Đề thi Ngữ văn: Sự cần thiết của suy nghĩ tích cực đối với bản thân mỗi người
Câu nghị luận xã hội đề thi thử môn Ngữ văn (lần 2) của Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Phú (Hải Phòng) yêu cầu thí sinh bàn về sự cần thiết của suy nghĩ tích cực đối với bản thân mỗi người trong cuộc sống.
Gợi ý đáp án
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2. Theo tác giả,có hai cách đón nhận những biến động, biến cố trong cuộc sống quanh ta : hoặc chấp nhận và vượt qua; hoặc bi lụy, buồn bã.
Câu 3. Vấp ngã là nỗi đau khổ triền miên hay là điều may mắn cần phải có- điều đó tùy thuộc vào thái độ của chúng ta và những gì chúng ta sẽ làm tiếp theo. Ý kiến được hiểu như sau:
Vấp ngã là những rủi ro, thất bại mà ta gặp phải trong cuộc sống . Nếu đón nhận nó với thái độ bi quan chán nản, ta sẽ không thể đứng lên được sau vấp ngã và sẽ chìm trong nỗi đau khổ triền miên. Ngược lại, đón nhận nó với thái độ lạc quan, ta sẽ biết chấp nhận và vượt qua, biến thử thách thành cơ hội, coi "thất bại là mẹ của thành công" .
Ý kiến hướng ta tới một thái độ sống tích cực trước những khó khăn thử thách, thất bại trong cuộc sống.
Câu 4. Học sinh có thể lựa chọn một trong số những thông điệp sau , nhưng phải lí giải ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục: Bài học về tinh thần lạc quan, nghị lực sống. Cần biết chấp nhận để vượt qua, chiến thắng những biến cố trong cuộc sống.
Tác hại của thái độ bi quan, chán nản trong cuộc sống. Đôi khi trong cuộc sống thành công chưa hẳn là thước đo của hạnh phúc, thất bại chưa hẳn là biểu hiện của bất hạnh.
II. LÀM VĂN
Câu 1. Sự cần thiết của suy nghĩ tích cực đối với bản thân mỗi người trong cuộc sống: Suy nghĩ tích cực là nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng, mọi vấn đề theo chiều hướng lạc quan tin tưởng, luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp, tích cực trong bất kì tình huống nào.
- Suy nghĩ tích cực sẽ giúp ta định hướng được những hành động đúng đắn, tháo gỡ được những khó khăn, thử thách; biết đứng dậy sau những vấp ngã, thất bại; giải tỏa được những căng thẳng, stress trong cuộc sống.
- Có suy nghĩ tích cực ta sẽ phát huy được những thế mạnh, khắc phục được những điểm yếu; biết lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở phía trước, từ đó có thêm động lực để cống hiến hết sức mình cho công việc và gặt hái thành công.
- Phê phán thái độ sống bi quan, chán nản, luôn suy nghĩ tiêu cực; hay chỉ nhìn đời qua lăng kính màu hồng, ảo tưởng, lạc quan tếu.
Câu 2. Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng người lính trong đoạn trích. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về người lính trong chiến tranh của nhà thơ Quang Dũng.
* Giới thiệu khái quát về tác giả Quang Dũng, tác phẩm Tây Tiến, đoạn trích và vấn đề nghị luận
* Cảm nhận về vẻ đẹp của hình tượng người lính trong đoạn trích
- Vẻ đẹp của khí phách oai hùng lẫm liệt, sức mạnh kiêu dũng phi thường dẫu hiện thực chiến trường có muôn vàn khó khăn, thiếu thốn (khai thác hai câu đầu: các hình ảnh đoàn binh không mọc tóc, quân xanh màu lá, dữ oai hùm, thủ pháp tương phản, từ Hán Việt…)
- Vẻ đẹp của lý tưởng anh hùng và tâm hồn trẻ trung, hào hoa lãng mạn, phong tình của người lính Hà thành (khai thác hai câu tiếp: các từ mộng, mơ; các hình ảnh mắt trừng, biên giới, Hà Nội dáng kiều thơm…)
- Vẻ đẹp của tinh thần xả thân cứu quốc, sự hi sinh cao cả đáng ngưỡng mộ, tự hào (khai thác bốn câu cuối: cấu trúc đặc biệt của khổ thơ, các từ ngữ rải rác, biên cương, viễn xứ, về đất, chẳng tiếc, gầm; các hình ảnh áo bào thay chiếu, đời xanh, Sông Mã gầm lên khúc độc hành…)
- Nghệ thuật xây dựng hình tượng người lính: Thể thơ thất ngôn với giọng điệu rắn rỏi, mạnh mẽ mang âm hưởng của thể hành. Nhiều biện pháp nghệ thuật được sử dụng thành công: nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, tương phản. Sử dụng từ Hán Việt, các động từ mạnh giàu ý nghĩa biểu hiện.
* Nhận xét về cách nhìn mang tính phát hiện về người lính trong chiến tranh của nhà thơ Quang Dũng
- Hình tượng người lính vừa hào hùng, bất khuất, vừa lãng mạn hào hoa, mang vẻ đẹp riêng của người lính đất kinh kì .
- Trong cách nhìn mang tính phát hiện của Quang Dũng, ở người lính Tây Tiến có sự hòa quyện giữa vẻ đẹp bình thường và phi thường, vừa mang nét đẹp gần gũi thân thuộc của người lính vệ quốc quân thời chống Pháp, vừa mang dáng dấp của các tráng sĩ trượng phu thuở trước. Ngay cả niềm mơ, giấc mộng và cái chết của người lính cũng ngời chói lên vẻ đẹp bi tráng, hào hùng.
* Đánh giá
- Vẻ đẹp của người lính Tây Tiến góp phần thể hiện cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng, vốn là nét hấp dẫn riêng của bài thơ, của phong cách thơ Quang Dũng.
- Với cái nhìn mang tính phát hiện, Quang Dũng đã góp thêm một tiếng nói đặc sắc về đề tài người lính những năm chống thực dân Pháp trong thơ ca cách mạng giai đoạn 1945-1975.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google