Đến ngày 31/7, chưa xong làn thu phí tự động thì... xả trạm
Xoay quanh vấn đề triển khai thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay đến ngày 31/7, chỗ nào lắp đặt xong sẽ thu phí, còn chưa xong thì xả trạm.
Ngày 9/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể liên quan đế nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Trong đó khi đại biểu đề cập về vấn đề thu phí không dừng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, thu phí không dừng là công nghệ mới, cần ứng dụng để giúp việc đi lại và nộp thuế phí của người dân được tiện lợi, công khai, minh bạch.
Chính phủ đã triển khai ứng dụng công nghệ này từ năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, do thói quen của người dân, vận hành gặp sơ suất kỹ thuật.
Năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết giao Chính phủ đến năm 2019 phải triển khai xong việc này. Tuy nhiên, với số lượng làn đường lớn, Bộ đã không đáp ứng được theo đúng tiến độ Nghị quyết đề ra.
Từ năm 2017 mới đạt 3,2 triệu ôtô, nên đến nay mới đủ thời điểm chín muồi để thực hiện việc thu phí không dừng. Đến năm 2019, làm xong việc thiết kế 2 làn cho đường cao tốc xây dựng trạm thu phí không dừng ở các trạm BOT.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, đến ngày 30/6, toàn bộ các trạm BOT trừ trạm của Tổng Công ty Đường cao tốc phải lắp đầy đủ trạm thu phí không dừng ở các làn. Đến 31/7 sẽ hoàn thành toàn bộ lắp các trạm thu phí đầy đủ ở tất cả các làn đường.
"Phải từng bước mở rộng, chưa dán thẻ mà làm nhiều thì không sử dụng được. Nên chúng tôi khẳng định đến 2019 là xong. Đến nay, 28 trạm của Tổng công ty đường cao tốc mới ký hợp đồng, chúng tôi liên tục họp nhiều lần để quyết định ngày 31/7 vì các cơ quan này cam kết với Chính phủ là sẽ làm xong", Bộ trưởng Nguyễn VănThể nói căn cứ vào cam kết trên để thực hiện.
Theo Bộ trưởng, vấn đề tái cơ cấu của Tổng Công ty Đường cao tốc cũng là tác nhân dẫn đến chậm tiến độ triển khai trạm thu phí không dừng.
Tổng Công ty đường cao tốc vốn chỉ có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong khi vốn vay lên tới hơn 120.000 tỉ đồng, nên khi tái cơ cấu doanh nghiệp không thể vay mượn để thực hiện dự án. Dẫn tới vừa qua nhiều dự án dừng, không thi công, kể cả Bến Lức - Long Thành, nên Quốc hội cho cơ chế cấp phát vốn và cho vay.
Về phương án tài chính cho BOT, Bộ trưởng cho hay trước đó phương án đã trình Bộ Chính trị, nên nếu điều chỉnh, thì cần phải có ý kiến của Trung ương. Trước mắt, vừa qua Quốc hội và Chính phủ đã tháo gỡ bằng việc cấp thêm điều lệ và Tổng Công ty đường cao tốc cũng cam kết 31/7 là xong, nên sẽ làm căn cứ thực hiện chỗ nào xong thu phí, còn không xong thì xả.
Về tiến độ, đến nay là cơ bản xong và ngày 31/7, các trạm có đủ làn thu phí.
Về quan tâm của các đại biểu liên quan đến vấn đề co hay không lợi ích nhóm BOT, ông Thể cho biết hiện nay chưa phát hiện lợi ích nhóm. Trường hợp có vấn đề gì, cá nhân nào vi phạm sẽ xử lý và chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng nhận định việc lắp đặt thu phí không dừng liên quan đến người dân nên rất nhạy cảm, các cơ quan chức năng, kể cả Bộ Công an rất quan tâm đến vấn đề này. Bộ trưởng khẳng định: "Đến nay chưa phát hiện lợi ích nhóm giữa cơ quan nhà nước cấu kết với nhà đầu tư. Còn nếu có vấn đề gì bên trong, nếu có vi phạm gì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tôi nghĩ chúng ta có bộ máy để kiểm tra, giám sát việc này".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google