Dự thảo Luật Nhà giáo: Vì sao đề xuất nhà giáo không còn chia làm 3 hạng?

Phan Anh
06:00 - 04/06/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dự thảo Luật Nhà giáo không đề cập đến hạng chức danh nghề nghiệp mà thay vào đó lại đề cập đến chức danh nhà giáo.

Dự thảo Luật Nhà giáo: Vì sao đề xuất nhà giáo không còn chia làm 3 hạng?- Ảnh 1.

Theo Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập, giáo viên được chia làm 3 hạng từ thấp đến cao: hạng III, hạng II, hạng I.

Đề xuất nhà giáo không còn chia hạng III, II, I

Tuy vậy, dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân thì không còn quy định chia hạng giáo viên theo các hạng III, II, I nữa.

Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo không đề cập đến hạng chức danh nghề nghiệp mà thay vào đó là chức danh nhà giáo.

Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 115/2020/NĐ-CP, hạng chức danh nghề nghiệp được định nghĩa là cấp độ thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức trong từng lĩnh vực nghề nghiệp.

Khái niệm này được quy định tương tự với khái niệm chức danh nhà giáo tại khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật Nhà giáo: "Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục."

Vì sao có đề xuất nhà giáo không còn chia làm 3 hạng?

Việc đề xuất nhà giáo không còn chia làm 3 hạng vì những lí do như sau: Theo dự thảo Luật Nhà giáo, nhà giáo là đối tượng giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nói chung mà không chia trong cơ sở giáo dục công lập (giáo viên là viên chức) hoặc cơ sở giáo dục tư thục (giáo viên là người lao động).

Trong khi đó, việc chia hạng chức danh nghề nghiệp áp dụng với viên chức - người làm việc theo hợp đồng (không xác định thời hạn và xác định thời hạn theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Viên chức) làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Còn khoản 1 Điều 68 dự thảo Luật Nhà giáo quy định: "Trường hợp đã được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án, kế hoạch tổ chức tuyển dụng nhà giáo (thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào viên chức), xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục thực hiện theo đề án, kế hoạch đã được phê duyệt trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Sau thời hạn này nếu không hoàn thành thì thực hiện theo quy định tại Luật này."

Do đó, theo dự thảo Luật Nhà giáo, các đối tượng là viên chức được thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào viên chức, xét thăng hạng nhà giáo trước khi luật này có hiệu lực thì vẫn tiếp tục được thực hiện theo đề án, kế hoạch tuyển dụng đã được phê duyệt trong thời hạn 03 tháng.

Sau thời hạn này, nếu không hoàn thành thì sẽ thực hiện theo dự thảo Luật Nhà giáo.

Như vậy, tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục đang đề xuất nhà giáo không còn chia hạng I, II, III mà thay vào đó, nhà giáo sẽ được chia theo chức danh nghề nghiệp và được phân loại theo khoản 1, khoản 3 Điều 12 dự thảo như sau:

- Các chức danh nhà giáo: Giáo viên mầm non; tiểu học; trung học cơ sở; trung học phổ thông; dự bị đại học; giáo dục thường xuyên; giáo dục nghề nghiệp; giảng viên cao đẳng sư phạm; giảng viên giáo dục nghề nghiệp; giảng viên đại học.

- Phân loại mỗi chức danh nhà giáo: a) Giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp; b) Trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp (bao gồm cả giáo sư, phó giáo sư).

Cần lưu ý rằng, quy định về chức danh nhà giáo hiện nay mới chỉ dừng ở việc lấy ý kiến đóng góp mà chưa được chính thức thông qua. Đồng thời, hiện nay, các quy định về hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên là viên chức vẫn đang được áp dụng.

Có thể trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những điều chỉnh khác với các văn bản liên quan đến hạng chức danh nghề nghiệp đang áp dụng với giáo viên là viên chức như hiện nay.

Bình luận của bạn

Bình luận