Đề khảo sát Ngữ văn: Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống
Câu nghị luận xã hội đề khảo sát môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Tĩnh Gia 2, tỉnh Thanh Hoá, yêu cầu học sinh bàn về ý kiến: Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt: tự sự, biểu cảm, nghị luận.
Câu 2. Những đặc tính của loài kiến: biết được tất cả những con đường trên thế gian, chẳng bao giờ nhầm lẫn khi lựa chọn con đường. Những con kiến là những kẻ mộng du, những kẻ cô đơn hay là những kẻ mất ngủ hay là những kẻ không muốn ngủ... chưa bao giờ thấy chúng ngủ...
Câu 3. Kiến không có tiếng nói, chúng giao tiếp bằng cử chỉ và tín hiệu đặc biệt nhưng luôn trật tự, đoàn kết do thấu hiểu và hành động cùng chí hướng. Ẩn ý nhắn gửi con người: Con người dù nói cùng ngôn ngữ nhưng chưa thực sự đồng cảm, chưa thấu hiểu nhau.
Câu 4. Chăm chỉ, kiên trì sẽ giúp bạn thành công trong cuộc sống. Dũng cảm, mạnh mẽ để đối mặt với những phép thử khó khăn, thậm chí khắc nghiệt của đời sống. Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu bản thân cũng như mọi điều, mọi người trong cuộc đời này để sống đúng, sống có ý nghĩa, lan tỏa yêu thương.
II. LÀM VĂN
Câu 1. suy nghĩ về ý kiến: Biết lắng nghe – điều kì diệu của cuộc sống.
- Giải thích: Lắng nghe là một hành động mà mỗi người cần có sự tĩnh tâm, tính kiên nhẫn và chân thành để hiểu mình hơn; hiểu tâm sự của người khác, chia sẻ những câu chuyện của họ, đặt mình vào vị thế của người khác để thấu hiểu; đủ tinh tế để nhận ra những biểu hiện của cuộc sống. Biết lắng nghe - điều kì diệu của cuộc sống: thể hiện ý nghĩa tốt đẹp của việc biết lắng nghe.
- Ý nghĩa của việc biết lắng nghe bản thân: Hiểu mình, để trân trọng hơn những gì mình đang có; đồng thời cố gắng mỗi ngày để sống tốt, sống đẹp, chạm tới thành công và hạnh phúc.
- Ý nghĩa của việc biết lắng nghe con người và cuộc sống: Thể hiện sự tôn trọng với người khác. Giúp các mối quan hệ trở nên gắn bó, bền chặt hơn; con người sẽ sống vị tha, nhân ái hơn khi biết lắng nghe.
Câu 2. Cảm nhận ba khổ cuối trong bài thơ "Sóng" (Xuân Quỳnh). Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ.
* Giới thiệu khái quát tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm "Sóng", đoạn trích
* Niềm tin vào tình yêu và cuộc đời (Khổ 7)
- Xuân Quỳnh đã soi chiếu vào sóng để tìm ra sự tương đồng giữa em và sóng. Cặp hình ảnh ẩn dụ "sóng-bờ" ở đây được sử dụng rất mới mẻ dù đã được nói đến nhiều trong ca dao, thơ cũ. Nếu trong ca dao, sóng/thuyền/đò là ẩn dụ cho người con trai; bờ/bến ẩn dụ cho người con gái; thì ở đây"sóng" lại là hình ảnh của người con gái,"bờ" là niềm hạnh phúc sum vầy…
- Cách nói đối lập "dù" và đảo cấu trúc "Con nào chẳng tới bờ/Dù muôn vời cách trở" khiến câu thơ như một tiếng dặn lòng: luôn phải vượt lên những khó khăn, trắc trở để gìn giữ hạnh phúc của mình.
=> Từ đó chúng ta thấy được vẻ đẹp của một tình yêu mãnh liệt, thủy chung và sự chủ động đầy mạnh mẽ của người con gái khi yêu: niềm tin vào tình yêu sẽ cập được bến bờ hạnh phúc nếu biết vượt qua muôn trùng cách trở.
* Khát vọng tình yêu (Khổ 8-9)
- Sự nhạy cảm và âu lo, phấp phỏng về sự hữu hạn của đời người và sự mong manh của hạnh phúc. Xuân Quỳnh còn cảm thấy thấp thỏm âu lo khi nghĩ đến nỗi khát vọng tình yêu tuổi trẻ và quy luật nghiệt ngã của thời gian:"năm tháng vẫn đi qua". Đời người thì mỏng manh, ngắn ngủi; làm sao giữ mãi được tình yêu của một thời tuổi trẻ.
- Khao khát được sẻ chia, hoà nhập vào cuộc đời, một tình yêu vượt qua mọi giới hạn. Muốn tình yêu được bền vững đến muôn đời, trở thành vĩnh hằng thì phải biết gắn tình yêu vào cuộc sống.
+ "Tan ra" là khát vọng được hoà nhập vào cuộc đời, hóa thân vào những con sóng để vĩnh cửu hóa sự sống của cá nhân. Hai chữ "ngàn năm" đẩy khát vọng hoà nhập ấy đến độ vĩnh cửu. Động từ "vỗ" là biểu hiện của sức sống muôn đời.
+ Tình yêu không vị kỉ - chỉ biết cho riêng mình, mà là khát vọng được sống, dâng hiến hết mình. Đó là tiếng lòng của một tâm hồn giàu đức hi sinh và lòng cao thượng. Cuộc đời là biển lớn tình yêu, kết tinh vị mặn ân tình. Trong quan niệm của nhà thơ, số phận cá nhân không thể tách khỏi cộng đồng.
* Về nghệ thuật
- Nhịp điệu độc đáo, giàu sức liên tưởng: thể thơ năm chữ, cách ngắt nhịp, gieo vần, nối khổ linh hoạt
- Giọng điệu tha thiết chân thành, ít nhiều có sự phấp phỏng lo âu. Xây dựng hình tượng sóng - một ẩn dụ nghệ thuật về tình yêu của người phụ nữ. Kết cấu song hành: sóng và em
* Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ
- Qua hình tượng sóng đoạn thơ đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật trữ tình: thiết tha, nồng nàn, thủy chung, muốn vượt qua thử thách của thời gian và sự hữu hạn của đời người, hi sinh và dâng hiến hết mình cho tình yêu.
- Từ đó ta thấy cái tôi Xuân Quỳnh thật chân thành, đằm thắm, mãnh liệt và luôn da diết trong khát vọng hạnh phúc bình dị đời thường.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google