Ấn tượng lễ hội truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc

Ngọc Ánh
14:58 - 02/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 2/12, tại Quảng trường Hùng Vương (Phú Thọ) đã diễn ra Lễ khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 15 năm 2022.

Một trong những hoạt động ấn tượng tại buổi lễ là tái hiện và trình diễn trích đoạn lễ hội truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc.

Mở đầu là trích đoạn lễ Xé Pang Á được thể hiện bởi các nghệ nhân dân tộc Kháng, xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La và các diễn viên đến từ đoàn Sơn La.

Lễ Xé Pang Á là một nghi lễ để người Kháng tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ họ có sức khỏe, bản làng yên bình, ấm no.

Đây cũng là ngày hội của bản làng để người dân giao lưu, đoàn kết, gắn bó, dịp để các chàng trai, cô gái người Kháng gặp gỡ, tìm hiểu nhau. Qua lễ Xé Pang Á nhiều đôi bạn trẻ đã nên duyên thành vợ chồng.

Ấn tượng lễ hội truyền thống các dân tộc vùng Tây Bắc - Ảnh 1.

Trong lễ Xé Pang Á sẽ có lễ cúng mời tổ tiên, lễ gội đầu pang, lễ cầu an, lễ cúng cho 3 con nuôi. Ảnh: NA

Hàng năm, lễ Xé Pang Á tổ chức vào khoảng tháng 12 âm lịch hoặc vào mùa xuân khoảng tháng 3, tháng 4 dương lịch, khi hoa ban, hoa mạ nở rộ, mưa đã xuống và măng đắng đã mọc lên, báo hiệu mùa lễ hội tạ ơn, cầu mong sức khỏe đã đến.

Diễn ra từ 1 đến 2 ngày, lễ Xé Pang Á là dịp để người Kháng nhớ công ơn những người đã chữa bệnh cứu người, truyền lại các bài thuốc gia truyền cho các thế hệ sau, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình.

Tiếp nối chương trình là trích đoạn nghi lễ Chư mo hờ ngọ Khờ ro cư mạ (tra hạt làm lễ cầu mưa) được thể hiện bởi nghệ nhân bản Pú Tửu, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Nghi lễ Chư mo hờ ngọ Khờ ro cư mạ là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Khơ Mú vùng Tây Bắc.

Nghi lễ gồm 2 phần: Phần lễ chia làm 2 giai đoạn là lễ Chư Mo (lễ tra hạt) và lễ Kho cư mạ (lễ cầu mưa);

Phần hội được đặc tả đan xen với phần lễ gồm các giai thoại tương ứng với 6 điệu múa và trò chơi như múa tầm đao, nhảy ngửa người qua dây, ném còn, đi cà kheo, và điệu nhảy sạp cầu cho bà còn dân bản luôn mạnh khoẻ, mưa xuống cho hạt nảy mầm tươi tốt, mùa màng no đủ, vạn vật sinh sôi.

Nghi lễ Chư mo hờ ngọ Khờ ro cư mạ là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Khơ Mú vùng Tây Bắc. Ảnh: NA

Cũng tại chương trình, các đoàn Lai Châu, Phú Thọ, Lào Cai... đã trình diễn, tái hiện trích đoạn lễ hội truyền thống của dân tộc tại địa phương. Những lễ hội đã góp phần tạo dựng nên đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc, làm nên sự đa dạng của bức tranh văn hóa các dân tộc anh em vùng Tây Bắc.

Trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ 15 năm 2022 còn có nhiều hoạt động như: Triển lãm đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc thông qua hình ảnh, hiện vật, trang phục, nhạc cụ dân tộc, các sản phẩm văn hóa tiêu biểu; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống Đất Tổ...

Một số hoạt động du lịch cũng được tổ chức tại ngày hội như trưng bày, giới thiệu ấn phẩm du lịch, chương trình tour tham quan, điểm đến của các địa phương; Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, trưng bày sản phẩm OCOP.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc là hoạt động văn hóa quy mô lớn được duy trì tổ chức luân phiên giữa các tỉnh vùng Tây Bắc, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống; giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và các giá trị di sản văn hóa vùng Tây Bắc.