp ông Lò Văn Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hóa Thông tin Thể thao và Du lịch huyện Mường Lát, theo thông tin từ UBND huyện: Qua kiểm tra trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, nhân khẩu L.M.Q. thuộc hộ gia đình ông Lò Văn Tuấn là chủ hộ, quan hệ với chủ hộ là bố - con. Tuy nhiên, trong hồ sơ hộ gia đình ông Lò Văn Muồn thuộc bản Pùng, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát lại có lưu sổ hộ khẩu bản photo cấp ngày 7/4/2014 thể hiện cháu L.M.Q. có đăng ký thường trú vào hộ ông Muồn trước đó, quan hệ với chủ hộ ông - cháu. Cháu Q. đã được xét tuyển theo chỉ tiêu của Trường tiểu học Quang Chiểu 2, năm học 2020-2021.

Ngoài ra, theo thông tin từ UBND huyện Mường Lát, có tình trạng học sinh có hộ khẩu một nơi nhưng lại định cư một nẻo. Có hai trường hợp là cháu T.G.B. con ông Tống Minh Tấn. Ông Tấn là em trai ông Tống Minh Tới, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và cháu N.Q.B.A., con ông Nguyễn Quốc Văn. Ông Văn là anh trai vợ ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, người đã từng ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 trường Trung học cơ sở - Dân tộc nội trú năm học 2021-2022 (một trong những năm xảy ra sai phạm trong việc tuyển sinh trái quy định tại trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát).

Như vậy, tương tự ông Kiên, ông Tuấn; nhiều lãnh đạo cấp phòng, cán bộ, giáo viên... trên địa bàn huyện Mường Lát đã làm thêm hộ khẩu cho con tại vùng đặc biệt khó khăn để cho con đủ điều kiện xét tuyển vào trường nội trú. Việc làm này đã khiến những cháu "khó khăn giả" làm mất đi cơ hội, chỉ tiêu của những con em vùng đồng bào ở vùng "khó khăn thật". 

Năm học 2023-2024, trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát có 238 học sinh, được hưởng học bổng của Nhà nước là 1.440.000 đồng/học sinh/tháng.

Ông Lê Đình Sang, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát lý giải: "Chúng tôi là những người thực thi tuyển sinh theo phương án của huyện. Nhà trường căn cứ hồ sơ của học sinh và tuyển sinh căn cứ theo hộ khẩu. Đối với trường hợp hai hộ khẩu thì chúng tôi cũng không thể biết được. Còn câu chuyện hộ khẩu đúng hay sai thì Nhà trường không biết, đó là việc của cơ quan làm hộ khẩu".

Giáo dục Mường Lát, sự thật cay đắng kéo lùi sự học - Ảnh 2.

Một trường phổ thông dân tộc nội trú tại Mường Lát, Thanh Hoá.

Bài 2: Huyện Mường Lát "đẻ" thêm quy định trong công tác tuyển sinh (nguồn: Bảo vệ pháp luật)

Mặc dù Thông tư 01/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 phổ thông dân tộc nội trú (Phổ thông dân tộc nội trú) Trung học cơ sở hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá đã quy định rõ về đối tượng tuyển sinh. Tuy nhiên, huyện Mường Lát vẫn cố tình "đẻ" thêm quy định riêng trong kế hoạch tuyển sinh là trái với Thông tư của Bộ và hướng dẫn của Sở khiến dư luận hoài nghi. 

"Vẽ rắn thêm chân" để hợp thức hoá sai phạm

Liên quan đến bài viết "Nhiều "góc khuất" trong ngành Giáo dục huyện biên giới Mường Lát", Báo Bảo vệ Pháp luật tiếp tục xác minh, làm rõ nhiều vấn đề. Theo đó, Thông tư 01/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc "Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú" cũng như Hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 6 Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở hàng năm của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá đã nêu rõ, đối tượng tuyển sinh bao gồm: Thanh niên, thiếu niên là người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú và định cư từ 3 năm trở lên (tính đến ngày tuyển sinh) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.

Thay vì thực hiện nghiêm túc theo quy định, thì trong Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 Trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú năm học 2021-2022 và năm học 2022-2023 của huyện Mường Lát đã "đẻ thêm" quy định về đối tượng tuyển sinh mà không theo quy định, hướng dẫn nào của cấp trên. Cụ thể, văn bản nêu rõ: "Trường hợp học sinh theo học ở trường tiểu học nhưng không có hộ khẩu thường trú; nếu đăng ký dự tuyển thì xếp vào danh sách dự tuyển của trường nơi học sinh có hộ khẩu thường trú để xét".

Đây cũng là mấu chốt khiến hàng loạt học sinh định cư một nơi mà hộ khẩu một nẻo có thể "lọt" vào danh sách trúng tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát mấy năm qua, dẫn đến sai phạm nghiêm trọng trong công tác tuyển sinh trên địa bàn, làm thất thoát ngân sách nhà nước. Các lãnh đạo cấp phòng, Hiệu trưởng, giáo viên, những người có tri thức...đã nắm được "luật riêng" này của huyện và tìm mọi cách "lách" để con em mình, mặc dù đang học và định cư ở thị trấn nhưng vẫn có khẩu ở Pù Nhi, Quang Chiểu để có thể "rộng cửa" vào được trường nội trú như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh.

Lãnh đạo huyện Mường Lát bất nhất trong quan điểm

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, có nhiều gia đình mặc dù đã chuyển ra thị trấn định cư nhiều năm nay nhưng hộ khẩu vẫn ở Pù Nhi, Quang Chiểu. Khi làm hồ sơ xét tuyển vào Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát, phụ huynh đã sử dụng hộ khẩu ở 2 xã này, khiến nhiều em học sinh sở tại mất chỉ tiêu. Đáng chú ý là trường hợp cháu T.G.B., con ông Tống Minh Tấn (ông Tấn là em trai ông Tống Minh Tới, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát). Ông Tấn là giáo viên Trường tiểu học Pù Nhi; hộ khẩu thường trú bản Na Tao, xã Pù Nhi, song lại định cư tại khu 3, thị trấn Mường Lát. Cháu B. học và tốt nghiệp tại Trường tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mường Lát nhưng lại xét tuyển theo chỉ tiêu của Trường tiểu học Pù Nhi năm học 2022-2023.

Đối với trường hợp này, ông Tống Minh Tới, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết: "T.G.B. là con nhà em trai tôi. Gia đình em trai có hộ khẩu tại xã Pù Nhi từ lâu rồi. Bố cháu B. vẫn dạy ở Pù Nhi và đi về theo buổi, còn mẹ cháu ra thị trấn Mường Lát. Vì vậy, cháu B. cũng theo mẹ ra thị trấn học và định cư ở đây. Căn cứ vào hộ khẩu thường trú Pù Nhi thì cháu B. được tuyển sinh vào trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát là đúng".

Ngày 13/6/2024, khi phóng viên hỏi ông Tới về việc ngày 10/6/2024, UBND huyện đã có báo cáo xác minh về những trường hợp tuyển sinh sai vào trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát, đặc biệt trong đó có trường hợp người thân của ông là cháu T.G.B., ông đã nắm được việc này chưa?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Tới cho biết: "Tôi chưa xem báo cáo này nên không rõ. Việc tuyển sinh sai, ai trực tiếp tuyển sinh thì người đó chịu trách nhiệm."

Đối với câu chuyện huyện Mường Lát cố tình "đẻ thêm" quy định riêng trong Kế hoạch tuyển sinh, trái với Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như hướng dẫn của Sở; thì ông Tới cho rằng: "Về kế hoạch tuyển sinh thì năm nào Phòng Giáo dục cũng lên phương án, tham mưu cho UBND huyện phê duyệt, huyện cũng duyệt danh sách trúng tuyển và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá."

Liên quan vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát đưa ra quan điểm: "Việc đưa quy định riêng vào Kế hoạch tuyển sinh như vậy là không đúng với Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Hướng dẫn của Sở. Việc đưa thêm nội dung trái quy định này là do UBND huyện thực hiện. Theo Quy chế, việc này UBND huyện cũng không cần phải báo cáo Huyện uỷ. Bây giờ ai ký thì người đó chịu trách nhiệm, cùng với đó, đơn vị tham mưu là Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện."

Ngược lại quan điểm của Bí thư Huyện uỷ Mường Lát, ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, người đã từng ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch và chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 6 trường Trung học cơ sở Dân tộc nội trú năm học 2021-2022 (một trong những năm xảy ra sai phạm trong công tác tuyển sinh tại trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát) lại cho rằng: Thực tế tại huyện miền núi Mường Lát có nhiều học sinh có hộ khẩu ở địa phương này nhưng lại sống và học tập ở địa phương khác. 

Để thống nhất trên địa bàn toàn huyện, thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng như Hội đồng tuyển sinh đã thống nhất việc xét tuyển vào trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát là căn cứ theo hộ khẩu. Học sinh có hộ khẩu ở đâu thì được xét chỉ tiêu ở đó. Phương án này cũng công khai chứ không phải làm cho riêng ai. Còn khi cá nhân ai cố tình làm 2 hộ khẩu, nhưng chỉ nộp 1 hộ khẩu đúng quy định để làm hồ sơ xét tuyển cho con em mình, lợi dụng chính sách thì phải chịu trách nhiệm.

Ông Giang cho biết thêm: "Những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá cũng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác chuyên môn nhưng cũng không thấy Sở nhắc nhở vấn đề này...Nếu năm nay, tiếp tục được giao lên Kế hoạch tuyển sinh thì chúng tôi vẫn thực hiện phương án như cũ; đồng thời, sẽ xin ý kiến của Sở về phương án xét tuyển những trường hợp hộ khẩu nơi này nhưng học tập và sinh sống ở nơi khác."

Như vậy, việc xét tuyển theo hộ khẩu mà không căn cứ vào thời gian định cư theo quy định, dẫn đến nhiều trường hợp tuyển sinh sai, rõ ràng đã lấy đi nhiều chỉ tiêu, cơ hội vào trường nội trú của con em đồng bào vùng khó khăn. Để giải quyết hậu quả này, theo ông Giang thì "đây là chuyện của người lớn". Đối với các em học sinh, ông lo ngại nếu để các em biết sẽ bị tổn thương trước áp lực của xã hội, bạn bè, bởi các cháu là những học sinh thì vô tội.

"Nếu tôi được quyết định thì những trường hợp tuyển sinh sai vẫn cho các cháu học hết thời gian tại trường, chứ không chuyển đi trường khác, ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh. Đối với kinh phí thì phụ huynh phải tự đóng góp, riêng phần đã được nhận chế độ không đúng đối tượng thời gian qua thì phải nộp lại cho ngân sách nhà nước.", ông Giang nói.

Bài 3: Cần làm rõ dấu hiệu sai phạm của nhiều Hiệu trưởng (nguồn: Bảo vệ pháp luật)

Dấu hiệu trục lợi ngân sách nhà nước

Ông Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tén Tằn đã bị giáo viên và phụ huynh Nhà trường tố cáo với nhiều nội dung. Trong đó, có sự việc: Năm học 2023-2024 Trường Tiểu học Tén Tằn, có 13 tiết thừa giờ/tuần đối với môn Thể dục; Ông Phạm Đăng Dung đã bố trí xếp thời khoá biểu cho bản thân ông dạy 2 tiết và ông Trương Công Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tén Tằn dạy 4 tiết để đưa vào danh sách số tiết thừa giờ nhằm lấy tiền thừa giờ. Trong khi Trường Tiểu học Tén Tằn đã có 2 giáo viên dạy môn Thể dục, bản thân ông Dung và ông Hiền lại không được đào tạo dạy môn Thể dục Tiểu học nhưng vẫn bố trí dạy môn học này là vi phạm quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với vấn đề này, ông Dung cũng thừa nhận, ngày 19/8/2023 Trường Tiểu học Tén Tằn đã họp để phân công giáo viên giảng dạy năm học 2023-2024. Sau đó, Hiệu trưởng đã ban hành Quyết định số 20 ngày 19/8/2023, trong đó, phân công Hiệu trưởng Phạm Đăng Dung dạy môn thể dục 2 tiết/tuần và Phó hiệu trưởng Trương Công Hiền dạy môn thể dục 4 tiết/tuần tại khu chính.

Ngoài ra, người dân còn tố cáo ông Dung về việc, ông đã hợp đồng lao động với thầy Hơ Chứ Pó (giáo viên môn Tin học, Trường Tiểu học Quang Chiểu 2) để dạy môn tin học năm học 2022-2023 cho học sinh Trường Tiểu học Tén Tằn, nhưng thực tế, thầy Pó chỉ dạy hai tuần. Mặc dù vậy, ông Dung vẫn lập khống Kế hoạch giảng dạy từ tháng 1 đến tháng 5/2023 với tổng số tiền là hơn 18,1 triệu đồng, song chỉ trả cho thầy Pó 2,5 triệu đồng. Sau khi có phản ánh thì ông Dung mới chỉ đạo Kế toán nhà trường xuống Kho bạc nhà nước huyện nộp số tiền 13,59 triệu đồng.

Về việc này, ông Phạm Đăng Dung lý giải: Năm học 2022-2023, nhà trường dự kiến hợp đồng giáo viên môn tin học, kỳ II từ tháng 2 đến tháng 5/2023. Do không bố trí được giáo viên môn học này, nên đến tháng 5/2023 nhà trường mới thỏa thuận được với thầy Hơ Chứ Pó hợp đồng dạy học tại Trường Tiểu học Tén Tằn từ 3/5 đến 28/5/2023. Tuy nhiên, do vào cuối năm học nên thầy Pó đã dạy dồn các tiết học trong 2 tuần. Vì vậy, nhà trường đã thỏa thuận với thầy Pó số tiền công giảng dạy là 2,5 triệu đồng và 100.000 đồng tiền phô tô giáo án, tài liệu. Số tiền còn lại mà nhà trường đã rút tạm ứng là hơn 15,52 triệu đồng thì nhà trường đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Ông Hà Văn Ca, Bí thư Huyện ủy Mường Lát khẳng định: Ông Phạm Đăng Dung, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tén Tằn thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý, hiện Huyện uỷ đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý. Mặc dù ông Dung đã nộp tiền vào kho bạc. Tuy nhiên, việc khắc phục vi phạm chỉ là tình tiết giảm nhẹ còn làm sai thì vẫn phải chịu, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Gian lận trong việc làm hộ khẩu

Cũng trong đơn gửi tới Báo Bảo vệ pháp luật, nhiều phụ huynh học sinh, người dân bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hoá) bức xúc: Chúng tôi tố cáo về hành vi gian lận làm hộ khẩu sai quy định để đưa con vào học trường Phổ Thông Dân tộc nội trú (Phổ thông dân tộc nội trú) Trung học cơ sở Mường Lát; lợi dụng chức vụ để trục lợi chế độ chính sách của Nhà nước đối với gia đình ông Phạm Văn Kiên, Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tam Chung, vợ là bà Tào Thị Xuân, Phó Hiệu trưởng trường TH&Trung học cơ sở thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá. Gia đình ông Kiên có hộ khẩu và nhà ở tại khu 3 thị trấn Mường Lát, nhưng có hành vi gian lận làm thêm hộ khẩu tại bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát để đưa con trai là P.Đ.A. vào trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát nhằm trục lợi chính sách.

Phụ huynh học sinh trường Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tam Chung phàn nàn: "Chẳng lẽ một gia đình lại hai hộ khẩu, mỗi hộ khẩu mỗi nơi, trong khi vợ chồng ông Kiên và bà Xuân không ly hôn ngày nào. Nhưng cố tình làm thêm hộ khẩu ở xã Tam Chung để cho con vào học Nội trú nhằm trục lợi chính sách của nhà nước, lấy mất đi chỉ tiêu của các em học sinh của trường Tiểu học Tam Chung. Lẽ ra cháu P.Đ.A. là học sinh trường Tiểu học thị trấn thì phải làm hồ sơ lấy chỉ tiêu ở đó; sao lại lấy chỉ tiêu của xã Tam Chung làm mất chỉ tiêu của con em chúng tôi."

Cháu P.Đ.A. cũng nằm trong danh sách tuyển sinh trái quy định tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát mà UBND huyện này đã xác minh và công khai. Do tuyển sinh sai quy định nên nhà trường đã chi trả tiền trang cấp ban đầu, tiền học bổng cho số học sinh này với mỗi tháng là 1.192.000 đồng/1 học sinh. Từ ngày 1/7/2023, mỗi em học sinh hưởng mỗi tháng là 1.440.000 đồng/ 1 học sinh. Những em học sinh này được hưởng lợi từ chế độ của học sinh trường chuyên biệt theo Thông tư 01/2016/TT-BGDĐT từ năm học 2020-2021 sai quy định.

Ví dụ, đối với trường hợp hiện là học sinh lớp 9 Trường Dân tộc Nội trú huyện Mường Lát, tính đến hết năm học 2023-2024 thì mỗi cháu hưởng sai quy định là gần 60 triệu đồng. Những cháu đang học lớp 8 như cháu P.Đ.A. (con Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tam Chung) nếu tính đến hết năm học 2023-2024 thì hưởng sai quy định số tiền là hơn 40 triệu đồng...

Hạn chế trong công tác quản lý

Ngoài "lùm xùm" về sai phạm trong công tác tuyển sinh xảy ra tại trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát gây bức xúc trong dư luận thì nhiều năm gần đây, nhà trường để xảy ra tình trạng hàng trăm lượt học sinh không ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá của trường, mà lấy tiền học bổng và ăn ở tại nhà với gia đình. Đặc biệt, hầu hết những trường hợp tuyển sinh sai là con cháu của cán bộ và đều nằm trong danh sách không ăn ở ký túc xá. Trong khi nhiều em học sinh ở vùng xa xôi, gia đình có điều kiện kinh tế còn hạn chế lại ao ước được vào ăn ở, học tập nội trú của nhà trường để tiện cho học tập thì không có cơ hội.

Theo đó, trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát hiện có 238 học sinh, nhưng tháng 2/2024 trở về trước (trong năm học 2023-2024) chỉ có 188 học sinh ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá của trường; còn 50 học sinh không ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá của trường, mà lấy tiền học bổng và ăn ở tại nhà với gia đình. Ông Lê Đình Sang, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Mường Lát xác nhận: Do nguyện vọng của một số phụ huynh và học sinh có nhà gần trường. Phụ huynh đã làm đơn xin không ở nội trú và cam kết thực hiện các quy định của nhà trường. Vì vậy, từ đầu năm học 2023-2324 đến tháng 2/2024, có 50 học sinh không ở nội trú tại trường mà chỉ nhận học bổng và về ăn ở tại gia đình.

Trước đó, năm học 2021-2022 ngôi trường này cũng để cho 53 học sinh ở ngoại trú, năm học 2022-2023 có 55 học sinh ở ngoại trú. Từ tháng 2/2024, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Mường Lát, trường Phổ thông dân tộc nội trú đã đưa các em học sinh ở ngoại trú vào trong khu nội trú thuộc phòng ký túc xá của nhà trường.

Theo quy định tại Thông tư 01 năm 2016 và Thông tư 04 năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế tổ chức, hoạt động của trường Phổ thông dân tộc nội trú, nêu rõ: "Nhiệm vụ của trường phổ thông dân tộc nội trú là tuyển sinh đúng đối tượng và chỉ tiêu được giao hằng năm. Giáo dục lao động, hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống phù hợp với năng lực của học sinh và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổ chức công tác nội trú cho học sinh, bảo đảm 100% học sinh của nhà trường được ăn, ở nội trú".

Như vậy, hàng trăm lượt học sinh không ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá của trường, mà lấy tiền học bổng và ăn ở tại nhà với gia đình, đã vi phạm quy chế hoạt động của trường Phổ thông dân tộc nội trú. Điều này cũng thể hiện năng lực quản lý còn hạn chế của người đứng đầu mà cụ thể là Hiệu trưởng nhà trường.

Ngoài ra, theo phản ánh của phụ huynh, cũng tại ngôi trường này nguồn nước sử dụng cho học sinh của nhà trường không đảm bảo; khu vực tắm không phân chia nam - nữ, nước dẫn vào khu vực phòng tắm còn hạn chế khiến học sinh gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Về vấn đề này, ông Lê Đình Sang cho biết: Sau khi có phản ánh về những bất cập tại khu vực tắm, nhà trường đã cho lắp biển quy định phòng tắm nam, phòng tắm nữ; đồng thời dẫn nước vào các phòng tắm để học sinh thuận tiện hơn trong quá trình sử dụng.

Đề nghị cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Thanh Hóa vào cuộc thanh tra, kiểm tra nghiêm túc những sai phạm, vi phạm liên quan đến các Hiệu trưởng nói trên để có câu trả lời thoả đáng cho dân, cho cử tri; Đồng thời, để các cơ quan, đơn vị khác lấy đó làm bài học, rút kinh nghiệm trong quá trình công tác, điều hành; đặc biệt là, việc thực hiện nghiêm túc chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn.

Nhiều "góc khuất" trong ngành Giáo dục huyện biên giới Mường Lát 

Huyện "đẻ" thêm quy định trong công tác tuyển sinh

Cần làm rõ dấu hiệu sai phạm của nhiều Hiệu trưởng

Sau phản ánh của Báo Bảo vệ pháp luật: Phó Chủ tịch huyện Mường Lát và nhiều cán bộ bị kỷ luật

Nguồn: Báo Bảo vệ pháp luật
Bình luận của bạn

Bình luận