Dịch sốt xuất huyết gia tăng mạnh

Nhật Minh
19:24 - 12/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các ca mắc sốt xuất huyết ngày càng tăng tại một số địa phương, đáng chú ý tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã ghi nhận nhiều ca tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến nay, thành phố đã ghi nhận 24.941 trường hợp mắc sốt xuất huyết, cao gấp 216% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, số ca tử vong do sốt xuất huyết tại một số khu vực của Thành phố Hồ Chí Minh tăng, nâng tổng số ca tử vong lên 13 trường hợp.

Dịch sốt xuất huyết đang ngày càng gia tăng mạnh - Ảnh 1.

Phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai

Tương tự Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai cũng đã ghi nhận ca tử vong thứ 10 do sốt xuất huyết. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 140% so với năm 2021. Tổng cộng hơn 1.400 ổ dịch được phát hiện.

Ca bệnh tử vong gần đây nhất được ghi nhận tại Đồng Nai vào ngày 12/7, là một bệnh nhân nữ sinh năm 2004, trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Nguyên nhân tử vong do sốc sốt xuất huyết nặng, nhiễm trùng, tổn thương gan nặng, theo dõi suy đa tạng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, cả 3 khoa Cấp cứu, Bệnh nhiệt đới, Hồi sức tích cực - chống độc đều đang trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhi mắc sốt xuất huyết mới, trong đó có nhiều ca nặng bị sốc sốt xuất huyết nặng phải thở máy, lọc máu.

Để tăng cường hỗ trợ điều trị cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, bệnh viện phải huy động lực lượng y bác sĩ từ nhiều khoa phòng khác.

Tại Hà Nội, theo Báo cáo của Sở Y tế, trong tuần từ ngày 1 - 7/7, thành phố ghi nhận 79 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 1,5 lần so với tuần trước. Số lượng bệnh nhân ghi nhận rải rác tại 23 quận, huyện.

Hiện, tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội là 254 trường hợp. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chưa ghi nhận bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, đây chỉ mới là bắt đầu cho đợt dịch sốt xuất huyết. Dự báo, đỉnh dịch có thể rơi vào tháng 8.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sốt xuất huyết Dengue có các biểu hiện lâm sàng từ nhẹ tới nặng.

Phần lớn các trường hợp ở thể nhẹ, nhưng khoảng 20% các trường hợp có thể diễn biến thành các thể nặng với các dấu hiệu tiền sốc, hoặc sốc, hay có các dấu hiệu cảnh báo nặng, cần phải nhập viện điều trị như: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, li bì, đau đầu nhiều, nôn, hoặc buồn nôn, tiêu chảy, đau tức vùng gan...

Hiện nay có tình trạng đưa bệnh nhân nhập viện trễ gây tử vong. Ngày thứ 4 - 5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng, vì không phải bệnh nhân nào sốt xuất huyết cũng có những dấu hiệu rõ ràng.

Do đó, khi có dấu hiệu sốt cao 2 ngày, người bệnh cần tới các cơ sở y tế để xác định bệnh. Từ đó, các bác sĩ sẽ có những hướng dẫn hợp lý.

Bộ Y tế dự báo, số ca mắc COVID-19 và ca mắc sốt xuất huyết thời gian tới có thể tiếp tục tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo:

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, người dân cần cảnh giác phòng chống bằng các biện pháp đơn giản như: Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, chủ động dọn dẹp vệ sinh nơi ở, lật úp các vật dụng chứa nước mưa để loăng quăng không phát triển. Mắc màn và mặc quần áo dài tay khi đi ngủ kể cả ban ngày.

Hiện, sốt xuất huyết chưa có vaccine cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy khi có các dấu hiệu của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra.