Đảm bảo an toàn cháy nổ: Tuyệt đối không khóa trái cửa nhốt trẻ trong nhà một mình

Ngọc Minh
20:51 - 24/06/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dịp nghỉ hè, nhiều gia đình buộc phải để trẻ tự sinh hoạt ở nhà mà không có người lớn trông coi. Tuy nhiên, việc để trẻ nhỏ ở nhà một mình tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy, nổ. Cha mẹ cần lưu ý không khóa trái cửa nhốt trẻ trong nhà, quản lý chặt chẽ nguồn điện và dạy trẻ cách tự bảo vệ bản thân.

Lưu ý khi trẻ ở nhà một mình

Lưu ý khi trẻ ở nhà một mình. Đồ họa: TTXVN

Khuyến cáo an toàn cháy nổ khi trẻ ở nhà một mình

Khi người lớn đi vắng và để trẻ ở nhà một mình, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây cháy, nổ như trẻ tò mò, hiếu động sử dụng ngọn lửa trần, nghịch các thiết bị điện gây cháy, hoặc do sơ suất của người lớn trong việc quản lý nguồn điện, các thiết bị điện gây cháy... Nghiêm trọng hơn, đã từng xảy ra rất nhiều vụ cháy làm chết người và gây thiệt hại lớn về tài sản mà nguyên nhân do người thân khóa trái cửa để trẻ trong nhà dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Vì vậy, trong trường hợp buộc phải để con ở nhà một mình mà không có ai bên cạnh, phụ huynh cần đảm bảo:

Tuyệt đối không được khóa trái cửa nhốt trẻ ở nhà một mình với bất kỳ lý do nào. Cần đặt chìa khóa cửa chính tại một nơi quy định hoặc trong tầm tay của các em nhỏ khi đi ngủ để các em nhỏ có thể tìm được chìa khóa nhanh chóng và mở cửa trong trường hợp có hỏa hoạn hay các sự cố khác. Trường hợp có việc gấp hay cần phải ra ngoài trong thời gian ngắn, có thể nhờ người thân, hàng xóm trông chừng trẻ giúp, không nên khóa trái cửa.

Bên cạnh đó, việc quản lý chặt chẽ nguồn điện, nguồn nhiệt là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn khi trẻ ở nhà một mình

Phụ huynh cần chủ động kiểm tra, khóa bình gas, tắt bình nóng lạnh, bếp điện đun nấu và các thiết bị tiêu thụ điện khi không sử dụng. Dùng băng keo dán các ổ cắm điện mà trẻ dễ tiếp cận trong nhà.

Chuẩn bị sẵn đồ ăn cho trẻ trước khi ra khỏi nhà, hạn chế hoặc không cho trẻ tự đun nấu và tiếp xúc với thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt để đề phòng nguy cơ hỏa hoạn và bị bỏng. Nhắc nhở trẻ tắt các thiết bị điện không cần thiết và trước khi đi ngủ.

Cùng với đó, không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở. Ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, thiết bị điện, nguồn sinh nhiệt.

Ngoài ra, các gia đình cũng cần lắp đặt thiết bị tự ngắt cho hệ thống điện chung trong toàn bộ ngôi nhà, từng tầng, nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Hướng dẫn cho trẻ lớn hơn biết cách sử dụng thiết bị tự ngắt điện an toàn, khi có sự cố điện giật người khác hoặc trẻ nhỏ hơn trong gia đình.

Các gia đình cần hướng dẫn trẻ nhỏ biết về nguy cơ và nghiêm cấm trẻ tiếp cận, tự ý sử dụng các chất dễ cháy, các thiết bị điện và các vật gây nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm trẻ không được sờ vào để đề phòng cháy, nổ. 

Không giao cho trẻ nhỏ sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy, các loại thiết bị sinh nhiệt khác, bởi sự lơ là của trẻ có thể dẫn đến nguy cơ gây cháy lớn. Hạn chế tối đa cho trẻ nhỏ chơi các đồ chơi có sử dụng điện lưới, các thiết bị phải cắm điện lưới khi sử dụng, nên treo cao các ổ cắm, phích cắm điện đề phòng trẻ tự ý sử dụng dẫn đến nguy cơ bị điện giật. 

Ngoài nguy cơ cháy nổ, để đảm bảo an toàn, tránh thương vong đáng tiếc xảy ra, các gia đình cần có biện pháp giới hạn không gian vui chơi; đồng thời giáo dục trẻ nhỏ tránh xa khu vực cầu thang bộ, cửa sổ, ban công khi vui chơi đề phòng ngã từ trên cao.

Khi trẻ ở nhà một mình, cũng nên hạn chế giao cho trẻ nhỏ thực hiện các nhiệm vụ vượt quá khả năng như phơi hoặc thu quần áo, đồ dùng ở trên cao; lau cửa sổ hành lang, ngoài ban công trên cao, đun nấu hoặc rót nước nóng, dầu mỡ nóng,...

Phụ huynh cũng nên gọi điện về cho trẻ ít nhất 2 tiếng một lần. Nếu có điều kiện, các gia đình nên lắp đặt camera để giám sát, nhắc nhở thường xuyên việc vui chơi của trẻ nhỏ tại nhà riêng khi không có người lớn ở nhà.

Bên cạnh đó, thường xuyên chỉ dạy cho trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng đảm bảo an toàn khi xảy ra sự cố cháy nổ nguy hiểm. Đồng thời chủ động tạo điều kiện cho trẻ nhỏ tham gia các lớp tập huấn, rèn luyện kỹ năng sống, đào tạo, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ để trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân.

Bình luận của bạn

Bình luận