"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" vào đề thi thử tốt nghiệp thành phố Cần Thơ

Ly Hương
08:22 - 01/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ vừa tổ chức khảo sát chất lượng học sinh lớp 12 năm học 2022-2023. Câu nghị luận văn học môn Ngữ văn yêu cầu thí sinh cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" vào đề thi thử tốt nghiệp thành phố Cần Thơ - Ảnh 1.

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" vào đề thi thử tốt nghiệp thành phố Cần Thơ - Ảnh 2.

Gợi ý đọc hiểu văn bản "Ngọn nến"

Câu 1. Thể thơ năm chữ.

Câu 2. Những từ ngữ diễn tả hành động của "hoa" và "diều" trong hai khổ thơ đầu: "chắt hương", "lọc màu", "đón gió", "chao nghiêng chao ngửa".

Câu 3. Biện pháp điệp từ được sử dụng trong những dòng thơ: "Biết chắt hương... hoang sơ " là: điệp từ "biết", "từ". Tác dụng nhấn mạnh việc chắt chiu, gạn lọc hương sắc, những cái đẹp từ cuộc sống để tự làm đẹp, tạo ra giá trị bản thân của những đóa hoa. Tạo giọng điệu, nhịp điệu và tăng sức biểu đạt, sức gợi hình, gợi cảm cho hình ảnh thơ.

Câu 4. Hai dòng thơ nói về việc ngọn nến phải tự "đốt mình", nghĩa là hy sinh bản thân, biến mình thành ngọn lửa để "làm nên chút nắng", mang đến ánh sáng, sự ấm áp cho cuộc đời. Từ đó, ta rút ra bài học: muốn khẳng định giá trị bản thân, ta phải sống hết mình với đam mê, nhiệt huyết của bản thân; đừng nhút nhát, sợ hãi, phải chấp nhận thử thách, sẵn sàng đương đầu với khó khăn để đạt được mục tiêu, lí tưởng sống của mình.

Cần làm gì để khẳng định giá trị bản thân?

Khẳng định giá trị bản thân là việc cá nhân thể hiện khả năng, năng lực của mình để xác lập vai trò, vị trí trong cuộc sống.

Muốn khẳng định giá trị bản thân, mỗi người chúng ta cần xác lập rõ ràng mục tiêu, lí tưởng sống của bản thân. Hiểu rõ năng lực, khả năng của bản thân, phát huy những ưu điểm, thế mạnh.

Ta phải tự tin, mạnh dạn, sẵn sàng xông pha, đón nhận thử thách, tìm kiếm cơ hội để thể hiện bản thân. Không ngừng học tập để trau đồi, rèn luyện và hoàn thiện bản thân.

Phê phán những người không có ý thức khẳng định giá trị bản thân, những người luôn tự ti, sợ hãi hoặc thể hiện bản thân một cách thái quá, ngông cuồng.

Vẻ đẹp sông Hương trong đoạn trích "Ai đã đặt tên cho dòng sông"

Đoạn chảy qua kinh thành Huế, vẻ đẹp của sông Hương được cảm nhận dưới nhiều góc độ: Sông Hương được nhân hóa để thành một thiếu nữ với tâm trạng "vui tươi, yên tâm" khi gặp người tình mong đợi. Nó vừa e ấp kín đáo vừa tha thiết mãnh liệt " như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu".

Nhìn bằng con mắt của hội họa: sông Hương cùng những chi lưu tạo nên những đường nét thật mềm mại, tinh tế và cổ kính. Cảm nhận bằng âm nhạc: sông Hương như điệu slow du dương, sâu lắng và ngập tràn tình cảm.

Đoạn văn làm nổi bật vẻ đẹp của dòng sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế. Sông Hương nổi bật với điệu chảy nhẹ nhàng, sâu lắng, rất tiêu biểu cho vẻ đẹp lãng mạn đắm say của xứ Huế mộng mơ. Sông Hương xứ Huế có khả năng khơi gợi tình cảm sâu thẳm trong trái tim con người.

Sông Hương gặp thành phố như đến với điểm hẹn tình yêu, nó như tìm được chính mình nên vui tươi và đặc biệt chậm rãi, êm dịu, mềm mại như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu. Nó có những đường nét tinh tế: "uốn một cánh cung rất nhẹ sang cồn Hến". "Điệu chảy lặng lờ" của con sông khi ngang qua thành phố đẹp như "điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế".

Nghệ thuật: Đoạn cho thấy một cái tôi Hoàng Phủ Ngọc Tường thực sự tài hoa và chân thành yêu sông Hương - xứ Huế. Cái tôi tài hoa trong lối hành văn uyển chuyển với ngôn từ đa dạng và hình ảnh phong phú. Cái tôi uyên bác, giàu vốn hiểu biết và yêu tha thiết quê hương, xứ sở, Huế và sông Hương…

Đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật: Giọng văn nhẹ nhàng với ngòi bút tinh tế, lối viết giàu cảm xúc, kết hợp giữa miêu tả và tự sự. Các biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa… được sử dụng hiệu quả.

Bình luận của bạn

Bình luận