Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh và bền vững

PV
06:01 - 18/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Để phục hồi bền vững sau dịch COVID-19, ngành du lịch cần tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, phối hợp với các bộ, ban, ngành tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế để thu hút du khách quốc tế.

Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch đã chủ trì cuộc họp bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch, đánh giá việc thực hiện và đề xuất tháo gỡ khó khăn trong triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch phục hồi ấn tượng

Từ đầu năm 2022 đến nay ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt du khách trong nước (kế hoạch cả năm 2022 là 60 triệu lượt), 733.000 lượt du khách quốc tế. Tổng thu đạt 316.000 tỉ đồng. Số doanh nghiệp lữ hành trở lại hoạt động và cấp phép mới đã tăng trở lại, với 2.563 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 1.060 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh và bền vững - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Sau đại dịch, 90% các cơ sở lưu trú hoạt động trở lại, đạt trên 55% công suất phòng với các ngày trong tuần, dịp cuối tuần đạt trên 95%, nhất là những điểm đến có sức hấp dẫn lớn. Hoạt động vận tải, hàng không đáp ứng khá tốt nhu cầu du khách nước ngoài.

Việc làm mới, xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch được đẩy mạnh. Hoạt động liên kết phát huy hiệu quả nhất là kết nối giữa các trung tâm du lịch (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…) với các điểm đến lân cận.

Đây cũng là cơ hội để phát triển du lịch bền vững mà ưu tiên chính của du lịch bền vững là bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của các di sản văn hóa tại Việt Nam, giảm tác động vào môi trường.

Tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế 

Tuy nhiên, ngành du lịch cũng đứng trước áp lực giá cả dịch vụ tăng cao, chất lượng phục vụ chưa tương ứng. Tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên nghiệp ở các cơ sở lưu trú, dịch vụ. Lợi thế cạnh tranh trong việc cấp thị thực, thời gian lưu trú của Việt Nam chưa thuận lợi bằng những quốc gia khác. Việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp, quảng bá du lịch quốc tế đang ở mức độ rất hạn chế.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng để du lịch phục hồi bền vững sau dịch bệnh COVID-19, bên cạnh du lịch nội địa cần có các biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng khách quốc tế nhằm tiếp tục giữ và nâng chất lượng dịch vụ du lịch, đủ khả năng cạnh tranh với các nước khác.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh và bền vững - Ảnh 2.

Cần có các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Ảnh: VGP

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế liên quan đến các quy định xuất nhập cảnh, quá cảnh, lưu trú để thuận lợi hơn cho du khách quốc tế; lập văn phòng đại diện du lịch ở một số thị trường trọng điểm; cơ chế liên kết phát triển du lịch giữa các ngành, các địa phương trong vùng; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030…

Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ chế hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; triển khai xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài; tăng cường các hoạt động du lịch mang tính chất liên kết giữa các địa phương, các ngành; mở rộng hình thức cấp thị thực nhập cảnh (visa) điện tử, cơ chế tính giá điện đối với dịch vụ du lịch… Theo các đại biểu, điểm cốt yếu là tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực điện tử cho du khách như rút ngắn thời gian, gia hạn thời gian lưu trú.

Ông Vũ Thế Bình đề xuất thành lập văn phòng xúc tiến du lịch của các hiệp hội, nòng cốt là các doanh nghiệp du lịch lớn, tại một số thị trường trọng điểm, có sự hỗ trợ của Đại sứ quán, thương vụ ở nước sở tại, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch,…

Về vấn đề cấp thị thực nhập cảnh, đại diện Bộ Công an cho biết hiện Bộ Công an đã cấp thị thực điện tử cho công dân của khoảng 80 quốc gia, miễn thị thực cho 25 quốc gia.

Đối với cơ cấu tính giá điện cho dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng trước khi quyết định điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất; đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch phải chủ động nghiên cứu, đề xuất rất cụ thể về chính sách ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất…

Trước tình hình thiếu nhân lực cho các cơ sở dịch vụ, lưu trú du lịch, theo ông Vũ Thế Bình, thời gian tới cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao phục vụ du khách quốc tế, nhất là tại các cơ sở lưu trú 2 sao, 3 sao, về kỹ năng mềm, thái độ phục vụ, ngôn ngữ giao tiếp, chú ý ứng dụng mạnh mẽ công nghệ.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của các hộ kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ đó kiến nghị hỗ trợ phù hợp; chủ động phối hợp, hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp du lịch nòng cốt hình thành các tuyến du lịch trọng điểm liên kết giữa các địa phương; khởi động lại hoạt động số hoá di sản với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch để phục vụ các sản phẩm du lịch mới.

Nguồn: VGP
Bình luận của bạn

Bình luận