Giá xăng giảm không "kéo" nổi giá hàng hóa giảm theo

PV
15:41 - 03/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Không như kỳ vọng của nhiều người, giá xăng dù đã giảm mạnh sau 4 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, tuy nhiên, giá các loại hàng hóa vẫn mãi không chịu giảm.

Giá xăng giảm, giá hàng hóa vẫn "đứng im" 

Từ mức cao kỷ lục gần 33.000 đồng/lít, sau 4 lần giảm, giá xăng trong nước đã xuống chỉ cnf hơn 24.000 đồng/lít. Người dân kỳ vọng giá xăng giảm sẽ kéo theo giá hàng hóa "hạ nhiệt" theo. Nhưng theo Bộ Tài chính, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn có biến động tăng, bất chấp đà giảm của giá xăng. 

Giá xăng giảm không "kéo" nổi giá hàng hóa giảm theo - Ảnh 2.

Khách hàng mua sắm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Trên thực tế, hàng loạt mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm tại các siêu thị, chợ dân sinh vẫn neo ở mức cao. Chẳng hạn, giá của thịt lợn tại các chợ dân sinh Hà Nội đang ở ngưỡng 90.000 - 150.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng/kg so với tháng trước). Giá thịt gà tại chợ đầu mối nông sản Nam Hà Nội đêm 2/8 cũng giao động từ 50.000 - 120.000 đồng/kg tuỳ loại. Các mặt hàng như trứng, rau xanh cũng luôn ở mức cao. 

Chia sẻ về lý do các mặt hàng thực phẩm tăng giá, không giảm dù giá xăng đã đi xuống, một tiểu thương tại chợ tạm Nam Trung Yên (Hà Nội) cho rằng, dịch bệnh mới vừa trôi qua, cũng như các nguồn cung cấp không thay đổi mức giá nhập nên các loại thực phẩm vẫn chưa thể "hạ nhiệt".

Thực tế, giá thành sản phẩm được cấu thành từ nhiều yếu tố trong chuỗi từ sản xuất đến cung ứng và cần có độ trễ nhất định trong cơ chế điều chỉnh giá theo biên độ dao động của thị trường. Vì vậy khi giá xăng giảm, giá hàng hóa khó giảm theo ngay được.

Cụ thể, giá hàng hóa thành phẩm chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất đến nhu cầu biến động mang tính mùa vụ.

Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm, hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

Riêng về giá cước vận tải, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải.

“Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành, đơn vị đối với dự thảo Luật giá sửa đổi. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành (trong đó có Bộ GTVT – Bộ quản lý chuyên ngành lĩnh vực giao thông vận tải) đối với vấn đề giá cước vận tải, phụ phí, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định hình thức quản lý giá đối với khoản thu này”, Bộ Tài chính cho biết.

Nguồn: Tổng hợp