Giá thịt lợn vẫn chưa hạ nhiệt

Minh Ngọc
16:38 - 14/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thịt lợn là một trong những mặt hàng thực phẩm tăng giá nhiều nhất trong những ngày vừa qua dù giá lợn hơi xuất chuồng đã giảm. Tính từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi đã tăng từ 15 - 30%.

Giá lợn hơi xuất chuồng đã giảm

Giá xăng dầu đã liên tiếp giảm mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành cũng liên tục yêu cầu phải giảm giá hàng hóa, trong đó có giá thịt lợn. Đặc biệt, ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương và cơ quan chức năng kiểm soát chặt vấn đề lợn lậu xuất khẩu qua biên giới, giá lợn hơi trong nước đã đột ngột giảm mạnh.

Giá lợn hơi xuất chuồng trên cả nước đã có sự giảm đáng kể, ở khu vực miền Bắc trong tuần qua dao động trung bình từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi tại Hà Nội, Vĩnh Phúc đạt 70.000 đồng/kg. Khu vực Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định ở mức 66.000 đồng/kg. Đáng chú ý, giá lợn hơi tại các trại của Công ty cổ phần C.P cũng được điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg so với với tuần trước. 

Giá thịt lợn hơi tiêu dùng vẫn chưa hạ nhiệt - Ảnh 1.

Quầy bán thịt lợn tại một chợ dân sinh ở Hà Nội. Ảnh: Luatvietnam

Trước đó, trong hai tuần đầu tháng 7, giá lợn hơi đột ngột tăng sốc từ 60.000 đồng/kg lên tới 75.000 đồng/kg. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, nguyên nhân một phần do giá thịt lợn ở các nước xung quanh Việt Nam biến động rất lớn nên xuất hiện tình trạng thương lái trong nước xuất lậu thịt lợn sang các thị trường để hưởng giá cao hơn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo và cử đoàn công tác đi kiểm tra ở các tỉnh biên giới, đã có báo cáo Thủ tướng về việc này. Đến nay, các cửa khẩu biên giới đều siết chặt, không có tình trạng buôn bán lợn như ngày trước nhưng vẫn còn chuyện các thương lái mổ lợn, sau đó chặt mảnh chở sang Trung Quốc tiêu thụ. Sau khi siết chặt xuất lậu thịt lợn qua biên giới, giá lợn hơi xuất chuồng đã giảm nhiệt.

Giá thịt lợn hơi tiêu dùng vẫn cao

Thịt lợn là một trong những mặt hàng thực phẩm tăng giá nhiều nhất trong những ngày vừa qua. Tính từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn hơi đã tăng từ 15 - 30%.

Dù giá lợn hơi xuất chuồng đã giảm mạnh so với trước đó nhưng giá thịt lợn tại các chợ dân sinh và siêu thị vẫn ở mức cao khiến người tiêu dùng bức xúc. Hiện tại, giá thịt lợn tại các chợ truyền thống dao động từ 110.000 - 130.000 đồng/kg tùy phần thịt.

Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, giá thịt lợn đang dao động từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, tuỳ loại.

Trong khi đó, giá ba chỉ lợn C.P khay 500 gram là 94.000 đồng; sườn C.P khay 500 gram (4 - 6 miếng) có giá 72.000 đồng; nạc dăm lợn C.P khay 300 gram có giá 50.000 đồng. Giá thịt lợn mát Meat Deli vẫn giữ mức cũ so với ngày trước đó tại thời điểm khảo sát sáng 12/8 đang được bán với giá dao động từ 123.000 - 230.000 đồng/kg.

Các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ dân sinh cho biết, giá xăng dầu có giảm nhưng do giá thịt nhập từ các lò mổ giảm rất nhẹ nên giá bán ra cũng khó giảm được.

Các trại nuôi giống chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên hạn chế lượng lợn đủ tiêu chuẩn xuất chuồng; tâm lý nhiều người muốn ghìm hàng chờ giá tăng mới cho lợn xuất chuồng. Thêm vào đó, khoảng 3 tháng gần đây, giá thịt lợn từ Trung Quốc cũng tăng, vì vậy nhu cầu xuất khẩu lợn sang Trung Quốc tăng, nguồn cung trong nước cũng bị ảnh hưởng phần nào.

Giá thịt lợn hơi tiêu dùng vẫn chưa hạ nhiệt - Ảnh 2.

Giá thịt lợn liên tục tăng trong những ngày vừa qua. Ảnh: Luatvietnam

Hiện nay, giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc cao hơn các tỉnh phía Nam nhiều do các thương lái tranh thủ giá cao xuất bán sang các thị trường này. Điều đáng nói, không chỉ người tiêu dùng bị ảnh hưởng, mà cả người chăn nuôi cũng chưa hẳn đã vui khi giá thịt lợn tăng cao, bởi việc thu mua lợn hơi hiện đang rất chậm và dè dặt.

Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng và vẫn duy trì đà tăng đến hết năm 2022 sẽ gây không ít khó khăn cho ngành chăn nuôi cả nước.

Tại tọa đàm "Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm - Thực trạng và giải pháp" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, câu chuyện tăng giá thịt lợn theo giá xăng dầu và không chịu giảm khi giá xăng xuống không hề mới mẻ. Ông Phú lấy ví dụ, 1kg thịt lợn, từ trang trại đến bán lẻ, tăng giá lên tới 70%. Rõ ràng 3 - 4 khâu trung gian đã đẩy giá lên.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực cho biết: "Khâu trung gian rõ ràng là không thể "đánh quả", không thể ăn chênh lệch quá nhiều. Ép giá người nông dân, bởi người nông dân của chúng ta luôn là người yếu thế. Nhiều khi là các lái buôn ép giá. Cần phải có biện pháp chế tài để xử lý tình trạng này".

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Đặc biệt là theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản, trong đó có thịt lợn tại các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ hướng dẫn các địa phương trên cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi, giúp nâng cao năng suất, giảm chi phí, giá thành sản xuất. Đặc biệt là tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ sẽ điều chỉnh để giá thị trường không quá cao mà không quá thấp. Như vậy, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi từ phát triển chăn nuôi và không ảnh hưởng tới chỉ số tiêu dùng (CPI) nói chung.

Nguồn: tổng hợp