Gần một nửa bài thi tuyển sinh vào lớp 10 điểm Toán dưới trung bình, vì đâu nên nỗi?
Khoảng 45-52% số bài thi Toán tuyển sinh vào lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh dưới điểm trung bình trong 5 năm qua, nguyên nhân từ đâu?
Theo công bố của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập, có 121 bài thi môn Toán được điểm tuyệt đối và 165 bài thi điểm liệt, đều giảm đáng kể so với năm ngoái.
Thế nhưng, tỉ lệ bài thi dưới điểm trung bình là 46%, khiến Toán là môn có kết quả thấp nhất trong 3 môn. Trong 5 năm liên tiếp kể từ 2018 (năm 2021 không tổ chức thi), tỷ lệ bài thi dưới điểm 5 ở môn Toán dao động 45-52%, khiến nhiều người đặt câu hỏi đề Toán của Thành phố quá khó, học sinh yếu môn học này hay còn lí do nào khác.
Chia sẻ trên một diễn đàn giáo dục, nhiều ý kiến đã bày tỏ về việc này.
Vấn nạn học thêm, bệnh thành tích hay phương pháp giảng dạy chưa phù hợp?
Chia sẻ về trường hợp của người em gái vừa học xong lớp 9 năm học này, tài khoản Thành Văn nói rằng, ở lớp các em đều có học lực giỏi. Thế nhưng, khi công bố điểm thi thì có hơn nửa lớp dưới trung bình, điểm cao nhất là 8. "Em gái tôi đi thi về khóc, nói đề thi có những câu đọc vào không hiểu gì hết. Không biết trên trường thầy cô giáo dạy học theo phương pháp gì", Thành Văn băn khoăn.
Bày tỏ sự đồng tình với Thành Văn, tài khoản tên Đình bổ sung thêm lí do học sinh thi điểm thấp một phần cũng do năng lực giảng dạy của giáo viên. "Thực tế có giáo viên giảng bài không thu hút, không tạo cảm hứng cho học sinh. Rồi có giáo viên cứ thao thao bất tuyệt, trò có hiểu bài hay không thì không cần biết. Thầy cứ việc nói và đọc còn trò thì nghe và chép đến hết giờ là xong trách nhiệm", tài khoản này thẳng thắn nói.
Phụ huynh Thảo Ly cho biết thêm: "Con tôi học lớp chuyên Toán, trên lớp thầy còn không giảng bài, nguyên năm học chưa chép hết cuốn tập. Đề kiểm tra học kì em nào có học thêm thì biết trước đề và điểm các cháu sẽ cao. Kết quả thi cử đã phản ánh được tất cả, dĩ nhiên tôi không đánh đồng giáo viên, cũng có những người có tâm yêu nghề".
"Do nạn học thêm cả. Học sinh đi học thêm trước nhà thầy, được thầy cho trước dạng đề kiểm tra nên điểm rất cao làm học sinh và phụ huynh ảo tưởng. Đó cũng là lí do học sinh ỷ lại, không còn tính sáng tạo, gặp dạng đề lạ là bí ngay", phụ huynh Trần Văn bày tỏ tất cả đều do học thêm mà ra.
Nội dung chương trình còn nặng?
Tuy vậy, phụ huynh Tuấn Trần và Hùng Thanh đều khẳng định, kiến thức toán học Việt Nam khá nặng. "Môn Toán của các em giờ quá cao siêu. Tôi thế hệ 7x, từng là học sinh giỏi tỉnh mà giờ đưa cho bài toán lớp 5 giải còn ngộp thở".
"Tôi thấy khối lượng kiến thức các cháu học hiện nay quá lớn, thời gian học trên lớp nhiều, hầu như cả ngày lẫn tối cặp sách trên vai ở trường và học thêm. Điều cần thiết là giảm tải kiến thức, nội dung trong sách giáo khoa, tăng thực hành và kĩ năng sống, làm việc nhóm. Quan trọng là dạy phương pháp tư duy, tự luận và kỹ năng mềm".
Đồng quan điểm, một phụ huynh cho biết: "Sách giáo khoa bây giờ bắt học sinh phải tư duy tự tìm tòi không có cái gốc, nói cách khác là mất gốc. Tôi ví dụ, học sinh học đo góc thì phải học nhận dạng thước nào đo góc nào, ngày xưa là vậy nhưng bây giờ vào học là đo luôn. Một lớp học có 45 học sinh đâu phải ai tư duy Toán cũng tốt. Chúng ta đang cố cào bằng học sinh nào cũng phải giỏi tư duy Toán để theo kịp chương trình".
"Môn Toán bậc phổ thông cần được giảm tải kiến thức, hướng tới thực tế nhiều hơn là học thuật. Thực tế là toán phổ thông ở Việt Nam quá khó so với các nước tiên tiến, học xong nhiều khi chẳng biết áp dụng làm gì", phụ huynh Tuấn Vũ nêu quan điểm.
Tuy vậy, phụ huynh Phạm Bảo Khang lại có góc nhìn khác: "Nhìn chung học sinh đều hiểu bài, biết cách làm bài. Tuy nhiên, các em phụ thuộc quá nhiều vào máy tính cầm tay dẫn đến khả năng tính toán bị hạn chế. Vì vậy, giáo viên nên cho các em luyện tập thật nhiều, làm những bài dễ đến trung bình. Luyện tập khả năng tính toán cho thuần thục thì môn Toán trên 5 điểm là rất dễ dàng".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google