Đằng sau những "điểm giỏi" của thày và trò
Nghịch lý thầy giỏi, trò giỏi mà quanh năm suốt tháng cứ phải dạy thêm, học thêm đã và đang tồn tại hàng chục năm qua...
Một khi thầy cô giáo giỏi sẽ có phương pháp hướng dẫn, định hướng, giảng dạy tốt để học trò ngày càng tiến bộ. Học trò thông minh, ham học, được xếp ở danh hiệu xuất sắc, giỏi sẽ biết điều tiết thời gian giữa học tập, vui chơi và trau dồi các kĩ năng cần thiết cho riêng mình.
Thế nhưng, một thực trạng đang tồn tại là đa phần giáo viên dạy lớp ở các trường phổ thông từ Tiểu học lên đến Trung học phổ thông đều được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên. Và danh hiệu này nhiều vô kể.
Phần lớn học sinh Tiểu học xếp ở mức học lực Hoàn thành tốt và đạt danh hiệu Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập. Cấp trung học phổ thông chủ yếu là học sinh giỏi, học sinh khá. Các lớp chương trình mới thì phần nhiều là xuất sắc và giỏi.
Thế nhưng, vì sao tình trạng dạy thêm, học thêm ở các cấp học hiện nay lại đang khá phổ biến từ thành thị đến nông thôn đối với mọi cấp học?
Liệu những danh hiệu giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi có thực chất?
Hằng năm, ngành giáo dục ở các địa phương luôn tổ chức đan xen Hội thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp. Mặc dù theo hướng dẫn của Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi thì các nhà trường không ép giáo viên tham dự hội thi như trước đây. Thế nhưng, mỗi khi các cấp tổ chức hội thi thì giáo viên ở các nhà trường đều rất nhiệt tình hưởng ứng - nhất là Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Đối với Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường thì những giáo viên dạy lớp đều tham dự. Bởi lẽ, "giám khảo nhà" nên phần nhiều đều chấm nhẹ nhàng như một tiết dự thông thường. Hơn nữa, nếu không thi giáo viên giỏi thì tổ chuyên môn cũng sẽ dự giờ theo kế hoạch. Vì thế, giáo viên thường kết hợp 2 trong 1, vừa có tiết dạy cho đồng nghiệp dự, vừa có danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi cấp trường" và có thêm tiền thưởng.
Hiện nay, theo hướng dẫn của Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT thì giáo viên chỉ dạy thực hành 1 tiết và thực hiện báo cáo 1 giải pháp nên Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp nào cũng diễn ra nhẹ nhàng, nhất là cấp nào tổ chức thì giáo viên dự thi cũng dạy tại đơn vị mình, lớp của mình. Cho nên, dù quy định giám khảo báo trước cho người dự thi 2 ngày nhưng 2 ngày cũng quá đủ để giáo viên chuẩn bị và "dạy nháp" vài tiết ở các lớp khác.
Chính vì thế, khi giám khảo dự giờ thì mọi thứ đều diễn ra trơn tru, ít có những hạn chế mà cho dù có hạn chế thì giám khảo cũng chỉ góp ý sơ sơ rồi chấm đậu. Không giải A thì xếp giải B, giải C chứ ít khi đánh rớt giáo viên dự thi vì rất nhiều lý do khác nhau.
Vì vậy, sau mỗi lần tổ chức thì cả nhà cùng vui. Giám khảo chấm đậu đương nhiên không lo giáo viên phàn nàn mà còn được người dự thi hàm ơn mình. Giáo viên dự thi đậu thì đương nhiên là vui rồi.
Cuối năm học, các trường có vô vàn danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. Có giáo viên chỉ đơn thuần là "Giáo viên dạy giỏi" cấp trường nhưng cũng không ít giáo viên vừa giỏi cấp trường, thêm cấp huyện hoặc cấp tỉnh. Nhiều giáo viên còn có thêm danh hiệu "Giáo viên chủ nhiệm giỏi".
Danh hiệu "Giáo viên dạy giỏi" rất nhiều và mỗi năm ngân sách nhà trường, địa phương đang chi ra rất nhiều tiền cho các Hội thi. Vì vừa phải chi tiền khen thưởng cho người dự thi, vừa phải chi tiền cho giám khảo, tiền cho Ban tổ chức.
Đối với học sinh thì cũng có rất nhiều danh hiệu trong học tập. Ngoài những danh hiệu như: "Học sinh xuất sắc"; "Học sinh giỏi"; "Học sinh tiên tiến"; "Học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ học tập" chiếm phần lớn ở các lớp thì nhiều em còn có thêm các danh hiệu giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích trong các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa; hùng biện tiếng Anh, tiếng Việt; thi máy tính cầm tay; thi kể chuyện…
Vì thế, danh hiệu của thầy và trò ở các nhà trường bây giờ nhiều vô kể. Những gia đình là giáo viên; những gia đình có học sinh đang học phổ thông có vô số giấy khen, bằng khen được các cấp trao tặng. Nhìn qua, thì đây là những mặt tích cực, đáng mừng trước sự cố gắng của cả thầy và trò ở các nhà trường.
Nhưng… dạy thêm, học thêm vẫn nhức nhối
Tình trạng dạy thêm, học thêm đang diễn ra ở mọi cấp học, ở mọi địa phương. Càng khu vực có điều kiện, giáo viên dạy thêm, học sinh học thêm càng nhiều. Học trái buổi, học buổi tối, học ngày nghỉ, ngày lễ. Nếu không học thì thi không đậu, không lên lớp...
Nhìn chung lịch của giáo viên chủ nhiệm ở cấp Tiểu học; giáo viên một số môn Toán, Văn, Anh ở cấp Trung học cơ sở và ở cấp Trung học phổ thông chỉ trừ môn Thể dục và giáo dục quốc phòng là không dạy thêm, còn các thầy cô dạy các môn còn lại luôn tất bật với công việc dạy thêm ở trường, ở nhà mình hoặc ở một phòng thuê gần trường.
Học sinh thì học thêm từ thời Tiểu học với 3 môn: Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ; lên đến cấp Trung học cơ sở thì học thêm các môn: Toán, Văn, Anh, nhiều em còn học thêm một số môn tự nhiên. Cấp Trung học phổ thông gần như tất cả học sinh đều học thêm các môn thi tốt nghiệp bắt buộc và những môn phục vụ cho khối xét đại học của mình.
Điểm trên lớp cao, nhất là ở Tiểu học và Trung học phổ thông nhưng vì sao học sinh phải học thêm nhiều đến vậy?
Nhiều học sinh bây giờ có điểm trung bình tất cả các môn cuối năm lên đến 9,8; 9,9. Nhiều em đạt 9,5, 9,6 điểm trung bình môn nhưng phải nằm ở tốp "giỏi đại trà" chứ không nằm trong tốp 1,2,3 của lớp.
Thế nhưng, cứ đầu năm học thì nhà trường đã có lịch học thêm, thậm chí dạy thêm cả hè. Giáo viên bộ môn cũng đều quảng cáo lớp, trung tâm dạy thêm của mình. Nhiều phụ huynh học sinh còn được giáo viên bộ môn điện thoại, hoặc nhắn tin để báo về tình hình học tập của con em mình chưa tốt.
Và, sau một thời gian học thêm thì cuối học kỳ, cuối năm học những học sinh "yếu" đầu năm ấy đã có những bước tiến thần tốc để đạt được các danh hiệu học sinh giỏi và xuất sắc.
Nghịch lý thầy giỏi, trò giỏi mà quanh năm suốt tháng cứ phải dạy thêm, học thêm đã và đang tồn tại hàng chục năm qua và có lẽ những năm tới đây cũng khó có thể thay đổi được thực trạng này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google