Triệt để phòng ngừa sốt xuất huyết

16:52 - 10/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sốt xuất huyết là căn bệnh bùng phát ở Việt Nam vào mùa mưa, chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 11. Bệnh có tỷ lệ tử vong khá cao và rơi vào tuần thứ hai sau khi có triệu chứng.

‏Sốt xuất huyết thường xuất hiện vào khoảng thời gian giao mùa từ tháng 5 - 11 hằng năm. Bệnh sốt xuất huyết có biểu hiện lâm sàng chủ yếu do sốt cao (giống như sốt virus khác) và xuất huyết với nhiều dạng khác nhau.‏

‏Tính tới ngày 27/4, cả nước có 18.599 ca mắc sốt xuất huyết và đã có 11 trường hợp tử vong. 

Thận trọng với loại virus gây bệnh sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ngày càng sống dai dẳng hơn. (Ảnh: Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

‏Mọi người thường hay nhầm lẫn dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết với cúm, triệu chứng thường kéo dài khoảng 2 - 7 ngày, khó hạ sốt do vết muỗi đốt mang mầm bệnh.

‏Ngoài ra còn kèm các dấu hiệu xuất huyết như: sốt cao đột ngột từ 39- 40 độ C, đau đầu, nhức 2 hốc mắt, da xung huyết, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam. 

Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 với dấu hiệu cảnh báo như: lừ đừ, li bì hoặc bứt rứt, kích thích; đau bụng nhiều vùng gan, nôn ói nhiều, xuất huyết tiêu hóa (ói ra máu, đi cầu ra máu, đi cầu phân đen,...)‏

‏Theo các chuyên gia, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết ngày càng có sức sống dai dẳng hơn, thậm chí có những con muỗi đã kháng thuốc. Nên các gia đình không được chủ quan, ngay cả khi đã phun thuốc diệt muỗi.‏

Giữ gìn không gian sống sạch sẽ để tránh bị nhiễm bệnh

Các chuyên gia cho rằng, quần thể muỗi gây bệnh sốt xuất huyết tồn tại rất dai dẳng. Nếu năm ngoái đã bị mắc sốt xuất huyết thì khả năng lớn năm nay lại tiếp tục có người mắc ở khu dân cư đó.‏

‏Đề phòng ngừa sốt xuất huyết, việc đầu tiên cần phải làm là diệt hết loăng quăng, không để các chum, vại chứa nước, các chậu cây cảnh có nước.‏

‏Nếu xung quanh nhà gần ao, hồ, sông, suối, mương nước thì phải sử dụng chất diệt bọ gậy Hantephot hoặc Apat để rắc lên vùng có nước mỗi tuần 1 lần.‏

‏Đặc biệt, muỗi sốt xuất huyết là chỉ hoạt động vào ban ngày nên để phòng muỗi vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa lúc sáng sớm. Trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đây là thời điểm khi có nắng lên nên muỗi ít hoạt động hơn.‏

‏Hạn chế mở cửa vào khoảng thời gian nhập nhoạng tối, muỗi có thói quen bay vào nhà để tìm nơi trú ngụ.‏

Sử dụng các phương pháp đuổi muỗi an toàn, hiệu quả

‏Để phòng bệnh sốt xuất huyết, có thể sử dụng nhang muỗi để đuổi muỗi ra khỏi nhà. Tuy nhiên, nhang muỗi chỉ làm muỗi ngất đi hoặc bay đi nơi khác chứ muỗi không chết, do đó khi dùng nhang muỗi phải dùng liên tục ít nhất trong vòng 1 tuần. Lưu ý, sau khi sử dụng nhang đuổi muỗi phải quét nhà để dọn sạch muỗi đã ngất. Khi nào không nhìn thấy có muỗi trong nhà thì mới ngừng đốt nhang.‏

‏Sử dụng một số loại dung dịch đuổi muỗi thảo dược để lau nhà cũng có tác dụng chống muỗi khá tốt. Đối với trẻ em, có thể sử dụng các chế phẩm xịt chống muỗi thảo dược an toàn cho sức khỏe.‏

‏Việc phun hóa chất phải được thực hiện bởi các cơ quan y tế, nguyên tắc chỉ phun khu đã phát sinh ổ dịch chứ không phun tràn lan, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.‏

‏Nếu có sở thích trồng cây cảnh, nên trồng xen kẽ các cây đuổi muỗi hữu ích như ngũ gia bì, sả, húng quế, bạc hà, cây tùng thơm... 

‏Theo các chuyên gia y tế, bệnh sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu và vaccine phòng ngừa nên biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi và hạn chế môi trường sinh sống của muỗi. Ngành y tế khuyến cáo tất cả những gia đình nếu có thành viên bị sốt cao đột ngột thì cần phải đi khám ngay tại các cơ sở y tế điều trị gần nhất để bác sĩ theo dõi và hướng dẫn cách xử lý kịp thời, phù hợp.

Nhật Minh (tổng hợp)