Quảng Ninh: Tập trung nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số

Tuệ Nhi
08:38 - 04/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Với đặc thù có nhiều thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã dành mọi nguồn lực đầu tư để chăm sóc toàn diện cho người dân.

Quảng Ninh: Dành nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 1.

Tổ Tiết kiệm và vay vốn xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long bình xét hộ vay vốn. Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh

Quảng Ninh có 21 thành phần dân tộc thiểu số với trên 162.000 người sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Nhằm nâng cao đời sống, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, tỉnh Quảng Ninh chú trọng việc chăm lo, dành nguồn lực đầu tư cho người dân khu vực này. Điều đó không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, mà còn để mỗi người dân đều được thụ hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh.

Quảng Ninh: Dành nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 2.

Trường mầm non Thanh Sơn - ngôi trường đẹp như mơ ở huyện miền núi Ba Chẽ vừa được đầu tư xây dựng. Ảnh: Tuệ Nhi.

Trước đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh từ năm 2021 đã ban hành Nghị quyết "Phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ Bảo hiểm Y tế cho 68.000 người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đến hết năm 2025 từ nguồn ngân sách.

Quảng Ninh: Dành nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 3.

Trẻ em vùng cao được học tập trong điều kiện tốt. Ảnh: Tuệ Nhi.

Năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Nghị quyết quy định chính sách trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2025.

Theo đó, người dân tộc thiểu số tại các khu vực trên thuộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025 được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý từ ngân sách địa phương dưới hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng.

Đây là chính sách quan trọng giúp đồng bào dân tộc thiểu số được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí, nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật cho người dân khu vực này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực miền núi, biên giới, hải đảo.

Quảng Ninh cũng xây dựng, ban hành, triển khai nhiều đề án thúc đẩy phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo như: Đề án phát triển trường phổ thông dân tộc nội trú chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề án thu hút bác sĩ về làm việc tại tỉnh, nhất là bác sĩ về công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030; đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào đân tộc giai đoạn 2021-2025.

Quảng Ninh: Dành nguồn lực đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số  - Ảnh 4.

Bữa cơm ngon của học sinh huyện miền núi Ba Chẽ. Ảnh: Tuệ Nhi.

Bên cạnh đó, xác định nguồn vốn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy sản xuất, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo nên tỉnh cũng rất chú trọng vấn đề này. Các địa phương trong tỉnh cũng đã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, ưu tiên giải ngân cho vay tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo, triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách, chương trình cho vay ưu đãi đối với đối tượng chính sách tại địa bàn vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo.

Trong năm 2021 và 2022, tỉnh Quảng Ninh đã phân bổ gần 200 tỉ đồng vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh để cho vay chương trình giải quyết việc làm tại 64 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo.

Đến nay, từ nguồn vốn ủy thác này, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh đã thực hiện cho vay trên 2.680 lượt khách hàng với số tiền vay gần 196,9 tỷ đồng (bao gồm cả vốn thu hồi cho vay quay vòng) để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu của tỉnh.

Theo nhiều hộ dân người dân tộc thiểu số, nguồn vốn thực sự có ý nghĩa đối với họ trong việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững bởi vốn vay kịp thời, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Nhờ đó đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Bình luận của bạn

Bình luận