Ác mộng mang tên "Tiệc tất niên"

Nguyễn Khanh
11:11 - 05/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cuối năm, chuyện các cơ quan, các doanh nghiệp, các khu phố mở tiệc tất niên như đã thành thông lệ, nhất là một số tỉnh ở khu vực phía Nam. Vì thế, những ngày cuối tháng Chạp, chuyện ồn ào từ các buổi tiệc tất niên khiến cho nhiều người khiếp sợ bởi tiếng loa đài đập rộn ràng, inh ỏi suốt nhiều giờ đồng hồ.

Vui quá hóa phiền

Anh Nguyễn Duy - một người dân đang sống trên địa bàn thành phố Long Xuyên, An Giang chia sẻ: "khu phố chúng tôi đang sinh sống có rất nhiều các công ty tư nhân đang hoạt động. Vì thế, những ngày cuối năm, họ tổ chức tiệc tất niên ở ngoài đường và chúng tôi liên tục phải chịu những tiệc rượu bia ồn ào kéo dài. Nhưng có lẽ kinh khủng hơn cả là phải chứng kiến những người nôn ói ra ngoài đường vì say xỉn, rồi bia rượu đổ ra đường. Vì thế, mỗi lần phải đi qua, đi lại những chỗ như vậy chúng tôi luôn bị ám ảnh bởi những mùi nồng nặc khó chịu...".

Ác mộng mang tên tiệc tất niên  - Ảnh 1.

Hiện nay nhiều địa phương kiến nghị đưa việc cấm sử dụng loa công suất lớn tại không gian công cộng vào hương ước, quy ước của khu phố, khu dân cư. Ảnh minh họa: Cổng TTĐT Thành phố Hồ Chí Minh

Ai cũng biết, sau một năm lao động vất vả, mọi gia đình, khu phố, hay xóm làng, các công ty cũng muốn mọi người được gặp gỡ, giao lưu với nhau để hàn huyên những câu chuyện cuối năm khi Tết đến, Xuân về. Những buổi tiệc tất niên có thể giúp cho mọi người có thể xích lại gần nhau hơn, thân ái với nhau và hiểu nhau nhiều hơn. Rõ ràng những buổi tiệc vui vẻ, ý nghĩa đó sẽ tạo được động lực và thể hiện nên tính cộng đồng rất cao cho văn hóa người Việt chúng ta ở mỗi khu phố hay các công ty, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi mà điều kiện kinh tế phát triển, các dịch vụ cho thuê loa đài công suất lớn cũng được phát triển mạnh mẽ, họ sắm những chiếc loa thùng rất lớn, âm thanh cực khủng để cho thuê. 

Những buổi tiệc cuối năm dù là gia đình, khu phố hay các công ty đều không thể thiếu được việc thuê loa đài về để tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ. Ngoài những lời chúc mừng nhau, những bài hát được tải trên mạng Internet thì tiết mục karaoke là không thể thiếu. 

Khi mọi người đã có men rượu bia vào càng nhiều thì nhu cầu hát hò cũng tăng lên gấp bội. Những tiếng hát không rõ lời, mà đúng hơn đó là những tiếng la hét trong âm thanh cực khủng, chát chúa, rung chuyển cả nhà, cả đất, đã trở thành nỗi sợ khủng khiếp cho những người qua lại. 

Đặc biệt là những gia đình hàng xóm xung quanh phải chịu trận những tiếng âm thanh từ các dàn loa đài đang được mở hết công suất suốt nhiều tiếng đồng hồ mà không biết than thở cùng ai.

Chị Trần Thị Thư cảm thán: "nhiều gia đình, công ty tổ chức tiệc vào buổi sáng thì độ 10 giờ sáng đã bắt đầu vang lên tiếng loa đài cho đến 3 - 4 giờ chiều. Tổ chức buổi chiều thì kéo dài đến mãi khuya, tiếng hát, tiếng loa ấy cứ liên miên, cứ vang vọng đến nỗi nhiều người phải bỏ nhà ra quán cà phê hoặc lấy xe chạy lòng vòng đâu đó để tránh tiếng ồn, tránh những màn tra tấn của âm thanh từ những buổi tiệc tất niên của những nhà xung quanh.

Khổ nỗi, tiệc tất niên bây giờ thì nhiều công ty, nhiều cơ sở kinh doanh không tổ chức kín đáo trong gia đình mà họ thường bắc rạp ra đường phố, lấn hết cả mặt bằng của nhiều gia đình. Vậy nên, tiếng loa thùng càng như rõ ràng hơn, khủng khiếp hơn. Mọi người xung quanh cũng chỉ biết chịu trận chứ đâu dám góp ý gì bởi góp ý những người đang uống rượu, uống bia, họ đang hưng phấn hò hát mà làm họ "tụt hứng" thì nhiều khi lại tự rước họa vào thân mà thôi".

Phải hướng tới văn minh đô thị 

Việc tổ chức tiệc tất niên hiện nay gần như các công ty, xí nghiệp đều thực hiện đều đặn hàng năm. Vẫn biết, đó là nét văn hóa đáng quý của nhiều chủ công ty khi đứng ra tổ chức cho nhân viên của mình sau một năm làm việc. Trong số những nhân viên như vậy có người sau tiệc tất niên sẽ về quê, có người xa quê thì ở lại. Những buổi tiệc tất niên có thể vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê cho nhiều người. Nhưng, cách tổ chức như thế nào để ấm áp, gọn gàng và ý nghĩa thì các chủ doanh nghiệp cũng cần phải hướng tới nhằm tránh ảnh hưởng đến những gia đình đang sinh sống xung quanh mình.

Những khu phố, những xóm làng thân cận với nhau thì cũng cần thiết gọn nhẹ, có thể tổ chức trong sân, trong nhà. Không nên tổ chức rình rang như thuê loa, thuê phông rạp để nhảy múa, hát hò làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Bởi mỗi con đường, mỗi khu phố có những người khỏe mạnh, có những thanh thiên ham vui thì cũng có rất nhiều những cụ già, những em nhỏ, những người ốm đau, bệnh tật. Họ cần cần nghỉ ngơi, cần yên tĩnh…

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay thì dịch bệnh dù đã được đẩy lùi nhưng vẫn đang tiềm ẩn nhiều nỗi lo. Lỡ không may, xảy ra những sự cố ngoài ý muốn thì ảnh hưởng đến biết bao nhiêu gia đình và liên lụy đến các cấp chính quyền khi Tết Nguyên đán đang cận kề. Vì thế, cho dù chúng ta đang sống trong điều kiện bình thường nhưng mỗi công dân cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm với nơi mình đang sinh sống, làm việc.

Mùa Xuân đang về trên mọi nẻo đường và ai cũng có ước mơ cho mình, nhiều người có nhu cầu muốn vui vẻ, muốn hết mình với nhau thì người khác cũng có nhu cầu, ước mơ của họ. Nhu cầu, ước mơ đó thật giản đơn thôi, đó là sự yên tĩnh và tôn trọng nhau trong cuộc sống hiện đại này. Đừng để những niềm vui của mình mà làm ảnh hưởng đến nhiều người. 

Niềm vui khi mùa Xuân đến sẽ trọn vẹn hơn là mọi người, mọi gia đình đều an toàn, hạnh phúc, khu phố, khu dân cư an yên, không phải nghe những âm thanh chát chúa hay chứng kiến những cảnh nôn ói ra đường.

Tiệc tất niên, càng ngắn gọn càng ý nghĩa và tạo sự an toàn cho mọi người, càng kéo dài thì mức độ tỉnh táo của những người tham dự càng giảm đi vì bia rượu uống vào. Vì thế, những buổi tiệc tất niên cũng nên vui có chừng mực để tạo sự an toàn cho mọi người và điều quan trọng là không làm ảnh hưởng đến những gia đình sống lân cận buổi tiệc ấy.