Nhân loại có ngăn chặn được thông tin bịa đặt dối trá lan truyền?
Không phải thế giới ngày nay mới có tin tức bịa đặt gây hại cho người khác lan truyền trên mạng xã hội. Nhân loại đã “ăn” tin tức bịa đặt từ hàng ngàn năm nay, liên tu bất tận trên sách báo...
Thế giới "bão" thông tin, con người bất lực?
Thế giới ngày nay có nhiều tin tức bịa đặt giống như những con "bão" gây hại cho con người. Những người công chính cũng đã tìm mọi cách đối phó với sự bịa đặt này để bảo vệ người lương thiện.
Nhưng như đại văn hào Mark Twain đã than, "Sự dối trá đi nửa vòng trái đất thì sự thật mới xỏ chân vào giày".
Tư Mã Thiên nói Tần Thủy Hoàng Doanh Chính là con của Lã Bất Vi. Chẳng có bằng chứng nào cả, Triệu Cơ trước đó dù là gì của Lã Bất Vi thì cái thai Doanh Chính cũng nằm trọn trong thời kỳ hôn nhân của bà với Doanh Dị Nhân (Tần Trang Tương vương). Bịa ra chuyện Doanh Chính là con Lã Bất Vi là câu chuyện tuyên truyền nói xấu mẹ con Doanh Chính nằm trong bài hịch phạt Tần được Tư Mã Thiên bê vào chính sử.
Sử sách Trung Hoa còn nói Triệu Cơ, sau này là Võ Tắc Thiên "dâm loạn" với sự mô tả kỳ dị. Sử gia nào nhòm được vào phòng ngủ của hoàng triều để biết chuyện đó?
Dân tộc Đức từng ngưỡng mộ Hitler và đưa ông ta thành quốc trưởng, là do tin vào sự tuyên truyền dối trá. Trùm của sự dối trá này là Joseph Goebbels với thủ pháp lặp đi lặp lại sự dối trá cho đến khi công chúng tin sự dối trá là sự thật.
Sự dối trá thống trị?
Ngày nay với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin trên internet, những người tuyên truyền sự dối trá trên toàn thế giới đã áp dụng triệt để thủ đoạn của Goebbels khiến cho sự thật "xỏ chân vào giày" thì sự dối trá không chỉ đi nửa vòng mà đã đi mấy vòng trái đất.
Sự phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) càng khiến cho sự dối trá thống trị thế giới.
Cách lâu dài để loại bỏ sự bịa đặt dối trá là chúng ta dạy cho con em chúng ta biết cách kiểm chứng thông tin khi tiếp cận sách báo và mạng xã hội. Chúng phải có thói quen chỉ nghĩ một người là xấu khi có bằng chứng người đó là xấu. Nhưng chúng ta một mặt thì bảo một người chỉ coi là có tội khi tòa án có đủ nhân chứng vật chứng để kết tội bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng trong thực tế thì chỉ mới "nghe người ta nói" liền om sòm chửi bới người nọ người kia. Thành thử cái cách lâu dài kia không khả thi.
Nhưng về công nghệ, nhân loại không bó tay chịu trói. Sứ mệnh bảo vệ sự thật được trao cho một công nghệ mới, công nghệ Blockchain và Web3.
Hệ thống Web2 đã phát triển lên đỉnh cao, để ra các Big tech. Các Big tech quản lý một hệ thống dữ liệu đồ sộ (Big data) và sử dụng chúng để làm mưa làm gió trên hành tinh, ngày nay kết hợp với AI, chúng có khả năng phát tán sự dối trá đến vô cùng tận và chặn mọi sự thật làm tổn hại đến lợi ích bất minh của chúng.
Với công nghệ Blockchain và web3, dữ liệu được phân tán khắp nơi, sẽ không còn nằm trong tay các Big tech nữa. Dữ liệu phân tán này trên hệ thống Blockchain có những đặc điểm :
- Truy tận nguồn các tin tức để loại bỏ (từng bước) các tin tức dối trá. Bởi vì một thông tin đưa vào hệ thống web3 sẽ được AI của web3 kiểm chứng. AI của web3 được huấn luyện trên dữ liệu phân tán và trung thực của web3.
- Người dùng web3 đều phải xác minh danh tính, tất cả các dữ liệu là sản phẩm sáng tạo của họ đều tự động có bản quyền. Họ phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế, luật pháp quốc gia và không ai, không thế lực nào cướp đoạt hoặc "dùng chùa" sản phẩm trí tuệ của họ.
- Người đưa thông tin lên web3 cũng như người chia sẻ những thông tin này đều phải trả giá bằng tài sản của họ. Bằng một khoản phí (coin) phải trả cho hệ thống, nếu sự dối trá lặp đi lặp lại thì tài khoản của họ sẽ bị hủy bỏ, đồng nghĩa với coin trong ví cũng tiêu luôn.
Tương lai tươi đẹp đó đang dần dần hiện hữu, trước hết là trên hệ sinh thái của Pi Network. Những ai đã có tài khoản Pi, thử vào mạng xã hội Fireside của nó coi. Muốn post lên một bài, bạn phải mất một khoản tiền, nếu bài hay thì sẽ được cộng đồng thưởng, không phải bằng like bằng thả tim suông mà kèm theo đó là tiền.
Nếu bạn lập profile để kết bạn, muốn nhắn tin cho ai, bạn phải thế chấp bằng tiền, nếu người đó nhận tin thì bạn chỉ mất một chút phí, nếu không nhận tin thì bạn sẽ mất trắng tiền đặt cọc. Một hệ thống như vậy thì không thể lan truyền sự dối trá vô trách nhiệm được.
Mùa xuân đó đang đến rất gần, hãy tin tôi đi!
Bài viết của tác giả Hoàng Hải Vân (nguyên Tổng Thư ký Toà soạn Báo Thanh Niên)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google