Doanh thu du lịch Việt Nam dự kiến đạt 11,1 tỷ USD vào năm 2024

Bảo Châu
12:33 - 24/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngành du lịch của Việt Nam đang sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới, với doanh thu du lịch quốc tế dự kiến sẽ vượt mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2024.

Báo The Business Times: Du lịch Việt Nam sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 1.

Lĩnh vực du lịch của Việt Nam đang sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới. Ảnh: CNN

Doanh thu vượt mức trước đại dịch COVID -19

Ngày 23/8, báo The Business Times (Singapore) đăng bài viết của tác giả Michael Arnold đánh giá lĩnh vực du lịch của Việt Nam đang sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ trong 5 năm tới, với doanh thu du lịch quốc tế dự kiến sẽ vượt mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2024.

The Business Times là nhật báo tài chính duy nhất tại Singapore và cũng là kênh tin tức "quyền lực" về thị trường kinh doanh, khởi nghiệp, tài chính, bất động sản trong khu vực và trên thế giới. Xuất phát điểm là một phụ trương của tờ The Straits Times, hiện nay The Business Times là một kênh báo độc lập trực thuộc SPH Media Trust.

The Business Times dẫn báo cáo mới nhất của Fitch Solution cho biết lĩnh vực du lịch Việt Nam dự kiến sẽ đạt doanh thu 11,1 tỷ USD vào năm 2024, vượt mức doanh thu 10,8 tỷ USD vào năm 2019 - trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Con số này dự kiến sẽ tăng lên, đạt khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2026, với hơn 22 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Giống như nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam đã đóng cửa hầu hết các đường biên giới trong năm 2020 và 2021 trước khi mở cửa trở lại cho du khách nước ngoài vào tháng 3/2022.

Theo TTXVN, Tổng Giám đốc khách sạn Melia Ba Vi Mountain Retreat, Noemi Perez, cho biết chính sách ứng phó linh hoạt của Việt Nam đã đem lại cho du khách quốc tế nhiều thuận lợi hơn khi nhập cảnh. Du khách quốc tế đánh giá Việt Nam nằm trong số các nước có thủ tục nhập cảnh tiện lợi, môi trường an toàn và nhiều điểm đến tham quan.

Doanh thu du lịch từ khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến vượt mức trước đại dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Bài viết của tác giả Michael Arnold đánh giá lĩnh vực du lịch của Việt Nam trên báo The Business Times.

Du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT), Việt Nam tiếp tục nằm trong top các điểm đến có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới ở mức tăng 50 - 70% hàng tháng, tính từ đầu năm 2022.

Dữ liệu từ Google Destination Insights đưa Việt Nam lên đầu danh sách các điểm đến quốc tế trên toàn thế giới có nhu cầu về lưu trú gia tăng trong năm nay.

Ước tính, khoảng 100 dự án khách sạn đang được xây dựng ở Việt Nam. Các nhà quan sát cho rằng đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón 954.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng lượng khách nước ngoài đạt trung bình 62% mỗi tháng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7.

Hầu hết các du khách nước ngoài đến Việt Nam là từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm các quốc gia Đông Nam Á như Campuchia, Singapore, Thái Lan và Malaysia. Hàn Quốc là nước có số lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam trong giai đoạn này, tiếp theo là Mỹ.

Mặc dù còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, nhưng số lượng khách du lịch đến từ châu Âu cũng đang tăng lên, với mức tăng trưởng tương đối cao, đặc biệt là những du khách đến từ các nước như Anh, Pháp và Đức.

Đặc biệt, lượng tìm kiếm phòng lưu trú tại Việt Nam trong tháng trước đạt 100 điểm, cao gấp 5,9 lần so với đầu tháng 3 (17 điểm). Phần lớn lưu lượng truy cập đến từ Mỹ, Australia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức và Thái Lan.

Theo báo cáo chỉ số phát triển du lịch và du lịch năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, du lịch Việt Nam đã tăng 8 bậc. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào top đầu thế giới, du lịch Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia phát triển nhanh nhất. Đây là kết quả từ chính sách ứng phó linh hoạt của chính phủ đối với dịch bệnh.

Trong khi đó, lượng tìm kiếm các điểm đến nước ngoài của du khách Việt Nam trong tháng 7 cũng đã tăng 780% so với cùng kỳ năm trước do lượng du lịch quốc tế tăng trở lại. Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất bao gồm 6 quốc gia ở Đông Nam Á, gồm: Singapore, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Philippines.

Báo The Business Times: Du lịch Việt Nam sẵn sàng cho quá trình tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 3.

Sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, du khách nước ngoài đang dần trở lại Việt Nam. Ảnh: CNN

Triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 23/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch năm 2022 bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp; chủ động phối hợp, hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp du lịch nòng cốt để tăng cường liên kết giữa các địa phương và triển khai các hoạt động định hướng cho việc thúc đẩy phục hồi du lịch trên phạm vi cả nước; khởi động lại hoạt động số hoá di sản với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới.

Kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kiện toàn nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; có thể xem xét, bổ sung thêm cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo (nếu cần thiết), bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới; chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương liên quan đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, chú trọng đào tạo nhân lực có tay nghề cao nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Giải ngân Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết những vấn đề vướng mắc để giải ngân nguồn kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phục vụ các nhiệm vụ tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan rà soát, đề xuất việc kiến nghị mở rộng danh sách các nước, vùng lãnh thổ có tiềm năng gửi khách du lịch đến Việt Nam được xét cấp thị thực điện tử.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Đồng thời, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả triển khai các đề án, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017); chủ trì sơ kết, đánh giá 05 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW trong Quý IV năm 2022, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung (nếu cần thiết) bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Công an tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam; nghiên cứu mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử, báo cáo Chính phủ trong năm 2022.

Điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú bằng giá điện sản xuất

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2022.