Giải Nobel Hòa bình năm 2022 thuộc về hai tổ chức ở Nga, Ukraine và một cá nhân Belarus

19:20 - 07/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 7/10 theo giờ Na Uy (chiều 7/10 giờ Việt Nam), Ủy ban Giải Nobel Na Uy tuyên bố Giải Nobel Hòa bình năm 2022 đã thuộc về hai tổ chức ở Nga và UKraine, cùng một cá nhân người Belarus.

Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Berit Reiss-Andersen thông báo Ủy ban Nobel Na Uy quyết định trao chung Giải Nobel Hòa bình 2022 cho ông Ales Bialiatski (người Belarus), Tổ chức nhân quyền "Memorial" của Nga và Tổ chức nhân quyền "Trung tâm vì tự do dân sự" của Ukraine.

Nobel Hòa bình 2022 là giải thứ 5 được công bố trong mùa giải Nobel năm nay, sau các giải Nobel Y sinh, Hóa học, Vật lý và Văn học. Nobel Hòa bình là giải duy nhất được trao tại Na Uy.

Giải Nobel Hòa bình được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1901 và cho tới nay đã có tổng cộng 102 giải được trao. Có 25 tổ chức và 18 phụ nữ là chủ nhân của Giải Nobel Hòa bình.

Năm 2021, Ủy ban Giải Nobel Na Uy đã trao Giải Nobel Hòa bình cho hai nhà báo điều tra Maria Ressa (người Mỹ gốc Philippines và Dmitry Muratov (người Nga) vì những hoạt động liên quan tới tự do báo chí.

Bà Maria Angelita Ressa, sinh năm 1963, là một nhà báo nổi tiếng gốc Philippines, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành của tờ Rappler. Trong khi Dmitry Muratov là chủ bút của tờ báo tiếng Nga Novaya Gazeta, vốn nổi tiếng với những bài báo chống tham những và bảo vệ nhân quyền.

Giải Nobel là một giải thưởng quốc tế trao thường niên kể từ năm 1901 để vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực Vật lý, Y sinh, Hóa học, Văn học và Hòa bình; riêng giải Nobel Hoà bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà bác học Alfred Nobel - "cha đẻ" giải Nobel.

Mùa giải Nobel 2022 sẽ khép lại với lễ công bố Nobel Kinh tế vào ngày 10/10 tới.

Ủy ban Nobel Na Uy, một hội đồng gồm 5 thành viên do quốc hội Na Uy chỉ định, chịu trách nhiệm chọn ra cá nhân/tổ chức để trao giải Nobel Hòa bình từ các đề cử. Theo Hãng tin Reuters, danh sách năm nay gồm 343 đề cử, nhưng danh sách này sẽ được giữ bí mật trong vòng 50 năm.

Alfred Nobel nêu trong Di chúc rằng, giải này nên thuộc về "người làm nhiều nhất hoặc tốt nhất để vun đắp tình hữu nghị giữa các quốc gia, để xóa bỏ hoặc cắt giảm quân đội thường trực, cũng như để tổ chức và thúc đẩy các tiến trình hòa bình".

Theo trang Vox, giải Nobel Hòa bình có lẽ là giải thưởng gây tranh cãi nhất trong các giải Nobel, một phần là vì giải thưởng này có liên hệ mật thiết với chính trị. Một số chính trị gia giành được giải thưởng vì hành động thúc đẩy hòa bình, nhưng sau đó lại can dự vào xung đột (hoặc từng can dự trước đó), gây ra sự phản đối.

Nguồn: TTXVN, Nobelprize.org