Ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Tuyệt đối không học tủ

Lam Linh
14:37 - 17/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang cận kề, đối với môn Ngữ văn, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản và lưu ý yêu cầu cũng như phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi.

Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa các sĩ tử sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023. Do đó, không ít học sinh rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng vì khối lượng kiến thức lớn.

Trao đổi với Tạp chí Công dân và Khuyến học, cô Nguyễn Thị Hảo - giáo viên môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (Thanh Hóa) cũng là nhà giáo lâu năm với kinh nghiệm đứng lớp đội tuyển, có nhiều học sinh đạt điểm cao môn Ngữ văn trong các kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông, đã có những chia sẻ rất bổ ích về những lưu ý cho học sinh khi ôn thi trong giai đoạn nước rút cũng như "bí quyết" để làm bài thi môn Ngữ văn đạt điểm cao.

Hệ thống kiến thức cũ, nắm chắc kiến thức cơ bản 

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là một kỳ thi hướng đến kiểm tra, đánh giá cho đối tượng học sinh ở mọi vùng miền khác nhau nên nội dung, mục đích chính của đề thi vẫn là kiểm tra, đánh giá kiến thức cơ bản.

Do đó, theo cô Nguyễn Thị Hảo, không riêng gì môn Ngữ văn, tất cả các môn học khác, học sinh muốn làm bài tốt thì trước hết phải nắm chắc kiến thức cơ bản.

"Trong tuần cuối ôn thi, các sĩ tử đã ít nhiều sở hữu cho mình "vốn" văn học riêng. Vì vậy, trong giai đoạn nước rút, học sinh không nên tập trung quá nhiều vào việc nạp kiến thức mới. Thay vào đó, các em hãy tập trung vào những vấn đề quan trọng bằng cách xây dựng thời gian biểu hợp lý để hệ thống hóa toàn bộ kiến thức và thực hành bài thi thử", cô Nguyễn Thị Hảo chia sẻ.

Ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Tuyệt đối không học tủ - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Hảo - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng (Thanh Hóa). Ảnh: NVCC

Để hệ thống hóa lại kiến thức, cô Nguyễn Thị Hảo khuyên học sinh phải chú ý bám sát cấu trúc đề minh họa, xác định rõ những kiến thức cơ bản, trọng tâm cũng như những yêu cầu kỹ năng vận dụng để làm bài.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Hảo cũng "mách nước" rằng, một trong những phương pháp cơ bản nhất để hệ thống lại kiến thức chính là sử dụng sơ đồ tư duy.

Chiến thuật ôn thi từng phần theo cấu trúc đề thi môn Ngữ văn

Cô Nguyễn Thị Hảo nhấn mạnh, để làm tốt bài thi môn Ngữ văn, học sinh cần lưu ý yêu cầu và phương pháp làm bài với mỗi kiểu câu hỏi.

Đối với phần Đọc hiểu chiếm 3/10 điểm của bài thi và là phần có thể lấy trọn điểm tối đa. Theo cô Nguyễn Thị Hảo, khi làm phần này thì học sinh cần chú ý thực hiện các yêu cầu của đề theo ba mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng.

Để làm bám sát được đáp án, học sinh nên trả lời lần lượt một cách đầy đủ, chính xác thông tin và mạch lạc. Khi làm dạng câu hỏi thông hiểu, học sinh chú ý dựa vào văn bản và hiểu biết của bản thân rồi trình bày vấn đề một cách khoa học, khách quan.

Còn đối với dạng câu hỏi thông hiểu và vận dụng, cô Nguyễn Thị Hảo lưu ý học sinh tránh trả lời sơ sài hay cộc lốc.

Ngoài ra, đối với câu nghị luận xã hội, giáo viên dạy Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng chia sẻ thêm, học sinh cần nhanh chóng xác định rõ khía cạnh vấn đề yêu cầu nghị luận.

Trong quá trình làm bài, học sinh phải biết vận dụng linh hoạt các thao tác lập luận, dùng luận cứ, luận chứng để cấu trúc đoạn văn bảo đảm tính mạch lạc, chặt chẽ và logic. Cô Nguyễn Thị Hảo cho hay, học sinh có thể dựa vào nội dung phần Đọc - hiểu để từ đó gợi mở, thể hiện thái độ và đưa ra được những quan điểm cá nhân thuyết phục. Cuối cùng, thí sinh đừng quên rút ra bài học cho bản thân.

Bên cạnh đó, câu nghị luận văn học - phần chiếm 50% số điểm của toàn bài thi nên cô Nguyễn Thị Hảo lưu ý học sinh cần dành khoảng thời gian phù hợp để ôn luyện. Làm bài thi phần này, thí sinh cần phân bổ thời gian nhiều nhất để hoàn thành.

Giáo viên môn Ngữ văn Nguyễn Thị Hảo
Để làm tốt phần nghị luận văn học, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của mọi tác phẩm thay vì học tủ, bởi việc này có tỉ lệ rủi ro cao, đồng thời sẽ ảnh hưởng đến tâm lý khi làm bài nếu "lệch tủ".

Các kiến thức nền tảng cần hệ thống lại khi ôn tập bao gồm: vị trí và phong cách nghệ thuật của tác giả; xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, chủ đề, nội dung chính và những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.

Đối với từng tác phẩm, theo cô Nguyễn Thị Hảo, học sinh cần tập trung nắm vững những đóng góp nổi bật trên phương diện nội dung cùng những sáng tạo độc đáo của tác giả về nghệ thuật, từ đó vận dụng vào làm bài một cách hợp lý.

Bên cạnh đó, học sinh nên nhóm các tác phẩm cùng đề tài, chủ đề, cảm hứng để có thêm những liên hệ so sánh trong phần đánh giá, khái quát. Bài viết cần đảm bảo tính mạch lạc, liên kết, rõ trọng tâm, có vận dụng kiến thức lí luận phù hợp để tăng tính thuyết phục cho luận điểm.

Đây cũng chính là bí quyết giúp bài làm của thí sinh trở nên có sức hút và đặc biệt hơn khi thể hiện được kiến thức văn học của bản thân.

"Cuối cùng, sự cân đối, hài hòa, trọn vẹn, hình thức đẹp của bài viết cũng là một yếu tố quan trọng để bài thi đạt điểm cao", cô Nguyễn Thị Hảo bày tỏ.

Ngoài việc chuẩn bị tốt về kiến thức thì sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý cũng vô cùng quan trọng. Giáo viên dạy Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Hàm Rồng đưa ra lời động viên đối với các sĩ tử: “Trong giai đoạn này, các em cần sắp xếp thời gian học tập, ngủ nghỉ hợp lí và khoa học. Đồng thời, hãy giữ tâm thế chủ động, thoải mái, tránh áp lực quá lớn cũng như đảm bảo cả trí lực và thể lực đỉnh cao khi bước vào kỳ thi".
Bình luận của bạn

Bình luận