Giải “bài toán” bạo lực học đường
Vấn nạn bạo lực học đường có thể coi là khoảng trống đáng buồn trong văn hóa ứng xử ở môi trường sư phạm vốn vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện. Dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, song những hệ lụy nó đem tới khiến xã hội phải băn khoăn, trăn trở.
Vấn nạn bạo lực học đường vẫn còn nhức nhối
Thời gian gần đây, vấn nạn bạo lực học đường lại bắt đầu “nóng” lên sau nhiều vụ việc học sinh đánh nhau gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử, khi năm học mới bắt đầu chưa bao lâu, hai học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Tây Sơn (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) bị đánh hội đồng phải nhập viện cấp cứu.
Trước đó, một nữ sinh Trường Trung học cơ sở Chu Văn An (thành phố Huế, Thừa Thiên - Huế) cũng bị một nhóm học sinh đánh một cách tàn nhẫn sau khi đến trường tập các nghi thức chuẩn bị cho Lễ Khai giảng năm học mới. Trong khi nữ sinh này bị đánh thì có 4 bạn học sinh đứng xem. Đồng thời, có một người trong nhóm đã quay lại clip. Qua đoạn clip cho thấy, nữ sinh này liên tục bị một nữ sinh trong trang phục quần xanh áo trắng dùng tay đánh đập, dùng chân đạp mạnh vào người. Chưa dừng lại ở đó, nữ sinh này còn bị túm tóc, giật và kéo lê xung quanh khu vực đất trống…
Hay như tại Hà Tĩnh, một học sinh lớp 8, Trường Trung học cơ sở Phan Huy Chú (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị nhóm bạn cùng trường xé áo, đánh đập giữa đường, mặc cho nữ sinh này liên tiếp van xin. Những sự việc liên tiếp xảy ra đã khiến dư luận bức xúc, phụ huynh lo lắng. Vấn đề quản lý, giáo dục học sinh trong và ngoài nhà trường một lần nữa lại được xới xáo.
Theo chị Nguyễn Thị Hoa (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội), những vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây cho thấy tính chất rất nghiêm trọng, đáng báo động. Đặc biệt, ở một số vụ việc, các em không những không can ngăn, mà còn vô tư quay và phát tán clip bạo lực lên mạng Internet. Điều này cho thấy sự lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của học sinh hiện nay, cần được giáo dục, chấn chỉnh kịp thời.
“Với vai trò là một phụ huynh, tôi nhận thấy các bên liên quan và xã hội cần nhanh chóng vào cuộc, có những giải pháp thiết thực, hiệu quả để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường học tập, vui chơi lành mạnh để đáp ứng sự phát triển về thể chất và tinh thần cho học sinh”, anh Phạm Tiến Nhiệm (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ.
Luật sư Đào Văn Tài (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), có thể thấy, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các văn bản chỉ đạo phòng chống bạo lực học đường của ngành Giáo dục nói riêng đã chặt chẽ và kịp thời, tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc đảm bảo an ninh trường học. Tuy nhiên, thời gian qua, có một số hiện tượng cá biệt bạo lực xảy ra trong và ngoài trường học, gây tâm lý bức xúc trong dư luận xã hội.
Bạo lực học đường - trách nhiệm không của riêng ai
Đi tìm nguyên nhân của bạo lực học đường, luật sư Đào Văn Tài cho rằng có khá nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến 4 nguyên nhân chính.
“Thứ nhất là do gia đình, nhà trường và xã hội chưa thực sự truyền tải những nhận thức đúng về giá trị của văn hóa ứng xử giữa người với người; chưa chú trọng đến kỹ năng sống, đạo đức của học sinh, sinh viên.
Thứ hai là do sự chuyển biến tâm lý từ chính bản thân các em, đặc biệt là trong độ tuổi từ 12-17, trong độ tuổi này các em có sự biến đổi tâm lý, muốn khẳng định cái tôi của bản thân. Mặt khác, khả năng kiềm chế của các em trong độ tuổi này khá kém.
Thứ ba là do môi trường sống của các em thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, có nhiều đối tượng bỏ học, lang thang chơi bời, nhiều tệ nạn xã hội, tỷ lệ phạm tội cao…
Thứ tư là do nhà trường chưa có trách nhiệm và biện pháp xử lý triệt để vấn nạn bạo lực học đường”, luật sư Đào Văn Tài chia sẻ.
Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam) cho rằng, cần có những giải pháp mang tính tổng thể. Trước nhất, giáo dục trong gia đình và giáo dục nhà trường, xã hội cần gắn chặt với nhau, giáo dục cho học sinh có ý thức, phát triển nhân cách hài hòa, có giá trị sống, biết yêu thương, tôn trọng, khoan dung.
Bản thân gia đình, nhà trường, xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này. Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ; hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác.
Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh; quan tâm tới từng học sinh (đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt) và chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh; tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích… Cùng đó, các nhà trường cần xây dựng nội quy chặt chẽ, phù hợp. Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình… Chỉ khi đồng bộ như vậy, tình trạng bạo lực trong học đường mới được đẩy lùi, từ đó góp phần xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh.
Rõ ràng, “chân kiềng” giáo dục là gia đình - nhà trường - xã hội luôn là nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Và công tác xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và có văn hóa, ngoài việc xây dựng các quy tắc rõ ràng, đo đếm được và khả thi thì cần có chế tài, trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp quản lý, của nhà giáo, học sinh trong việc thực thi và giám sát.
Phụ huynh học sinh cũng cần cộng đồng trách nhiệm, nghiêm túc tham gia việc thực thi và giám sát để việc xây dựng trường học văn hóa trở thành nhu cầu của chính mỗi đơn vị. Đây cũng chính là giải pháp tích cực để chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trong môi trường học đường hiện nay.
Thời gian qua, công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em, học sinh luôn được Đảng, Nhà nước chỉ đạo sát sao. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn coi công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính trị, cốt lõi của ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ về giáo dục và đào tạo; trong đó công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường được đặt lên hàng đầu.
Ở mỗi cơ sở giáo dục, công tác phòng chống bạo lực học đường được lồng ghép với việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giải quyết mâu thuẫn; từ đó tạo ra sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng trong và ngoài nhà trường, tạo nên hiệu quả thực sự của các hoạt động phòng chống bạo lực học đường.
Thông qua việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của các cấp đã nâng cao năng lực nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh về công tác phòng chống bạo lực học đường và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Học sinh và gia đình học sinh an tâm hơn khi môi trường giáo dục ở trong và ngoài nhà trường được đảm bảo an toàn, lành mạnh và thân thiện hơn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google