Không hiểu hết về bạo lực học đường, cha mẹ khiến con thêm tổn thương

Trà Li
21:38 - 01/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều bậc cha mẹ hiện không hiểu rõ bạo lực học đường là gì, dẫn đến hướng dẫn con xử lý tình huống sai khi bị bắt nạt ở trường, và gây ra tổn thương sâu sắc hơn cho trẻ.

Cô gái nhỏ không còn cười sau khi bị bắt nạt

Chị Xiaoyu có một cô con gái tên Niuniu với nụ cười rất ngọt ngào và chân thành. Nhưng kể từ sau khi bị bắt nạt ở trường, cô bé đã không còn cười như trước nữa. Niuniu bị các bạn cùng lớp cười nhạo vì cho rằng ngoại hình của cô bé không được ưa nhìn, đặc biệt là khi cười.

Không hiểu hết về bạo lực học đường, cha mẹ khiến con thêm tổn thương - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong một lần xảy ra xích mích nhỏ với một người bạn cùng lớp, Niuniu đã chủ động xin lỗi và nở nụ cười ngọt ngào như thường ngày, nhưng bạn học đã cười nhạo Niuniu, chê cô bé xấu quá. Nhiều bạn học sau đó cũng hùa vào chê cô bé.

Quá buồn, Niuniu về nhà và khóc với mẹ, nhưng chị Xiaoyu chỉ bảo con gái hãy khoan dung, bỏ qua cho các bạn và bỏ ngoài tai những điều đó.

Tưởng chừng mọi chuyện đã kết thúc, nhưng sau đó, chị Xiaoyu dần nhận ra mình đã sai. Niuniu tiếp tục bị các bạn cùng lớp chế giễu, tuy nhiên thay vì khóc với mẹ như trước, cô bé chọn cách chịu đựng một mình. 

Kể từ sau khi bị bắt nạt, Niuniu ngày càng ít cười hơn, cô bé hướng nội và tự ti hơn hẳn. Khi phát hiện ra sự thay đổi của con gái, chị Xiaoyu vô cùng hối hận và tự trách bản thân.

Bạo lực học đường không chỉ là đánh nhau

Tôi nên làm gì khi con tôi bị bắt nạt ở trường? - đây có lẽ là câu hỏi phổ biến khiến nhiều ông bố bà mẹ trăn trở hàng ngày, khi con đến tuổi đi học. 

Thực tế, phải nhìn nhận rằng trường học không phải là một nơi an toàn tuyệt đối. Mặc dù, trong trường đều là trẻ con, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng ngoan và nghe lời. Vì vậy, chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng bạo lực học đường.

Không hiểu hết về bạo lực học đường, cha mẹ khiến con thêm tổn thương - Ảnh 2.

Bạo lực học đường không chỉ là đánh nhau. (Ảnh minh họa)

Trong một bản khảo sát về vấn nạn bạo lực học đường tại Trung Quốc, khi gần 40.000 sinh viên được hỏi ngẫu nhiên, có tới 34,3% trong số họ tiết lộ mình từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Điều này có nghĩa là cứ 100 học sinh thì có 1/3 số em từng trải qua cảm giác bị bắt nạt ở các mức độ khác nhau.

Khi nói đến bạo lực học đường, nhiều bậc cha mẹ thường chỉ nghĩ đến con bị đánh. Nhưng thực tế, bạo lực học đường bao gồm rất nhiều cách thức khác nhau, từ xô đẩy, bị cười nhạo, đến bị gán cho biệt danh, bị đồn thổi, trêu chọc... Nếu chúng ta phớt lờ những cách thức này, trẻ cũng sẽ bị tổn thương.

Kết quả là trẻ chỉ im lặng chịu đựng, trở nên tự ti, rụt rè và hèn nhát hơn. Ngược lại, một số trẻ sau khi bị bắt nạt sẽ trở thành người thích bắt nạt người khác. Tất nhiên cả hai tình huống này đều không phải là điều mà bất kỳ phụ huynh nào mong muốn.

Không muốn con em mình bị bắt nạt, nhưng nhiều phụ huynh lại chỉ phó mặc điều này cho nhà trường và đinh ninh rằng trong trường sẽ có thầy, cô giáo giúp con em mình lấy lại công bằng. Nhưng nếu các bậc cha mẹ chỉ trông đợi ở giáo viên, thì con bạn có thể vẫn sẽ bị tổn thương. Bởi lẽ, mỗi lớp học đều có nhiều học sinh, nhưng chỉ có một vài giáo viên.

Cha mẹ nên dạy con khoan dung đúng cách

Mặc dù dạy trẻ bao dung và độ lượng là tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là nếu bạn học được cách khoan dung và độ lượng, bạn sẽ tránh được việc bị bắt nạt. Thay vào đó, nó thậm chí có thể gây ra phản ứng ngược.

Không hiểu hết về bạo lực học đường, cha mẹ khiến con thêm tổn thương - Ảnh 3.

Khi không hiểu hết về bạo lực học đường, cha mẹ dễ khiến trẻ bị tổn thương nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Trong mắt cha mẹ, mâu thuẫn giữa những đứa trẻ chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt, không có gì lớn lao nên họ thường khuyên con nên khoan dung, bỏ qua, nhân nhịn khi bị bắt nạt.

Tuy nhiên, không phải cứ nhẫn nhịn là kẻ bắt nạt sẽ dừng lại. Thậm chí, chúng sẽ cảm thấy trẻ là người dễ bắt nạt và còn bắt nạt thêm.

Vì vậy, để con cái không bị bắt nạt ở trường, các bậc cha mẹ không nên lúc nào cũng bảo con mình “khoan dung”, “không sao đâu”, mà nên dạy con cách đối mặt với từng trường hợp. Khoan dung khi bị ức hiếp là phải dũng cảm, kiên quyết chống trả, tất nhiên không phải sử dụng bạo lực, hay đi bắt nạt người khác.

Nếu chúng ta muốn ngăn trẻ em không bị bắt nạt, trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, chúng ta cần phải giúp trẻ hiểu được thế nào là bạo lực học đường càng sớm càng tốt. Và quan trọng hơn, trẻ cần phải biết về tất cả các hình thức bắt nạt tiềm ẩn trong khuôn viên nhà trường và các phương pháp đối phó tương ứng. Từ đó, trẻ có thể nhận ra rằng mình đã bị bắt nạt sớm hơn, sau đó đưa ra phản ứng chính xác để bảo vệ bản thân một cách kịp thời và hiệu quả, tránh bị tổn thương.

Không hiểu hết về bạo lực học đường, cha mẹ khiến con thêm tổn thương - Ảnh 4.

Nếu chúng ta muốn ngăn trẻ em không bị bắt nạt, trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, chúng ta cần phải giúp trẻ hiểu được thế nào là bạo lực học đường càng sớm càng tốt. (Ảnh minh họa)

Có hai cách tốt nhất để giúp trẻ hiểu rõ hơn về hành vi bạo lực học đường ngầm. Thứ nhất là các bậc phụ huynh phải đưa ra các ví dụ thực tế cho trẻ, hoặc tiến hành mô phỏng tại chỗ với trẻ và chơi các trò chơi bắt nạt trẻ em để trẻ có thể thực sự cảm nhận được tình huống bị bắt nạt và kịp thời chỉ ra cách đối phó với chúng.

Thứ hai là các bậc cha mẹ cần củng cố kiến thức về bắt nạt học đường, tìm hiểu bạo lực học đường cụ thể là những gì, cũng như cách ứng phó, để giáo dục trẻ tốt hơn.

Nguồn: Sohu