Giải Nobel Hóa học 2023 vinh danh 3 nhà khoa học khám phá, phát triển chấm lượng tử

Hồng Ngọc
17:34 - 04/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giải Nobel Hóa học 2023 được trao cho 3 nhà khoa học Moungi G. Bawendi, Louis E. Brus và Alexei I. Ekimov với nỗ lực khám phá và tổng hợp các chấm lượng tử.

Giải Nobel Hóa học 2023 vinh danh 3 nhà khoa học khám phá, phát triển chấm lượng tử - Ảnh 1.

Giải Nobel Hóa học 2023 vinh danh 3 nhà khoa học Moungi G. Bawendi, Louis E. Brus và Alexei I. Ekimov. Ảnh: Nobelprize

Chấm lượng tử - bước đột phá của công nghệ nano

Ngày 4/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố Giải Nobel Hóa học 2023 cho nỗ lực phát hiện và phát triển các chấm lượng tử của 3 nhà khoa học: Giáo sư, Tiến sĩ Moungi Bawendi (Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ), Giáo sư, Tiến sĩ Louis Brus (Đại học Columbia, Mỹ) và Tiến sĩ Alexei Ekimov (nhà nghiên cứu tại Công ty Nanocrystals Technology, Mỹ).

Chấm lượng tử là các hạt nano nhỏ đến mức kích thước quyết định tính chất của chúng. Chúng có những đặc tính độc đáo và hiện đang lan truyền ánh sáng từ màn hình tivi và đèn LED. Chúng xúc tác các phản ứng hóa học và ánh sáng rõ ràng của chúng có thể chiếu sáng mô khối u cho bác sĩ phẫu thuật. Các nhà hóa sinh cũng như bác sĩ có thể sử dụng chúng để lập bản đồ mô sinh học.

Giải Nobel Hóa học 2023 vinh danh 3 nhà khoa học khám phá, phát triển chấm lượng tử - Ảnh 2.

Các chấm lượng tử có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào kích thước của chúng. Ảnh: Johan Jarnestad/Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Trong các nghiên cứu độc lập, Tiến sĩ Ekimov và Giáo sư, Tiến sĩ Brus đã thành công trong việc tạo ra các chấm lượng tử, trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Bawendi đã cách mạng hóa quy trình tổng hợp, sản xuất hóa học các chấm lượng tử, tạo ra các hạt gần như hoàn hảo.

Các nhà nghiên cứu hóa học đều biết rằng tính chất của một nguyên tố bị chi phối bởi số lượng electron mà nó có. Tuy nhiên, khi vật chất co lại đến kích thước nano thì hiện tượng lượng tử sẽ phát sinh. 3 nhà khoa học đạt giải Nobel Hóa học 2023 đã thành công trong việc tạo ra những hạt nhỏ đến mức tính chất của chúng được xác định bởi hiện tượng lượng tử. Các hạt này chính là chấm lượng tử, hiện có tầm quan trọng lớn trong công nghệ nano.

"Chấm lượng tử có nhiều đặc tính hấp dẫn và khác thường. Đặc biệt, chúng có màu sắc khác nhau tùy thuộc vào kích thước của chúng", Chủ tịch Ủy ban Nobel Hóa học Johan Åqvist cho biết.

Chấm lượng tử đang mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại. Các nhà nghiên cứu tin rằng trong tương lai, chúng có thể góp phần tạo ra các thiết bị điện tử linh hoạt, cảm biến cực nhỏ, pin mặt trời mỏng hơn và mạng truyền thông lượng tử được mã hóa. Và 3 nhà khoa học được vinh danh tại giải Nobel Hóa học 2023 đã mở đường khám phá tiềm năng của những hạt nhỏ bé này.

Nobel Hóa học năm 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi (Mỹ), Morten Meldal (Đan Mạch) và K. Barry Sharpless (Mỹ) cho sự phát triển của nghiên cứu phản ứng hóa học click và phản ứng hóa học sinh trực giao sử dụng trong các cơ thể sống.

Kể từ năm 1901 đến nay, đã có 114 giải Nobel Hóa học đã được trao, trong đó có 8 nhà khoa học nữ được vinh danh: Marie Curie (1911, bà cũng nhận giải Nobel Vật lý năm 1903), Irène Joliot-Curie (1935, con gái của Marie Curie), Dorothy Crowfoot Hodgkin (1964), Ada Yonath (2009), Frances H. Arnold (2018), Emmanuelle Charpentier (2020), Jennifer A. Doudna (2020), Carolyn R. Bertozzi (2022).

2 nhà khoa học từng đã 2 lần nhận giải Nobel Hóa học là Frederick Sanger và Barry Sharpless.

Người trẻ nhất nhận giải Nobel Hóa học là Frédéric Joliot, ông được trao giải hóa học năm 1935 khi mới 35 tuổi, cùng với vợ ông là Irène Joliot-Curie.

Người lớn tuổi nhất nhận giải Nobel Hóa học cho đến nay là John B. Goodenough, vào năm 2019 khi ông đã 97 tuổi. Ông cũng là người lớn tuổi nhất được trao giải ở tất cả các hạng mục của Nobel.

Nguồn: Nobelprize
Bình luận của bạn

Bình luận