Đi ngược với các nền kinh tế lớn, Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất

Li Lê
14:25 - 15/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Khác với Mỹ hay Châu Âu, Trung Quốc vừa công bố tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Sáng 15/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bất ngờ hạ lãi suất cơ bản để hỗ trợ nền kinh tế đang chịu tác động từ dịch COVID-19 và khủng hoảng bất động sản.

Theo đó, PBOC hạ lãi suất cho vay tham chiếu kỳ hạn một năm của Trung Quốc thêm 10 điểm cơ bản, về 2,75%. Lãi suất trong thỏa thuận mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày cũng giảm từ 2,1% về 2%.

Đi ngược với các nền kinh tế lớn, Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Nguồn: Getty Images

Động thái này được đưa ra ngay sau khi Trung Quốc công bố số liệu bán lẻ, đầu tư và sản lượng công nghiệp đều thấp hơn dự báo. Theo Cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng công nghiệp tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo là 4,3%. Doanh số bán lẻ tăng 2,7%. Đầu tư vào tài sản cố định tăng 5,7% trong 7 tháng đầu năm, cũng thấp hơn dự báo là 6,2%.

Ngay khi Trung Quốc hạ lãi suất, giá đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế cũng theo đó giảm 0,3% so với đồng USD. Hiện, mỗi USD đổi được 6,7607 nhân dân tệ. 

Thị trường chứng khoán đất nước tỉ dân cũng đi xuống. Chỉ số CSI 300 và Shanghai Composite hiện giảm 0,07%.

Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management Zhang Zhiwei cho rằng, mặc dù mức hạ lãi suất khá nhỏ nhưng nó có "mang tính báo hiệu nhiều hơn", cho thấy giới chức Trung Quốc sẵn sàng hành động.

Động thái hạ lãi suất trên của Trung Quốc đi ngược hoàn toàn với nhiều nền kinh tế lớn khác. Nhằm kìm hãm lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Cụ thể, ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã công bố tăng lãi suất thêm 0,75%. Đây là lần thứ hai, FED tăng lãi suất trong hai tháng. Mức tăng nhanh đáng kể này có khả năng làm chậm lại nền kinh tế Mỹ. 

Hiện, các nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ đã tiếp tục đưa ra dự báo về động thái tiếp theo của FED. Đa phần họ đều cho rằng FED vẫn sẽ giữ lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ. Cụ thể, các nhà đầu tư đã nâng xác suất FED tăng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 9 lên gần 70%, cao hơn đáng kể mức 40% trước khi báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ được công bố.

Thậm chí, đích thân Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ xem xét một đợt nâng lãi suất “lớn bất thường” nữa vào cuộc họp ngày 20 - 21/9. 

Tương tự, ngày 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng bất ngờ thông báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên ECB tăng lãi suất kể từ năm 2011 và mức tăng này mạnh hơn dự kiến. 

Hiện, châu Âu đang phải đối mặt với lạm phát phi mã và khủng hoảng năng lượng khi các nước loay hoay đa dạng hóa nguồn cung. 

Động thái này đã khiến đồng Euro lên giá so với đồng USD sau một thời gian giảm giá mạnh.