Độc đáo nghệ thuật Khèn của người Mông
Nghệ thuật Khèn của người Mông là một di sản văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa và có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tình thần của cộng đồng người Mông.
Tiếng khèn là tâm hồn người Mông
Khèn Mông vừa là một loại nhạc cụ đồng thời cũng vừa là đạo cụ để múa. Điệu múa khèn ngẫu hứng mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Mông.
Thông qua tiếng khèn, người Mông chuyển tải, thổ lộ những tâm tư nguyện vọng của mình. Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà giai điệu của khèn Mông có rất nhiều chủ đề, sử dụng trong cả khi vui hay lúc buồn. Múa khèn còn được dùng biểu diễn trong những dịp sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Âm thanh của loại nhạc cụ này mang âm hưởng của vùng cao bao la, hùng vĩ, nét giản dị, trong sáng và khoáng đạt của tâm hồn người Mông. Trải qua thời gian, cây khèn của người Mông được sử dụng trong các lễ nghi, ngày hội với nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng.
Trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của người Mông, những dịp lễ hội, Tết đến xuân về, nghệ nhân cùng với cây khèn tạo nên vũ đạo rất đẹp trong từng bước nhún, bước đảo, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng...
Trong đám tang, đám giỗ của người Mông cũng không thể thiếu tiếng khèn. Mỗi đám tang, gia đình tang chủ có thể mời 2 hoặc 4 thầy khèn. Các nghệ nhân thổi khèn đóng vai trò như thầy cúng và các nghi lễ đều được thực hành thông qua tiếng khèn. Người Mông quan niệm, nếu không có tiếng khèn thì linh hồn người chết sẽ không về được với tổ tiên.
Đám giỗ người Mông được diễn ra sau đám tang 13 ngày và cũng không thể thiếu thầy khèn - người chủ trì đám giỗ. Thầy thổi khèn mời linh hồn của người mất về để gia đình làm giỗ, khi thổi hết bài cũng là lúc mời được linh hồn của người mất về.
Người Mông quan niệm: là con gái Mông phải biết may vá, dệt vải, thêu thùa, là con trai Mông phải biết thổi khèn và múa khèn. Tiếng khèn có hay, múa có đẹp không chỉ nhờ vào năng khiếu mà còn cần đến sức khỏe cùng sự dẻo dai tập luyện chăm chỉ. Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập giữa các nền văn hóa, khèn Mông không chỉ sử dụng trong đám ma, đám cưới, lễ hội mà còn được các chàng trai Mông biểu diễn khi xuống chợ.
Thổi và múa khèn không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người đàn ông Mông mà còn thể hiện sức sống mạnh mẽ, ý chí vươn lên, tinh thần thượng võ. Đây là cách người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng.
Học thổi khèn Mông rất khó, dù học nhiều cũng khó có thể am hiểu hết được những giai điệu của khèn. Để trở thành một người thổi khèn giỏi, người con trai Mông phải tập khèn từ 12 - 13 tuổi, có thân hình khỏe, mềm dẻo, nhịp nhàng, nhưng quan trọng hơn cả là cách lấy hơi, rèn khí để hơi được sâu, được dài.
Nghệ thuật Múa khèn của người Mông còn thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống cộng đồng. Tiếng khèn ngấm sâu vào tâm hồn người Mông, thân quen như thắng cố, mèn mén, rượu ngô hay tất cả những gì thân thuộc nhất đã gắn bó với họ từ lúc sinh ra.
Bên cạnh đó, nghệ thuật Múa khèn của người Mông cũng chứa đựng những sáng tạo mang tính khoa học độc đáo, được biểu hiện qua tiết tấu đa dạng, biến hóa khi thổi khèn kết hợp với vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng khi múa.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của nghệ thuật Múa khèn người Mông, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian năm 2015.
Khèn Mông được chế tác rất công phu
Khèn Mông có 2 loại: khèn có âm thanh bổng là khèn ngắn, khèn có âm thanh cao là khèn dài, do chính những người đàn ông Mông kỳ công chế tác và truyền dạy.
Để chế tác cây khèn tốt, nguyên vật liệu cơ bản cần có là gỗ Pơ Mu, cây măng dê, vỏ cây đào rừng, lá đồng, bạc trắng, thuốc lào hoặc lá cây thuốc lào, tóc rối, vỏ con ve sầu, mỡ lợn, ống tre, que nứa. Cây khèn được chia thành 3 phần: thân khèn, ống khèn, đai khèn.
Gỗ để làm thân khèn chuẩn nhất là loại gỗ Pơ Mu trắng hoặc đỏ vì chất gỗ này dẻo, nhẹ, không cong, ít đàn hồi và hút nước tốt. Gỗ được chẻ thành từng thanh, phơi khô, chọn thanh dài 80cm trở lên, dùng dao đẽo gọt định hình thân khèn rồi chẻ đôi từ đuôi lên ngọn, cố định phần đuôi và tiếp tục đẽo gọt cho hoàn chỉnh. Thân khèn gồm 3 phần: đuôi khèn (cáng tâu); bầu khèn (tâu khềnh); thân trên (cáng khềnh).
Khi đẽo gọt gần hoàn chỉnh, chẻ đôi rời thành hai miếng. Lấy đục cong to khoét bầu, buồng giữ hơi của hai miếng bầu cho vừa ý. Lấy đục cong nhỏ khoét rãnh từ bầu đến ngọn để làm rãnh thổi của 2 miếng. Khi khoét xong ghép 2 miếng vào nhau như khi chưa bổ. Lấy đinh, keo con voi đóng, dán cho chắc hai đầu, tiếp tục gọt cho đều, dùng giấy giáp đánh bóng.
Dùng dây mây hoặc vỏ cây đào rừng chẻ nhỏ, đo vòng của bầu khèn, đuôi, ngọn, sau đó lắp vào các điểm đã định để giữ thân khèn cho chặt. Vỏ cây đào rừng đã phơi khô đem ngâm trong rượu hoặc nước cho mềm, dẻo. Tách vỏ to, nhỏ tùy theo nghệ nhân, gọt cho mỏng vừa phải ở phần vỏ ngoài, lấy mũi dao nhỏ đục một lỗ hình tam giác đo vào chỗ cần làm đai giữ thân, đánh dấu đầu còn lại để cắt khóa ngang khi luồn vào hình tam giác, lồng vào thân khèn, dịch chuyển đúng chỗ cho chắc.
Ống khèn gồm 6 ống, được làm bằng cây măng dê được luộc cho khỏi bị nứt nẻ, sau đó phơi nắng hoặc để gác bếp cho khô.
Việc đúc đồng làm lam khèn là bước quan trọng và khó khăn nhất. Người nghệ nhân phải căn chuẩn tỷ lệ các nguyên liệu: 0,1k đồng dẻo; 0,30gam đồng cứng; 0,10gam đồng đỏ; từ 1 đến 2 hào bạc trắng. Ngoài ra còn có các phụ gia: thuốc lào; tóc rối; con ve sầu khô.
Sau khi làm xong công đoạn đúc lam, nghệ nhân cắt lam, chỉnh sửa và lắp ống khèn. Uốn ống, dùi lỗ ống cũng là một công đoạn không kém phần quan trọng trong việc chế tác khèn. Khi lắp, đuôi các ống phải thẳng, đầu cong lên tạo cho dáng khèn đẹp hơn. Đai ống khèn được làm bằng vỏ cây đào rừng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google