Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn độc đáo: Nhìn hình ảnh viết bài luận về bạo lực ngôn ngữ

Ly Hương
06:00 - 28/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đề Ngữ văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo Quảng Hòa – Cao Bằng yêu cầu thí sinh quan sát bức ảnh và viết đoạn văn bàn luận về vấn đề được gợi ra từ hình ảnh: bạo lực bằng ngôn ngữ.

Phòng Giáo dục và Đào tạo Quảng Hòa – Cao Bằng vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa, trong đó có môn Ngữ văn 7 gây chú ý bởi đề thi yêu cầu thí sinh nhìn hình ảnh và viết đoạn văn bàn luận về vấn đề được gợi ra từ hình ảnh đó.

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn độc đáo: Nhìn hình ảnh viết bài luận về bạo lực ngôn ngữ - Ảnh 1.

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn độc đáo: Nhìn hình ảnh viết bài luận về bạo lực ngôn ngữ.

Hình ảnh trong đề thi Ngữ văn 7 gợi nhắc: Bạo lực ngôn ngữ, hành vi bắt nạt chẳng khác nào mũi tên xuyên qua tim người khác, để lại sự tổn thương, nỗi đau dai dẳng và có thể gây hậu quả khôn lường.

Vậy hiểu thấu đáo thế nào là bắt nạt bằng ngôn ngữ và bạo lực ngôn ngữ đi cùng những hậu quả của nó?

Bạo lực ngôn ngữ và bắt nạt - kẻ sát thủ vô hình

Bạo lực ngôn ngữ có thể được diễn ra ở bất kì hành động, lời nói nào trong quá trình giao tiếp cho dù người nói cố ý hoặc không cố ý. 

Một vài ví dụ về bạo lực ngôn ngữ và biểu hiện của bắt nạt bằng ngôn từ: 

  • Đặt biệt danh xấu cho người khácĐối tượng bạo hành sẽ chú ý đến những đặc điểm xấu của người khác để cố tình đặt một biệt danh nào đó cho họ. Nếu biệt danh này khiến cho bạn cảm thấy tự ti với chính mình và mọi người xung quanh thì có thể bạn đang bị bạo hành lời nói.
  • Luôn tìm mọi cách để khiến người khác cảm thấy ngượng ngùng: Những người bạo hành lời nói thường có xu hướng sử dụng những ngôn ngữ mỉa mai, châm biếm, chế nhạo về cách ăn mặc, vóc dáng, ngoại hình, sở thích của người khác nhằm mục đích hạ thấp và làm cho người đó cảm thấy xấu hổ. Hành động này có thể xảy ra ở những nơi riêng tư hoặc kể cả những chỗ đông người.
  • Trêu ghẹo: Thông thường những đối tượng này sẽ có sở thích trêu đùa, chọc phá người khác bằng những câu nói mà họ cho rằng vui nhộn, hài hước. Tuy nhiên, nếu những từ ngữ mà họ sử dụng không thể khiến cho đối phương cảm thấy vui vẻ, thoải mái thì đó có thể gọi là bạo lực lời nói.
  • Luôn chỉ trích: Cho dù là ở chỗ riêng tư hay là nơi công sở, đông người thì những lời nói chỉ trích không mang tính xây dựng cũng có thể khiến cho người khác cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương. Đây cũng được xem là một trong các hành vi bạo hành lời nói mà nhiều người hay gặp phải.
  • Thường xuyên lớn tiếng: Việc la hét, nói chuyện lớn tiếng hoặc sử dụng những từ ngữ, lời nói không lịch sự, thô lỗ để trò chuyện cùng người khác cũng là một hành vi bạo lực bằng lời nói.
  • Đe dọa: Hình thức đe dọa dù chỉ bằng lời nói, ngôn ngữ cũng có thể được xem là hành vi bạo hành nghiêm trọng. Những lời nói mang tính chất đe dọa, khủng bố, tra tấn sẽ làm người khác cảm thấy lo lắng, sợ hãi, dễ dàng bị kiểm soát và thao túng.
  • Buộc tội, đổ lỗi: Đây cũng được xem là một trong các hành vi bạo hành bằng lời nói khiến cho nhiều người cảm thấy bị tổn thương và hạ thấp danh dự. Người bạo hành thường sử dụng những lời nói nhằm mục đích buộc tội một ai đó với những tình huống vô lý hoặc ngoài ý muốn.

Hậu quả của bạo lực ngôn ngữ và bắt nạt

Bạo lực ngôn ngữ và bắt nạt không chỉ trong trường học, nó có thể xảy ra mọi nơi ở xung quanh chúng ta. Đôi khi, để đánh bại một người, chỉ cần nói một câu. Và nếu ngôn ngữ có thể đả thương, thì lời được nói từ miệng của người khác sẽ có sức tàn phá tâm hồn con người rất lớn.

Sử dụng bạo lực ngôn ngữ có thể gây ra sự tổn thương tinh thần cho người khác. Những từ ngữ xúc phạm, bôi nhọ và lăng mạ khiến người khác cảm thấy mất tự tin, tự ti, bị coi thường, dẫn đến ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của họ. 

Bạo lực ngôn ngữ còn có thể gây ra hậu quả về mặt tinh thần và thể chất. Khi bị bạo lực ngôn ngữ, họ phải chịu đựng cảm giác giận dữ và đau khổ, gây ra căng thẳng, lo âu và cảm giác bất an. Người bị bạo lực ngôn ngữ cảm thấy bị cô lập, bị bỏ rơi và mất niềm tin vào con người.

Khi một người sử dụng bạo lực ngôn ngữ, họ có thể khuyến khích những người khác làm theo họ, làm tăng bạo lực trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh và trật tự của cộng đồng. Khi một người sử dụng bạo lực ngôn ngữ, họ có thể không chỉ làm tổn thương người đối diện mà còn làm tổn hại đến mối quan hệ xã hội, tạo ra sự chia rẽ mất đoàn kết.

Sử dụng bạo lực ngôn ngữ còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Khi bị bạo lực bằng ngôn ngữ, các em có thể trở nên thô lỗ và thiếu tôn trọng người khác. Điều này gây ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn bè, gây ra mâu thuẫn và bất đồng. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập và phát triển của thanh thiếu niên.

Học sinh cần phải học cách vượt qua những câu nói tầm thường, để không bị nó cấu xé và gặm nhấm tâm hồn ta, bắt buộc phải đối mặt với nó bằng những suy nghĩ tích cực nhất. Đừng để bị tổn thương vì những điều tầm thường, không xứng đáng. Trừ khi bạn cho phép thì không ai có quyền làm tổn thương bạn.