Dạy đọc hiểu Ngữ văn, giáo viên có được giảng bình?

Ly Hương
18:29 - 31/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, tác giả sách giáo khoa Ngữ văn bộ Cánh Diều, chia sẻ về việc giáo viên có được giảng bình khi dạy đọc hiểu môn Ngữ văn, Chương trình giáo dục phổ thông mới hay không.

Dạy đọc hiểu Ngữ văn, giáo viên có được giảng bình?- Ảnh 1.

Không nên hiểu cứng nhắc về quy định giảng dạy Ngữ văn mà tuỳ bài giảng, hiểu biết của học sinh để có phương pháp phù hợp. Minh hoạ: pexels

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ với thầy cô giáo dạy môn Ngữ văn rằng, việc chuyển từ hoạt động giảng văn sang hoạt động đọc hiểu là một bước thay đổi lớn với giáo viên. Yêu cầu chuyển đổi này không phải đến Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mới đặt ra mà đã có từ học sinh 2006.

Tuy nhiên quan niệm và cách thức thực hiện dạy học đọc hiểu còn nhiều biểu hiện cứng nhắc, cực đoan; nhiều giáo viên còn lúng túng, có người cho giảng bình trong đọc hiểu là sai; một số giáo viên hỏi: có được giảng văn trong dạy đọc hiểu không?

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, hoạt động bình văn, giảng văn có từ thời phong kiến đến tận bây giờ. Đây là hoạt động chính của người thầy trong dạy học văn ở nhà trường phổ thông.

Suốt một thời gian dài, người thầy năm 2000 dạy giảng văn cũng không khác thầy đồ thời phong kiến, cũng lên lớp giảng cho học trò nghe những gì thầy hiểu và cảm nhận được từ tác phẩm: nội dung hay, sâu sắc và hình thức độc đáo, từ câu chữ đến các thủ pháp nghệ thuật ngôn từ của tác phẩm.

Người học cứ thế ngồi nghe say sưa, thầy giảng là chính, nhiều khi trò cũng không cần đọc văn bản, nghe thầy giảng là đủ rồi.

Dạy học đọc hiểu chủ trương học sinh phải tiếp xúc trực tiếp với văn bản, tự mình tìm hiểu nội dung và ý nghĩa, nhận biết tác dụng của các hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện nội dung; biết cách khám phá văn bản theo thể loại...dưới sự tổ chức, hướng dẫn của thầy.

Đây chính là yêu cầu hình thành năng lực đọc, năng lực hiểu và cách khám phá (giải mã) văn bản nghệ thuật. Muốn hình thành năng lực đọc như thế cần thông qua các hoạt động thực hành, vận dụng, học sinh phải tự mình làm, tự mình khám phá văn bản...

Dạy học giảng văn có ưu điểm và thế mạnh của nó. Trong giờ giảng văn, nhất là giờ của thầy, cô giáo giỏi, học sinh trong lớp im phăng phắc như bị thôi miên, như nuốt từng lời giảng của thầy,...

Kết quả là nhiều học sinh say mê văn chương từ những giờ văn như thế. Người thầy với sự từng trải và hiểu biết của mình, lại vốn làm nghề dạy văn nên việc phân tích, cảm thụ, bình giá văn chương chắc chắn là tốt hơn, sâu hơn.

Giảng văn có mặt tốt, có những lợi thế nhất định, nhưng vẫn phải chuyển sang đọc hiểu. Vì mục tiêu đào tạo con người thay đổi. Nhà trường cần tạo ra những thế hệ học sinh biết chủ động tiếp nhận văn học, không lệ thuộc vào những cách hiểu và cảm nhận của người khác; biết cách khám phá văn bản - tác phẩm để học sinh ra đời tự đọc, tự cảm thụ tác phẩm một cách độc lập.

Từ đó luôn có ý kiến và quan điểm riêng; không a dua, chỉ biết nói theo người khác... Hơn nữa theo lí luận văn học hiện đại, lý thuyết tiếp nhận chủ trương: chỉ khi mỗi học sinh đọc vào văn bản thì tác phẩm mới hình thành và kết quả tiếp nhận sẽ khác nhau. Không thể đọc thay, cảm thụ hộ cho học sinh, dù đó là người thầy.

Tuy nhiên việc chuyển sang đọc hiểu không có nghĩa là từ bỏ hẳn giảng văn, bình văn. Trong giờ đọc hiểu, người giáo viên không chỉ phải tổ chức các hoạt động cho học sinh tự tìm hiểu, khám phá văn bản... mà còn phải tham gia làm trọng tài và trực tiếp cùng học sinh phân tích, khám phá văn bản.

Chỉ khác ở quy trình, cần giao nhiệm vụ cho học sinh thực hiện trước, học sinh tìm hiểu, trao đổi, thảo luận và rút ra những kết luận trước; sau đó giáo viên mới nêu ý kiến của mình như một sự tham gia, làm rõ hơn, sâu hơn, nêu lên những khám phá mới mẻ hơn với trình độ, kinh nghiệm và năng lực của người thầy. Điều đó giúp học sinh hiểu sâu sắc tác phẩm hơn và nâng cao được cách thức, kĩ năng khám phá văn bản.

Theo định hướng vừa nêu, vẫn bảo đảm yêu cầu giúp học sinh tự đọc, tự tìm hiểu để biết cách đọc; vừa tôn trọng ý kiến của học sinh mà vẫn có thể nêu lên ý kiến của mình, góp phần điều chỉnh được những hiểu biết lệch lạc, không đúng yêu cầu tiếp nhận tác phẩm văn học.

Việc giảng văn, bình văn của giáo viên tùy lúc và tùy bài, nhưng thường nên sử dụng vào các thời điểm như: khi mở đầu bài học; khi gặp những vấn đề khó, học sinh đã trao đổi, giáo viên thấy cần mở rộng, nâng cao và khi kết thúc bài học.

Dạy như thế giáo viên cũng sẽ không phải nói nhiều, có nhiều thời gian cho học sinh làm việc, trao đổi; chỉ phân tích, bình và giảng khi cần thiết, ở những chỗ khó, những tín hiệu và ý nghĩa mà học sinh chưa khám phá, phát hiện được.

Tất cả những gì học sinh có thể làm được, phát hiện, khám phá được... thì giáo viên không nên làm thay; hãy để các em tự làm. Càng không nên nói những điều mà thầy không nói học sinh cũng biết, thậm chí các em còn biết nhiều hơn.

Cũng như nhiều vấn đề khác, đổi mới bao giờ cũng có kế thừa và phát triển. Cách dạy học văn cũng cần kế thừa những gì hay, hợp lí, có hiệu quả. Biết vận dụng kết hợp hoạt động giảng văn một cách hợp lí, đúng lúc, đúng chỗ sẽ giúp cho việc hình thành năng lực đọc hiểu của học sinh tốt hơn, giúp các em yêu thích văn học hơn.

Tất nhiên muốn thế trước hết vẫn phải có những thầy, cô giáo giỏi. Một khi giáo viên đã yếu kém thì giảng văn hay đọc hiểu cũng thế cả thôi.